ĐBQH NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH: ĐÁNH GIÁ, RÚT KINH NGHIỆM 10 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

14/01/2021

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá, rút kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ đánh giá, rút kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế trên nhiều lĩnh vực, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đại biểu bày tỏ đồng tình và thống nhất với những giải pháp của Chính phủ và định hướng xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, để đánh giá, rút kinh nghiệm, sớm ban hành đề án cho giai đoạn tiếp theo. Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, rà soát, đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho người lao động. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong việc giải quyết hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.

Song song với đó, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau trong quá trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Chính phủ cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng tính kết nối, đồng bộ, lan tỏa, khắc phục những điểm nghẽn và phục vụ cho mục tiêu phát triển. Hoàn thiện hệ thống logistics để phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của mỗi vùng, địa phương. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 từ 17 đến 18% trong tổng nguồn vốn đầu tư cho các vùng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 18%. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên sớm triển khai thực hiện các tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ và Cà Mau, các tuyến đường trọng điểm, các trục kết nối ngang, kết nối dọc của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Quan tâm đầu tư, phát triển, nâng cấp các tuyến quốc lộ 53, 54, 57, 80. Đây là những tuyến đường quan trọng kết nối các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành khác trong cả nước để giải quyết những vấn đề căn cơ, cốt lõi liên quan đến hạ tầng cơ bản, vì đây là vùng có ý nghĩa chiến lược trong nông nghiệp, an ninh lương thực, xuất khẩu thủy sản, trái cây, đặc biệt quan trọng nhất là vùng đang đối mặt với những thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở nhằm góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Đẩy mạnh cải cách thể chế, ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Góp ý vào kế hoạch kinh tế xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách thể chế, không ngừng nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó lấy chất lượng của việc thực thi gắn với cải cách hành chính thực chất, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chuyển sang mô hình kiến tạo phục vụ cho phát triển, làm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho quá trình phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Chính phủ điện tử, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo ra những động lực mới cho phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, mà đặc biệt là những vấn đề này được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu thực hiện được sẽ tạo động lực mới giúp chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng thực chất cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của tăng trưởng trong giai đoạn tới. Tôi đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2011-2020 để xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một cách toàn diện nguồn vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ giai đoạn 2016-2020 để có những giải pháp cụ thể và đầu tư thích đáng cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất đời sống, nâng cao chất lượng nghiên cứu và tính ứng dụng trên các lĩnh vực. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới. Áp dụng các phương thức quản lý, quản trị hiện đại, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng văn hóa, xã hội, môi trường với những giải pháp quyết liệt, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Phát triển và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt chiến lược tăng trưởng xanh, thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng sạch. Tập trung xử lý các vấn đề về môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải rắn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và phát triển đô thị. Đặc biệt, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường từ nhận thức đến hành động một cách quyết liệt, khuyến khích sự tham gia bằng nhiều hình thức và thích hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc bảo vệ môi trường. Quan tâm đầu tư các công trình, dự án trong công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, có sự phối hợp chặt chẽ để thu hút các nguồn vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa và lâu dài. Tích cực triển khai các biện pháp dài hạn để vùng trồng cây ăn trái đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết thủy văn, thiên tai và hạn mặn./.

Lan Hương