ĐBQH NGUYỄN TUẤN ANH: LỒNG GHÉP NỘI DUNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH

09/11/2021

Thảo luận về tình hình kinh tế -xã hội, ngân sách và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong phiên họp toàn thể ngày 09/11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, kiến nghị về việc cần thiết phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những thiệt hại cho nhiều quốc gia trên thế giới trong đó Việt Nam là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu, sự cần thiết phải lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng, khẳng định sự cần thiết phải đặt ứng phó với biến đổi khí hậu trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là tại Nghị quyết 24 của Trung ương phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết số 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định phải thể hiện nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, việc triển khai những quy định này trong thực tiễn còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ, hiệu quả, chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, còn để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng. Khu vực miền núi, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Long An là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể là lũ lụt, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời chưa huy động được nguồn tài chính thỏa đáng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, trong những năm gần đây, để góp phần thực hiện mục tiêu chung của thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc chủ động, tích cực tham gia các điều ước và cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Cụ thể, Quốc hội đã tham gia các nỗ lực hợp tác liên nghị viện về biến đổi khí hậu trong các diễn đàn như IPU, AIPA và APPF. Tháng 9/2021, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu quan trọng về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chính phủ cũng đã nỗ lực thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từ năm 2015 và Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26 đầu tháng 11 vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Để thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, Chính phủ rà soát và đảm bảo phải lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Chính phủ cần tập trung nguồn lực để thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành sản xuất như điện lực, thép, xi măng, lâm nghiệp nhằm chủ động thực hiện kiểm soát mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam. Sớm phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, trong đó có chú trọng nội dung quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo theo vùng theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Cuối cùng, bên cạnh việc tăng cường giám sát quy hoạch và ứng phó với biến đổi khí hậu, tại Kỳ họp này, đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 một nội dung, đó là yêu cầu Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.

Lê Anh