GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THU HÚT NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA VÀO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

15/01/2021

Theo Hiến pháp năm 2013, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động. Để hoàn thành sứ mệnh lớn lao này, theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần chú trọng làm rõ vai trò, chức năng...

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, tập trung sửa đổi, bổ sung 14 điều trong tổng số 33 điều; bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản của Luật Công đoàn. Nội dung sửa đổi, bổ sung trọng tâm vào các vấn đề lớn như: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới và hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019. Góp ý vào dự thảo Luật, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần chú trọng làm rõ vai trò, chức năng; kinh phí hoạt động,… cũng như tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để thu hút đông đảo người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Phóng viên: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn đang được lấy ý kiến rộng rãi. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công đoàn?

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn là cần thiết vì xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu chăm lo cho người lao động tốt hơn. Trước hết, việc sửa đổi sẽ khắc phục được những một số hạn chế, bất cập hiện nay của Luật hiện hành. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng góp phần quan trọng tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn trước đòi hỏi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phóng viên: Quan điểm của đại biểu về quy định liên quan đến cơ chế tài chính công đoàn tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung như thế nào?

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Dự thảo có quy định về nguồn kinh phí công đoàn là 2%; quy định về miễn, giảm phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn;.... Tôi cho rằng, Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn mà còn chăm lo phúc lợi, chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn tại cơ sở. Vì vậy, việc cần có kinh phí công đoàn để hoạt động là phù hợp và cần thiết do đặc thù riêng của tổ chức này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tính minh bạch, công khai các nội dung chi từ nguồn kinh phí này. Cần ưu tiên chi cho việc chăm lo đời sống cho công đoàn viên gặp hoàn cảnh khó khăn, .... Bên cạnh đó, cân nhắc, đánh giá tác động đề xuất mức thu cho hợp lý.

Phóng viên: Một trong những điểm mới trong lần sửa đổi này là quy định về quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài. Vậy đại biểu có đồng tình với quy định này?

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi cho rằng việc cho phép người lao động là người nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp là quy định tiến bộ. Quy định này sẽ tạo phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu của Công ước 87 về tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức mà Việt Nam sẽ ký kết trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần có lộ trình cụ thể; cần lưu ý việc có để người lao động là người làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia vào Ban lãnh đạo Công đoàn hay không vì đây là tổ chức chính trị - xã hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật thì tổ chức Công đoàn cần phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động như thế nào để thu hút sự tham gia của người lao động?

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi cho rằng, thách thức lớn đặt ra đối với Công đoàn là làm sao thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên công đoàn. Do vậy, công đoàn phải thể hiện được ý chí nguyện vọng của của công đoàn viên. Công đoàn phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phải là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tiếp tục đổi mới nọi dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp đặc biệt là công đoàn cơ sở. Nội dung hoạt động phải thiết thực phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;...Phương thức hoạt động cần linh hoạt, sáng taọ, hấp dẫn,... nhằm thu hút người lao động tham gia. Nhìn chung, điểm mấu chốt là hoạt động phải thực sự có sức lan tỏa, xuất phát từ bảo vệ quyền lợi người lao động; hướng tới người lao động;.. Có như vậy, sẽ thu hút, tập hợp được đông đảo người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh