GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỊP THỜI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC HIỆN TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

15/01/2021

Vấn đề tự chủ đại học đã được luật hóa và quy định cụ thể hơn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thì từ quy định đến thực tiễn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về thực tiễn triển khai cơ chế tự chủ đại học tại nước ta thời gian vừa qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có thể thấy, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập để tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi hơn khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học chủ động sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Triển khai Nghị quyết, 23 cơ sở giáo dục đại học đã thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện. Theo số liệu báo cáo của cơ quan quản lý, hiện nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo và nghiên cứu; góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Tiếp đó, cơ chế tự chủ cũng ngày càng được cụ thể hoá. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật Giáo dục đại học với nội dung trọng tâm là mở rộng và nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học. Luật quy định tự chủ trên các mặt về chuyên môn, học thuật; tổ chức, nhân sự và tài chính; xác định trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt vai trò của thiết chế Hội đồng trường được cụ thể và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của cơ sở giáo dục.

Mặc dù đã được luật hóa tương đối cụ thể, tuy nhiên, do luật mới có hiệu lực cho nên, bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn còn một số vướng  mắc như: nhận thức về tự chủ đại học trên thực tế chưa thực sự đầy đủ; một số ràng buộc pháp lý do nhiều luật liên quan chưa được sửa đổi đồng bộ;…

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp, vấn đề thực hiện tự chủ đại học cũng là một trong những nội dung làm nóng nghị trường Quốc hội. Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có phần trả lời nội dung các đại biểu chất vấn. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Đúng là vấn đề tự chủ đại học được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ từ chủ trương, thực tiễn triển khai tự chủ, …. đến những nội dung cụ thể như vướng mắc tại trường Đại học Tôn Đức Thắng. Mỗi nội dung được nêu lên đều được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời đầy đủ, rõ ràng và đầy tinh thần trách nhiệm. Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, còn phải thực hiện tiếp tục, và đây là một quá trình, thời gian qua chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học và đã đạt được kết quả rất tốt. Theo Phó Thủ tướng, trước hết có 2 việc quan trọng để thực hiện để tự chủ đại học theo đúng hướng và đúng quy luật. Thứ nhất, các trường phải kiện toàn mới, thành lập Hội đồng trường với cơ quan thực quyền chứ không phải hội đồng hình thức. Thứ hai, tất cả các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, tài chính nội bộ rất chi tiết theo quy định pháp luật và công khai cho toàn dân biết và giám sát.

Phóng viên: Vậy, theo quan điểm của đại biểu đâu là nút thắt cần tháo gỡ trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tự chủ đại học là yêu cầu tất yếu đối với các trường để phát triển. Đây là bước đi cần thiết và đặc biệt quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng, nội dung tự chủ đại học đã dần được mở rộng, cơ chế tự chủ ngày càng được cụ thể hoá. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có thiếu đồng bộ. Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều luật chuyên ngành khác như: Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ,… với nhiều quy định mang tính ràng buộc. Do đó, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học. Ngoài ra, tự chủ đại học còn rất nhiều nội hàm cần hiểu cho đúng. Nhận thức về vai trò, chức năng của Hội đồng trường trong hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học còn chưa được đề cao; thiết chế Hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả….. Tất cả, những vấn đề vướng mắc hiện nay cần được tổng hợp, phân tích và hướng tháo gỡ kịp thời để chủ trương tự chủ đại học thực sự đạt hiệu quả cao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

 

Lê Anh