ĐBQH LÊ THU HÀ: VIỆT NAM KÊU GỌI NGHỊ VIỆN THÀNH VIÊN APPF HOÀN THIỆN KHUNG KHỔ PHÁP LÝ ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CỦA PHỤ NỮ DO DỊCH BỆNH COVID-19 GÂY RA

12/11/2021

Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cho biết, tham dự Hội nghị APPF 29, Đoàn Việt Nam kêu gọi các nghị thành viên APPF chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thiện khung khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề của phụ nữ do dịch bệnh COVID-19 gây ra...


Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 29) dự kiến diễn ra từ ngày 13/12 đến ngày 15/12/2021 tại Hàn Quốc. Tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam kêu gọi các nghị thành viên APPF hành động nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em trong và sau đại dịch, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ quá trình phục hồi, thực hiện Tầm nhìn APEC 2040; kêu gọi các nghị viện thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thiện khung khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề của phụ nữ do COVID-19 gây ra; tăng cường tính đại diện và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc ra quyết định ở tất cả các cấp, đặc biệt trong các kế hoạch phục hồi COVID-19; luật pháp về COVID-19 có tính đến yếu tố giới; giám sát hành động của Chính phủ đối với đại dịch từ góc độ giới.

Để hiểu hơn về việc tham dự và các đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị APPF 29, phóng viên Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà - đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà - đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Phóng viên: Để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) diễn ra từ ngày 13/12 đến ngày 15/12/2021 tại Hàn Quốc, bà có thể cho biết Đoàn Đại biểu Quốc hội nữ Việt Nam đã có sự chuẩn bị và những hoạt động cụ thể nào để tham dự vào sự kiện quan trọng này?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF 29) được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Phần I theo hình thức trực tuyến (từ 9-19/11/2021) tập trung thảo luận các dự thảo Nghị quyết và văn kiện của Hội nghị, phần II được tổ chức theo hình thức trực tiếp (từ 13-15/12/2021) tại Seoul, Hàn Quốc. Chủ đề của Hội nghị lần này là “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu COVID-19”, nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Trên cơ sở dự kiến chương trình nghị sự của Hội nghị Nữ Nghị sỹ APPF về các giải pháp bảo đảm ứng phó khủng hoảng COVID-19 có tính đến yếu tố giới nhằm đạt được bình đẳng giới thông qua việc nâng cao sự tham gia và tính đại diện của phụ nữ, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy vai trò của nghị viện trong vấn đề phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19”. Đây là vấn đề được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đồng thời thể hiện sự tiếp nối và kết nối với các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Năm 2020, các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040, hướng tới cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Trong những năm qua, APPF cũng đã có một số nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, nhưng chưa có nội dung nào liên quan đến chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được Liên hợp quốc thông qua từ năm 2000. Trước thực tế đại dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng đối với mọi quốc gia, làm sâu sắc hơn vấn đề bất bình đẳng giới, phụ nữ khó có cơ hội tham gia vào các cơ chế quyết định chính sách về hòa bình, an ninh, làm hạn chế vị thế chính trị, xã hội và kinh tế của phụ nữ, hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất dự thảo nghị quyết nói trên.

Cùng với các dự thảo nghị quyết có chung chủ đề được đề xuất bởi các nghị viện thành viên khác, theo thông lệ, Quốc hội nước chủ nhà đã ghép các nội dung và tổng hợp thành 2 dự thảo nghị quyết để Hội nghị thảo luận, trong đó dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy ứng phó với đại dịch COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi hậu đại dịch” do Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga, Australia và Việt Nam đồng bảo trợ ; dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và tính đại diện của phụ nữ” do Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga và Việt Nam đồng bảo trợ.


Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự cuộc họp Nhóm thảo luận dự thảo Nghị quyết liên quan đến nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF-29 được tổ chức tại Nhà Quốc hội vào chiều ngày 08/11/2021.

Với sự chủ động, tích cực và đồng thuận cao của các nghị viện thành viên, ủng hộ vai trò chủ nhà của Quốc hội Hàn Quốc, Đoàn nữ Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực, đồng bảo trợ hai dự thảo nghị quyết nêu trên, trong đó bảo vệ những nội dung ta đã đề xuất tại sáng kiến của Việt Nam, chỉnh sửa từ ngữ cho phù hợp bối cảnh mới, bảo đảm lợi ích của Việt Nam và hài hòa lợi ích chung.

Phóng viên: Trong những năm qua, APPF cũng đã có một số nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới. Đại dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng, làm sâu sắc hơn vấn đề bất bình đẳng giới. Vậy Đoàn nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có những đề xuất và khuyến nghị gì để giải quyết những hạn chế trên, thưa bà?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Thảo luận về dự thảo nghị quyết “Thúc đẩy ứng phó với đại dịch COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi hậu đại dịch”, đoàn Việt Nam nhấn mạnh tác động nhiều mặt và những thách thức mới mà phụ nữ phải đối mặt trên mọi lĩnh vực do đại dịch COVID-19 gây ra. Đại dịch đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trên diện rộng, đặc biệt là lao động nữ trong các ngành sản xuất và lao động chân tay. Đồng thời, khó khăn trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là tài chính, là một trong những trở ngại cho phụ nữ phát triển và tìm được việc làm mới sau đại dịch.

