Đại biểu Lê Minh Chuẩn khẳng định, năm 2020 là một năm rất đặc biệt, đầu năm gặp đại dịch COVID-19 và những ngày tháng gần đây do biến đổi khí hậu cực đoan đã ảnh hưởng rất nặng nề tới cuộc sống của nhân dân các tỉnh miền Trung, làm đảo lộn mọi tính toán, cân đối kinh tế - xã hội. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, các thành phần kinh tế đã thực hiện thành công mục tiêu kép, khắc phục thiệt hại của các tỉnh miền Trung, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng, Chính phủ cần xem xét trong mối quan hệ với việc sử dụng năng lượng và hiệu quả. Cụ thể, ở Việt Nam, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2001 và có hiệu lực thực hiện từ 2011. Từ năm 2011 đến nay, nước ta đã triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và 2 kế hoạch 5 năm. Kết quả, từ năm 2010 đến 2019, sau 10 năm kinh tế xã hội nước ta có đã có sự phát triển mạnh. Dân số tăng 1,11 lần, GDP hiện hành tăng 2,4 lần, GDP bình quân đầu người tăng 2,13 lần, GDP theo thời giá cố định 2010 tăng 1,73 lần. Theo đó tiêu dùng năng lượng và điện năng ngày càng tăng cao, tổng cung năng lượng sơ cấp tăng 2,2 lần. Sản lượng điện sản xuất tăng 2,48 lần. Xét trên phương diện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các chỉ tiêu cường độ, năng lượng và cường độ nhiệt điện năng tính theo GDP thời giá cố định 2010 cho thấy từ 2010 đến 2019, chỉ tiêu cường độ năng lượng tăng từ 16,9 lên 21,9 GJ/nghìn USD tăng 1,27 lần. Chỉ tiêu cường độ điện năng tăng từ 828,7 lên 1.186,2 KWh/nghìn USD tăng 1,43 lần.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV
Với những số liệu thống kê cho thấy, hiệu quả sử dụng năng lượng và điện năng ở nước ta ngày càng giảm. Theo đại biểu Lê Minh chuẩn có 03 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, về trình độ công nghệ, kỹ thuật, thiết bị và quản lý sử dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất còn bất cập, hạn chế dẫn đến mức tiêu hao nhiên liệu điện năng cao.
Thứ hai, dân số tăng cùng với thu nhập ngày càng tăng mức tiêu dùng năng lượng và điện năng trong sinh hoạt tăng cao từ 25 tỷ KWh năm 2001 lên 59,3 tỷ KWh năm 2019.
Nguyên nhân thứ ba là cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng, hiệu quả. Cụ thể khu vực tiêu hao ít năng lượng hơn như dịch vụ từ 2010 đến 2019 tăng 4,6%. Khu vực tiêu hao nhiều năng lượng điện năng như công nghiệp xây dựng tăng 2,36%. Trong khi tỷ trọng tiêu thụ điện năng của lĩnh vực công nghiệp xây dựng 2018 chiếm 55% của nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là 3%, của dịch vụ và các lĩnh vực khác là 42%.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn cho rằng, trong các nguyên nhân nêu trên, thì nguyên nhân quan trọng mang tính chiến lược là tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ định hướng chung là chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chưa gắn với mục tiêu cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Để thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045 là cường độ năng lượng sơ cấp đến 2030 đạt từ 420 đến 460 KgOE/nghìn USD GDP. Năm 2045 từ 375 đến 410 KgOE/nghìn USD GDP, đại biểu đề nghị cần tuyên truyền về nhận thức và phân biệt rõ nội hàm, khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả để có cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp.
Trên thực tế, hiện nay, nội hàm của 2 khái niệm này còn hiểu chung chung, chưa tách biệt rõ ràng quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, thực chất mới chỉ đề cập đến khía cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm với nghĩa là vẫn đảm bảo nhu cầu mục tiêu đặt ra, nhưng với mức tiêu hao năng lượng thấp hơn. Theo đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chỉ đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm năng lượng.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ quy định rõ ràng 2 khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả như sau: Một, sử dụng năng lượng tiết kiệm là cùng một kết cấu đầu ra, nhưng với mức tiêu hao năng lượng đầu vào ít hơn. Hai, sử dụng năng lượng hiệu quả là cùng một mức tiêu hao năng lượng đầu vào nhưng đạt được kết quả đầu ra nhiều hơn. Tuy kết quả cuối cùng của hai trường hợp trên đều giảm mức tiêu hao năng lượng trên cùng một đơn vị đầu ra, nhưng bản chất và việc áp dụng trong thực tiễn là khác nhau. Cụ thể, sử dụng năng lượng tiết kiệm là chúng ta áp dụng trong sản xuất những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để giảm tiêu hao nhiên liệu, điện năng và chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu theo hướng này. Còn sử dụng năng lượng hiệu quả là áp dụng đối với đầu tư phát triển mở rộng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có giá trị kinh tế cao nhưng tiêu hao năng lượng ít. Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay vì đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng chuyển sang đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao ít năng lượng.
Thứ hai, với nhận thức nêu trên, đi đôi với sử dụng năng lượng tiết kiệm, cần tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả. Trên cơ sở áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cần đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả theo hướng ngành, lĩnh vực sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng chỉ hạn chế ở mức quy mô vừa đủ để đáp ứng được nhu cầu trong nước. Ngành lĩnh vực sản xuất tiêu hao ít năng lượng nhưng đem lại giá trị kinh tế cao thì ưu tiên phát triển theo hướng này. Trên cơ sở đó, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cụ thể hóa mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện./.