ĐBQH NGUYỄN HOÀNG MAI GÓP Ý VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN HÒA BÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC

27/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đã có ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang bày tỏ quan điểm thống nhất sự cần thiết về việc ban hành dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong kỳ họp này.

Góp ý về Điều 10, Điều 11 và Điều 14 của dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai khẳng định: Báo cáo Quốc hội, tại Điều 10 dự thảo nghị quyết quy định về thẩm quyền quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng. Theo Điều 89 của Hiến pháp thì thẩm quyền đó là giao Hội đồng Quốc phòng và An ninh nên cách quy định như trong dự thảo nghị quyết sẽ có cách hiểu hơi khác Hiến pháp, như đại biểu Trần Hồng Nguyên đã phân tích. Do đó, đề nghị Điều 10 chỉ cần khẳng định lại điều mà Hiến pháp đã quy định, không cần ghi thành 2 khoản mà chỉ cần 1 khoản là Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc là đủ.


Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Điều 11 và Điều 12 nói về quy trình, trong đó Chính phủ trình ra Hội đồng Quốc phòng và An ninh, sau đó Hội đồng Quốc phòng và An ninh xem xét quyết định và sau đó Chủ tịch nước ban hành quyết định. Trong Điều 11 về quy trình cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng, khoản 1 là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ xem xét trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh xin chủ trương về việc cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề nghị bỏ cụm từ “xin chủ trương”, chỉ ghi là: báo cáo Chính phủ để xem xét trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh về việc cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng.

Khoản 2 Điều 11 là căn cứ ý kiến của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đề nghị bỏ cụm từ “căn cứ ý kiến” mà chúng ta phải căn cứ vào quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh thì Chủ tịch nước sẽ ban hành quyết định. Điều 14, về chế độ, chính sách, khoản 2 Điều 14 có ghi: Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn và hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét giải quyết chế độ, chính sách bệnh binh, thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai thấy quy định như thế này chưa đầy đủ và cũng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo nghĩa tức là không phải chỉ có chế độ thương binh, liệt sĩ mà còn các chế độ khác nữa thì chúng ta không quy định. Ví dụ như các chế độ về bảo hiểm, các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai hiểu tinh thần của khoản 2 là những người tham gia lực lượng này mà bị thương, bị bệnh, bị tai nạn, hy sinh, từ trần... được hưởng 2 chế độ. Một chế độ của Nhà nước Việt Nam và chế độ thứ hai là chế độ, chính sách của Liên Hợp Quốc. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết sẽ sửa lại khoản 2 là: Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc. Như vậy sẽ rộng hơn rất nhiều so với điều mà chúng ta đang dự thảo ở đây. Bởi vì, đây là lực lượng vũ trang, chúng ta đó có các luật liên quan của lực lượng vũ trang rồi, những trường hợp được công nhận là liệt sĩ... đã được quy định và chúng ta còn có Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tất cả những điều có được công nhận hay không lại nằm trong quy định cụ thể của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng./.

Bích Lan