Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc xây dựng, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, có nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, kinh phí ngân sách bảo đảm một số nội dung của dự thảo luật chưa thống nhất quy định của một số luật hiện hành. Dự thảo luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số nhóm chính sách trong luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Từ những lý do trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian nhất định tại một số địa phương để có thời gian tổng kết, đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách trước khi ban hành luật.
Cùng với đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cân nhắc việc sắp xếp lực lượng dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, nếu giao thêm nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự có thể sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá chính xác số liệu về lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng hiện nay. Phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nguồn kinh phí cần thiết để bảo đảm cho lực lượng này hoạt động, làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.
“Nếu không thực hiện tốt nội dung này có thể phát sinh nguồn kinh phí rất lớn do nhiều biên chế”, đại biểu Thạch Phước Bình chỉ rõ.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, khoản 1 Điều 3 dự thảo luật xác định vị trí lực lượng này là lực lượng quần chúng tự nguyện, nhưng nhiều quy định của dự thảo luật về xây dựng lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động là chưa phù hợp với vị trí, tính chất của lực lượng quần chúng tự nguyện. Đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn quy định với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại khoản 1. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể tương ứng trong dự thảo luật để thể hiện nội dung này. Bên cạnh đó, xác định rõ hơn chức năng tham gia phối hợp và hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục rà soát, bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng có liên quan, nhất là các chủ trương về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, trong đó yêu cầu hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị cấp thôn và các mô hình hoạt động tự nguyện, tự quản, cải cách hành chính, chính sách tiền lương, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn. Đồng thời, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh, nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận, các chế độ, chính sách khác trong dự thảo luật có thể được hiểu là chuyên nghiệp hóa, chính quy hóa lực lượng này. “Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đảm bảo sự phù hợp và có tính khả thi các nội dung này”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Thạch Phước Bình thống nhất Bộ Công an sẽ thực hiện trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, tuyển chọn, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối lực lượng này, vì đây là tổ chức quần chúng tự nguyện, hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, phù hợp với quy định hiện nay của Chính phủ về lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khóm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cân nhắc việc ban hành luật này, vì hiện nay đã thực hiện chính quy công an xã đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của công an xã bán chuyên trách. Khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ là một trong nhiều lực lượng tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và cơ bản chỉ có nhiệm vụ tham gia cùng lực lượng công an chính quy.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định về việc sử dụng công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thay vì phải ban hành luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị không ban hành luật này, vì theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ hiện nay, ở cơ sở đã có lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh nhân dân, nên việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có thể sẽ gây chồng chéo nhiệm vụ.
Mặt khác, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, theo dự thảo luật thì lực lượng này chỉ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tuy nhiên, về chế độ, chính sách thì tương đối nhiều và gần như chính quy, chưa tương thích và phù hợp với quy định hiện nay của Chính phủ về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khóm.