Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, có rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong nhiệm kỳ qua mà trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, các báo cáo tại Quốc hội và báo chí trong nước và quốc tế đã nêu, trong đó đại biểu nhấn mạnh thêm một số điểm.
Điểm sáng đầu tiên là công cuộc phòng chống tham nhũng bước đầu đã có kết quả rõ nét, tạo nên một dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ này, góp phần tạo lập một môi trường kinh doanh liêm chính, công bằng với chi phí thấp cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người dân và quyết tâm đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, nhiệm kỳ này đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ cải cách thể chế. Chính phủ đã phát động thành công ba đợt sóng cải cách thủ tục hành chính để có thể cắt giảm hàng ngàn các giấy phép con, cắt giảm và đơn giản hóa 50 đến 60% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành và hiện tại tiếp tục phát động, cắt giảm và đơn giản hóa tiếp 20% các quy định về hành chính có liên quan tới kinh doanh.
Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, hành trình xây dựng Chính phủ điện tử được tăng tốc.
“Chúng ta đã lên con đường cao tốc hội nhập với thế giới qua 2 cuộc hội nhập đỉnh cao CPTPP và EVFTA, góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế trong nước theo những chuẩn mực cao nhất trên thế giới”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong đại dịch Covid thì tính ưu việt của thể chế chính trị ở Việt Nam và năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống chính trị xã hội Việt Nam lại một lần nữa tỏa sáng. Đó là sự cố kết, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, là khả năng chống chịu kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước ta lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
“5 điểm sáng nói trên như 5 cánh sao của ngôi sao kinh tế Việt Nam đang tỏa sáng trên bầu trời kinh tế thế giới đang có nhiều mây đen bao phủ, và Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng, có trách nhiệm và an toàn”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, trong 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã xin trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dòng vốn đầu tư thì 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng Giám đốc Samsung cũng thông báo rằng hiện nay Samsung đang gấp rút xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.
“Vừa qua, chúng tôi vừa tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương lớn nhất trong lịch sử của diễn đàn này, với sự tham gia của 2.200 đại biểu từ 50 nước và chúng ta đã ký được các thỏa thuận hợp đồng trị giá 11 tỷ USD đầu tư vào trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, về cơ sở hạ tầng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói, đồng thời khẳng định, thực sự đang có một làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam.
Về những thành tích phát triển của giai đoạn 2016-2020, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù có một số chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch do lý do khách quan, nhưng những kết quả đạt được là rất đáng tự hào.
“Chúng ta đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8% trong suốt 4 năm đầu nhiệm kỳ. Điểm rất cần nhấn mạnh là chúng ta đã đạt được kết quả này mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực ổn định tỷ giá, giảm nợ công xuống mức 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững dựa nhiều hơn vào các yếu tố năng suất và chất lượng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.
Năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID khó khăn, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam ghi thêm một dấu ấn lịch sử, lần đầu tiên nước ta đã vượt Singapore và Malaysia để trở thành một trong 4 nền kinh tế có quy mô kinh tế lớn nhất trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định, trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô như tài khóa, tiền tệ, các chính sách phát triển như nông nghiệp, xuất khẩu đã được hoạch định tương đối tốt, đại dịch Covid cũng là một phép thử cho thấy mạng lưới an sinh xã hội của nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã tăng 1,3 lần trong 5 năm qua nhưng cho tới nay mới chỉ có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
“Điều này cho thấy một phần là do khu vực kinh tế phi chính thức trong nền kinh tế của chúng ta quá lớn. Mặt khác, phần lớn người lao động sẽ không nhận được những hỗ trợ cần thiết và đúng thời điểm mà họ cần hỗ trợ nhất. Cộng vào đó, việc thiết kế và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp 62.000 tỷ cho người lao động và các đối tượng yếu thế còn lúng túng và kém hiệu lực cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Về định hướng phát triển cho 5 năm tới, mặc dù, đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức. Nếu nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua, từ năm 2010 đến năm 2019 GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng trung bình 6,3%/năm, nếu tính thêm cả năm 2019 và 2020 còn thấp hơn nữa. Bởi vậy theo đại biểu, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 6,7% cho 5 năm tới là mục tiêu rất gian nan. Tương tự như vậy, mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 đến 5.000 USD vào năm 2025 cũng cần phải có rất nhiều nỗ lực.
“Có khát vọng là cần thiết, đặt mục tiêu cao sẽ thúc đẩy cả hệ thống sẽ nỗ lực hơn nhưng cũng sẽ gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ, có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là điều cần phải hết sức cẩn trọng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc cảnh báo, đồng thời đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành cần ưu tiên mục tiêu ổn định, coi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho mọi kế hoạch phát triển, là bệ đỡ cho mọi khát vọng vươn lên.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, để thúc đẩy tăng trưởng mức cao, trong khi vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giải pháp của mọi giải pháp vẫn là tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các luồng vốn đầu tư. Đại biểu đề nghị phải quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN. Chương trình rà soát, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh đã được Chính phủ khởi động, cần được triển khai khẩn trương và quyết liệt.
Cùng với đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Chính phủ có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm đạt tới mục tiêu ít nhất có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó, cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy sự minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể, nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào. “Đừng để khu vực này bị bỏ lại phía sau”, đại biểu nhấn mạnh.
Cuối cùng, để đón nhận làn sóng FDI trong bối cảnh mới, cần phải nhận diện thật rõ bản chất của làn sóng đầu tư này là làn sóng chuyển dịch công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng dự luật về công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội ban hành, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
“Nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ và vươn dần lên trong phân khúc cao hơn trong các chuỗi cung ứng thì dù chúng ta có thu hút được thêm hàng chục, hàng trăm tỷ đô la Mỹ FDI trong thời gian tới thì nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ không thể thoát khỏi được kiếp gia công dựa vào lao động rẻ và đất nước này sẽ không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.