ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: LÀM RÕ KẾT QUẢ KHẮC PHỤC HẠN CHẾ VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI TỪ KỲ HỌP THỨ 9

21/01/2021

Thảo luận về Báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả khắc phục hạn chế về kinh tế - xã hội từ Kỳ họp thứ 9.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả khắc phục hạn chế về kinh tế - xã hội từ Kỳ họp thứ 9.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã thẳng thắn cầu thị báo cáo với Quốc hội về 8 nhóm hạn chế, gồm:

Một, kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc; tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Hai, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình còn xảy ra ở một số địa phương.

Ba, ô nhiễm môi trường nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Tại một số thành phố, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Bốn, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa có nhiều chuyển biến tích cực, thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm, khiếu kiện về đất đai vẫn còn bức xúc ở một số địa phương.

Năm, tình hình trật tự, an toàn xã hội, tội phạm trên một số địa bàn diễn biến phức tạp; tình trạng tin giả, xấu, độc, phản cảm, trái thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trên mạng xã hội còn nhiều; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy tăng nhưng vẫn chưa đạt 50% tổng số tài sản tham nhũng.

Sáu, việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều thách thức, khó khăn, do chuyển biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế.

Bảy, việc tranh thủ cơ hội, lợi ích của FTA đã ký còn hạn chế, bất cập.

Tám, công tác tổ chức - cán bộ tuy có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế.

Để hoàn thiện báo cáo kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ thêm Chính phủ đã làm gì để khắc phục 8 nhóm vấn đề được coi là hạn chế nêu trên. Trong 8 nhóm đó đã khắc phục được những vấn đề gì, còn những vấn đề gì tồn tại, hạn chế mà chúng ta chưa khắc phục được. Trong báo cáo này cũng nêu rõ giải pháp để tiếp tục khắc phục 8 nhóm hạn chế nêu trên. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, Chính phủ bổ sung, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu thì cử tri mới thực sự yên tâm, thấy rõ thực chất sự chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là mới thấy rõ trách nhiệm cao, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao và hiệu quả của Chính phủ cũng như của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng đề nghị trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu và cử tri mong muốn Chính phủ làm nổi bật hơn vai trò của một số chủ thể trong năm 2020, đó là nhóm chủ thể về phòng, chống tham nhũng, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại biểu cho biết, qua ý kiến phản ánh của cử tri, chưa bao giờ cử tri vui mừng và tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua. Đây là t điểm nhấn rất sáng trong Báo cáo mà Chính phủ chưa thể hiện rõ.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng đề nghị Chính phủ làm nổi bật hơn vai trò của các chủ thể đã hy sinh tính mạng của mình trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và trong phòng, chống lụt, bão ở miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua. Đại biểu đề nghị bổ sung vào báo cáo của Chính phủ các giải pháp để phát huy vai trò của chủ thể đó là vai trò quyết định, bệ đỡ cho nền kinh tế, đó chính là nông nghiệp. Chủ thể của nông nghiệp là lao động nông thôn, nhất là lao động nông thôn, là ngư dân và lao động nông thôn ở những nơi bị thu hồi đất. Hiện nay, lao động nông thôn ở những nơi thu hồi đất cần phải đánh giá xem có bao nhiêu lao động nông thôn chưa được đào tạo nghề. Có bao nhiêu lao động được đào tạo nghề nhưng không sử dụng được nghề đã đào tạo. Có bao nhiêu sử dụng nghề đã đào tạo nhưng vẫn không ổn định được cuộc sống.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đánh giá rất cao vai trò của ngư dân, đó chính là anh hùng, đó chính là cột mốc sống trên biển. Họ không chỉ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế của đất nước, mà họ còn có một vai trò rất quan trọng, đó là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia của Việt Nam trên biển. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ giải pháp để phát huy vai trò của các chủ thể này. Đại biểu đề xuất nên tập trung vào giải pháp truyền thông chính trị cho ngư dân. Cần đánh giá xem thời gian qua đã truyền thông tốt cho ngư dân hay chưa và thực sự truyền thông chúng ta đã có hiệu quả hay chưa? Nếu chưa thì những rào cản nào ngăn cản truyền thông chính trị đối với ngư dân để thực sự ngư dân vừa khai thác tốt, vừa bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản và đặc biệt vừa thực sự là người anh hùng, là người cột mốc sống trên biển của Việt Nam./.

Lan Hương