Nhận thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong các nỗ lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi COVID-19, Đoàn Việt Nam cho rằng, mọi phương thức ứng phó với COVID-19 sẽ không hoàn chỉnh và bền vững nếu không tính đến yếu tố giới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và công nghệ số đối với tăng trưởng kinh tế, sự phát triển trong tương lai của khu vực và thế giới, coi đây là giải pháp hiệu quả để ứng phó với COVID-19 đảm bảo yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Đoàn Việt Nam kêu gọi các nghị thành viên APPF hành động nhằm đảm bảo sự an toàn và phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em trong và sau đại dịch, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và hưởng lợi đầy đủ từ quá trình phục hồi, thực hiện Tầm nhìn APEC 2040; kêu gọi các nghị viện thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và hoàn thiện khung khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề của phụ nữ do dịch bệnh COVID-19 gây ra; tăng cường tính đại diện và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc ra quyết định ở tất cả các cấp, đặc biệt trong các kế hoạch phục hồi COVID-19; luật pháp về COVID-19 có tính đến yếu tố giới; giám sát hành động của Chính phủ đối với đại dịch từ góc độ giới. Đoàn cũng đề nghị các nghị viện thành viên APPF tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo chia sẻ công bằng vắc-xin giữa các nước, đảm bảo phụ nữ, trẻ em được tiếp cận vắc-xin công bằng và an toàn trong tiêm chủng vắc-xin; thực hiện và tăng cường các chiến lược số bao trùm nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số, hoàn thiện hệ thống dữ liệu về Covid -19 để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này trong phát triển các biện pháp ứng phó với khủng hoảng phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác liên nghị viện để giải quyết các tác động bất bình đẳng về giới do COVID-19 gây ra nhằm xây dựng các xã hội công bằng hơn và bền vững hơn trong tương lai.


Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự cuộc họp.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhắc lại Cam kết Hành động Hà Nội (2020) ghi nhận vai trò chủ chốt của phụ nữ trong việc đạt được hòa bình và phát triển bền vững, cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, và thực hiện quyền con người của phụ nữ như một phần không thể thiếu trong nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, tái thiết xã hội. Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam bày tỏ quan tâm đến các tác động nhiều mặt và không cân xứng của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái, làm sâu sắc thêm bất bình đẳng giới và loại trừ phụ nữ khỏi các quá trình ra quyết định quan trọng, làm hạn chế vị thế chính trị, xã hội và kinh tế của phụ nữ, hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục; cơ hội việc làm và chống lại bạo lực.

Đoàn Việt Nam kêu gọi các nghị viện thành viên thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 5 (SDG 5) về bình đẳng giới cũng như SDG 16 về hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ bằng cách tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các cơ chế quốc gia và khu vực để giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình và đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em. Đoàn đề nghị các Nghị viện tăng cường hành động, tập trung vào các chính sách và chiến lược phục hồi có đáp ứng giới, bao gồm vận động, khởi xướng, thảo luận và cải cách luật pháp để hỗ trợ bình đẳng giới và sự đại diện của phụ nữ, để phụ nữ có thể tham gia bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp ra quyết định. Đoàn cũng khuyến nghị các nghị viện thành viên thông qua, triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì Phụ nữ, Hòa bình và An ninh nhằm tăng việc trao quyền và sự tham gia của phụ nữ, phù hợp với các cam kết quốc tế, có tính đến bối cảnh và nhu cầu khác biệt của mỗi quốc gia. Đoàn kêu gọi các quốc gia thành viên APPF hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách và chương trình nghị sự nhằm tăng cường vị thế và vai trò của phụ nữ, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ đóng góp cho hoà bình và an ninh của thế giới thông qua việc đảm bảo tính đại diện và sự tham gia tích cực của phụ nữ trong giải quyết xung đột, quản lý khủng hoảng và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển đổi các nền kinh tế và sự phát triển toàn diện của phụ nữ.

Phóng viên: Với tư cách là nữ đại biểu đại diện cho Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF, bà có kỳ vọng như thế nào ở Hội nghị APPF lần thứ 29 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 12 tới?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà: Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF được chính thức thông qua tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 tổ chức tại Việt Nam năm 2018, cho thấy ngày càng có nhiều sự quan tâm đối với vai trò của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới trong APEC và APPF. Đây là lần thứ 3 Hội nghị Nữ nghị sỹ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thường niên APPF sau gần hai năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo “100 ngày đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở châu Á và Thái Bình Dương: Một góc nhìn về Giới” năm 2020 của Cơ quan Liên Hợp Quốc của về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), sự bất bình đẳng về giới và xã hội vốn đã hiện hữu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch COVID-19 nay càng trầm trọng thêm, khiến cho tình hình khó khăn của nhiều phụ nữ và trẻ em gái trở nên tồi tệ.

Với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19” và được tổ chức trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bước qua đỉnh dịch COVID-19 nhưng hệ lụy đối với kinh tế - xã hội và đời sống người dân còn nặng nề, tôi kỳ vọng Hội nghị APPF lần này sẽ đạt được đồng thuận, quyết tâm cao giữa các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch vì một tương lai tốt đẹp hơn. Và các nghị viện thành viên APPF cùng chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phục hồi hậu COVID-19; đảm bảo các chương trình nghị sự và kế hoạch phục hồi sau đại dịch có tính đến yếu tố giới và sự tham gia phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại cũng như hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bà!/.

Bích Lan