ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: CẦN TIẾP TỤC ĐẦU TƯ VÀO CÁC VÙNG KHÓ KHĂN

28/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Bế Minh Đức nhận định, năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất lợi nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam vẫn có được nhiều điểm sáng trong phát triển đất nước. Như đến thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tỷ trọng công nghiệp tăng, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, thị trường tiền tệ ổn định, tín dụng phục hồi đà tăng trưởng, xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng nổi bật.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Bế Minh Đức đánh giá cao việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua. Mặc dù gặp không ít khó khăn, song Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 26 của Quốc hội đã đặt ra và đạt được nhiều kết quả tích cực. Như việc phân bổ vốn đầu tư công đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện ưu tiên trong từng thời kỳ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân loại rõ ràng theo từng tiêu chí. Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã được chú trọng. Tỷ trọng đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước trên tổng đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng lên từ 38,9% năm 2016 lên 46% của năm 2019. Việc ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, v.v. đã được thực hiện tương đối tố. Kỷ luật, kỷ cương tài chính được tăng cường, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Những thành quả trên tiếp tục tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, ngoài những tồn tại, hạn chế đã nêu trong các Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, phân tích, làm rõ thêm một số lĩnh vực thuộc về nguyên nhân chủ quan như trong báo cáo đã nêu, như còn tình trạng né tránh, đùn đẩy, thiếu quyết liệt, tinh thần trách nhiệm chưa cao ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, v.v. hay như công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn yếu kém, v.v. cần được chỉ rõ ở bộ nào, ngành nào, cơ quan nào để có giải pháp chỉ đạo khắc phục.

Đặc biệt, tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu về công tác dự báo và ứng phó biến đổi khí hậu, rà soát những vùng có nguy cơ mất an toàn để có kế hoạch di dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai xảy ra, tránh những sự cố đau xót như thời gian vừa qua tại một số tỉnh miền Trung”, đại biểu Bế Minh Đức nói.

Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, căn cứ theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho các ngành, lĩnh vực, dự kiến phân bổ cho từng địa phương theo cơ cấu vùng miền, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án và mức vốn cụ thể cho từng dự án trung hạn. Đặc biệt, quan tâm bố trí vốn cho các dự án thuộc các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các tỉnh miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số như Cao Bằng và một một số tỉnh khác.

Đại biểu thay mặt cử tri Cao Bằng gửi lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh Cao Bằng, trong đó phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh Cao Bằng). Mong muốn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, dành nguồn lực nhiều hơn để hỗ trợ tỉnh sớm hoàn thành tuyến đường.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, đại biểu Bế Minh Đức cơ bản nhất trí với Báo cáo số 502 của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/QH13 của Quốc hội. Sau 5 năm triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào thực và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta.  

Tuy nhiên theo đại biểu Bế Minh Đức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới, như trong xây trong chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn tình trạng sau công nhận nông thôn mới thì vẫn còn xã nợ tiêu chí. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực hiện hiệu quả chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong cả nước. Vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn là vùng nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn cao.

Đại biểu Bế Minh Đức cho biết, vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn tiếp theo. Chính phủ đề xuất triển khai thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Tôi thấy rất phấn khởi, vì nếu thực hiện như vậy thì vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội vươn lên thoát nghèo nhờ các dự án đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia”, đại biểu Bế Minh Đức nói.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, vì khi triển khai sẽ dễ trùng lắp với một số nội dung chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do vậy, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị với Quốc hội, Chính phủ cân nhắc việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Nên chăng chỉ triển khai 2 chương trình về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để dành nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có thể đưa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững thành Chương trình mục tiêu thực hiện ở phạm vi hẹp hơn”, đại biểu Bế Minh Đức đề xuất.  

Hồ Hương