ĐBQH NGỌ DUY HIỂU: QUAN TÂM HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

20/11/2020

Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội phản ánh tác động của đại dịch đến người lao động là rất lớn nên cần có các giải pháp để quan tâm hỗ trợ cho người lao động.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ số 01 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết, COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến lao động việc làm, 31,8 triệu người lao động trên khoảng gần 55 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, gần đây lại còn bị tác động bởi thiên tai.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Theo thống kê của Viện Công nhân Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua một điều tra thì xác định COVID-19 đã làm cho xu hướng nghèo hóa của công dân, nhất là công dân đô thị có nguy cơ gia tăng, thể hiện qua một số chỉ số rất đáng lo ngại, là sụt giảm mạnh về tiền lương, tới khoảng 50% số người lao động được hỏi thì bị giảm lương. Trong đó có một số ngành độ giảm rất cao như là giao thông vận tải, có hàng không hay du lịch thì giảm từ 77 đến 80%; dệt may, da giày giảm tới 30-40%; nhưng riêng giao thông vận tải và dịch vụ du lịch mức độ giảm rất sâu, rất lớn và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện sống của người lao động.

Có tới 60%, người lao động được hỏi thì phải chi tiêu theo cách thắt lưng buộc bụng, nhiều bữa cơm của họ phải giảm. Thống kê cũng cho thấy có khoảng 40% số người lao động phải giảm bữa ăn của mình, thay đổi từ giảm bớt cá, thịt theo những bữa ăn bình thường của họ. Số người phải sử dụng tiền tích lũy, rồi vay của người thân, cũng là con số rất đáng quan tâm; ảnh hưởng đến các kế hoạch gia đình như 27% ảnh hưởng đến việc đang định dự kiến học tập, nâng cao trình độ tay nghề, v.v. hiện nay cũng không thực hiện được; thậm chí đến 13% số người không thể thực hiện được kế hoạch tiếp tục khám chữa bệnh; 13% số gia đình được hỏi thì từ khó khăn này cũng ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, vợ chồng có thể xích mích, mâu thuẫn.

Nhấn mạnh đây là con số rất đáng suy nghĩ, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng đây là những vấn đề rất đáng quan tâm trong thời gian tới bởi lao động là tài sản vốn quý của doanh nghiệp và nó đang bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, cần có các giải pháp để quan tâm tới việc hỗ trợ cho người lao động.

Trong khi đó các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người lao động, đến với người lao động được rất ít. Theo thống kê đến tháng 7/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì có 16 triệu đối tượng đã được hưởng, chủ yếu là gia đình chính sách, hộ nghèo, nhưng riêng người lao động mới chỉ có 402.000 người lao động được hưởng gói hỗ trợ, do các chính sách của chúng ta chưa gần với cuộc sống, các tiêu chí đưa ra cũng chưa xác thực. Do vậy, có thể nói người lao động đang đứng trước những khó khăn rất gay gắt và khó khăn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, đến khả năng để tiếp cận công việc sau đại dịch nhưng còn có cả một nguy cơ nữa là nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp còn khó khăn thì có thể nói là một lực lượng trong số lao động thất nghiệp; khó khăn này có thể sẽ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn và những vấn đề xã hội kéo theo.

Từ thực tế thị trường lao động, các vấn đề kinh tế xã hội, kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Trước hết, phải tập trung duy trì sự ổn định của thị trường lao động, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là nhóm yếu thế phải coi là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như việc xây dựng các chính sách trong thời gian tới và doanh nghiệp cũng nên coi đây là điều kiện, một cơ hội để có thể là nâng cao trình độ, kỹ năng nghề sẽ đào tạo người lao động để họ có thể tiếp cận công việc sau đại dịch.

Thứ hai, Chính phủ cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta cần phải phải tập trung để triển khai ở các cơ quan, doanh nghiệp. Bởi vì chúng ta là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và trong bối cảnh hiện nay nếu chúng ta không tập trung phát huy được các hiệp định này, để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường tính tuân thủ để tiếp cận các tiêu chuẩn rất cao của các hiệp định này thì chúng ta cũng sẽ mất cơ hội. Chúng ta nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên bị mắc COVID, nên giờ đây chúng ta phải tìm cách khai thông hàng của tiếp tục đến được với thế giới; nhiều mặt hàng của chúng ta thế giới họ cũng không thể dừng sử dụng.

Tiếp theo, tiếp tục mở cửa một cách thận trọng, có kiểm soát. Hiện có rất nhiều quan điểm nhưng tình hình COVID hiện nay, thế giới đang tính đến phong tỏa lần 2 nếu không tính kỹ, bàn kỹ vấn đề này thì cũng là điều rất đáng lo. Song trong lãnh đạo, chỉ đạo thì phải coi đây là cơ hội, vì khi các nền kinh tế các nước đang rất mệt mỏi, rất yếu thì chúng ta phải cố gắng đề xuất các giải pháp để giành cơ hội vượt lên.

Về các gói kích thích kinh tế, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng phải hướng tới động lực để phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Hiện nay chúng ta vẫn đang tư duy nhiều về phục hồi, nhưng phải hướng tới để các doanh nghiệp tăng trưởng trong dài hạn. Nếu chỉ tập trung cho phục hồi như bây giờ, như thống kê Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã công bố nhiều doanh nghiệp không mặn mà lắm với các gói kích thích mà cho rằng tập trung làm thể chế và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tức là phải tạo động lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển, không chỉ thuần túy là khôi phục và trong đó cải cách thể chế để tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp là mục tiêu quan trọng./.

Bảo Yến