Phát biểu tại Tổ 03 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Lai Châu và Tp.Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng trao đổi về việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ, được được Chính phủ đề xuất hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36.000 tỷ và cho vay với lãi suất 0% để chi trả lương ngừng việc cho người lao động qua ngân hàng chính sách xã hội là 16.000 tỷ. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định đây là vấn đề được Quốc hội quan tâm. Tại thời điểm đang diễn ra dãn cách xã hội do Covid nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường để xem xét gói 62.000 tỷ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhấn mạnh rằng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid là nội dung quan trọng, cấp bách cần được quyết định ngay, triển khai kịp thời. Thế nhưng qua 6 tháng triển khai thì một số khoản giải ngân mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 1% và thậm chí là 0%.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, tháng 7, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tiến hành giám sát giảm nghèo đồng thời có kết hợp khảo sát để nắm bắt tình hình thực hiện gói hỗ trợ nói trên. Kết quả cho thấy tại Hà Nam, trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ thì chỉ có nhóm thứ năm, đó là nhóm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, tức là vốn có sẵn danh sách mà không cần rà soát, là có được kết quả cụ thể. Kết quả của các nhóm còn lại đều bằng không. Ở Quảng Ngãi, ngoài 190 hộ kinh doanh, 13 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và 37 người không giao kết hợp đầu bị mất việc được hỗ trợ thì không có một hộ kinh doanh và doanh nghiệp nào được hưởng từ cái gói này. Kết quả tại Phú Yên cũng không cao hơn là mấy.
Qua báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết là đến ngày 03/9, các địa phương đã giải ngân được 17.500 tỷ trên tổng số 62.000 tỷ. Trong 17.500 tỷ thì có đến 11.690 tỷ đồng là hỗ trợ cho nhóm thứ năm và chỉ có khoảng 5.800 tỷ là hỗ trợ cho tất cả 5 nhóm còn lại. Đáng chú ý, kết quả giải ngân của nhóm cho vay với lãi suất là 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua ngân hàng chính sách xã hội, kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh vì chỉ một doanh nghiệp được phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay nhưng mà doanh nghiệp này cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động và không vay nữa.
Cũng thời điểm đó, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban 4 thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận vì nhiều điều kiện chưa hợp lý hoặc chưa thực tiễn. Quy trình thủ tục còn rất là phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn. Trong lúc đó, kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần cấp cứu. Nếu thực hiện các chính sách hỗ trợ không nhanh, có thể lâm vào tình trạng chết lâm sàng và sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.
Đại biểu cho biết thêm, qua tập hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội từ Ban Dân nguyện cũng đã phản ánh rằng việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ trên thực tế còn bất hợp lý. Thủ tục kê khai rườm rà, phức tạp, chưa đồng bộ, mỗi nơi là một kiểu. Việc hướng dẫn các đối tượng kê khai thông tin để được hỗ trợ, chưa được cụ thể dẫn đến việc lúng túng khi thực hiện. Vấn đề này sẽ dẫn đến việc hỗ trợ sót đối tượng và đồng thời cũng dễ tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng hoặc là trục lợi. trong lúc nước sôi lửa bỏng, doanh nghiệp và người lao động hết sức khó khăn thì điều kiện đưa ra lại quá ngặt nghèo.
Tại kỳ họp này, Chính phủ cũng chưa có đánh giá cụ thể về gói hỗ trợ này và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ nhận xét rất ngắn gọn là chưa như mong đợi. Đồng thời, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 30/10 vừa qua, lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, do thủ tục thẩm tra còn chặt chẽ nên việc triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ cũng tham mưu theo hướng là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động. Trước kia, có yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận đủ điều kiện nhưng nay chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là doanh nghiệp tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động và ngân hàng sẽ điều tra và cho vay. Do đó, thời gian cho vay chỉ khoảng 1 tuần là có thể tiến hành.
Đại biểu đặt vấn đề, tại sao khi mà doanh nghiệp khó khăn nhất, tức là thời điểm ban hành gói hỗ trợ, thủ tục lại phức tạp đến như vậy? Tại sao không trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp ngay từ đầu. Khi thực hiện khoảng chừng 1- 2 tháng có khó khăn, vướng mắc như thế, tại sao không kịp thời để tháo gỡ ngay. Đại biểu cho rằng đây là phản ứng chính sách hết sức chậm chạp. Trong điều kiện ngân sách hết sức khó khăn, đối tượng hỗ trợ được đề nghị mở rộng, đại biểu đề nghị các Bộ, ngành chức năng và các cơ quan liên quan cung cấp cho đại biểu thông tin chi tiết, cũng như đánh giá một cách minh bạch, rõ ràng về gói hỗ trợ lần một. Bởi vì thực hiện mà không đạt yêu cầu gói này thì không chỉ phần nào gây ra lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào chính sách nhà nước. Trong thời gian tới, cần phải đánh giá một cách thấu đáo để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như đề ra những giải pháp phù hợp và thủ tục đưa ra phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận./.