Làm rõ các chỉ tiêu chưa đạt trong thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ số 01 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ tán thành với những thành tích trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm và cho biết kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 là điểm mới so với 5 năm trước đây. Khi thực hiện kế hoạch 5 năm đã tạo một bức tranh tổng thể, đưa ra những định hướng dài hạn, tránh việc phải thực hiện quản lý ngân sách theo kiểu "ăn đong" trước đây.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội
Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai Những đề nghị cần phải đánh giá thực chất hơn một số vấn đề. Đại biểu nêu rõ, phải bám sát vào Nghị quyết số 25 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và trong Nghị quyết số 25 thì đưa ra rất nhiều chỉ tiêu. Nhưng trong số các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được.
Đại biểu cho biết, một là về tổng chi đầu tư phát triển trong Nghị quyết sô 25 đã xác định rất rõ tổng mức đầu tư phát triển là 2 triệu tỷ và mức trần của ODA là 300.000 tỷ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện đã phải điều chỉnh và phải điều chỉnh tăng thêm 60.000 tỷ. Như vậy, mức trần đã không giữ được đối với ODA và đã phải điều chỉnh và tương ứng như vậy phải giảm phần vốn trái phiếu.
Hai là chưa đạt được cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Trong Nghị quyết số 25 cũng xác định rất rõ trong giai đoạn 5 năm phải cổ phần hóa và số thu là 250.000 tỷ. Nhưng đến nay chắc chắn là không đạt và trong 2 năm vừa qua về căn bản cổ phần hóa chững lại. Về vấn đề này, đại biểu cho rằng cần phải phân tích và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan hay phụ thuộc vào ý chí của người thực hiện.
Ba là về chính sách thu. Nghị quyết số 25 xác định rất rõ cần phải đảm bảo tính trung lập của thuế và hạn chế tối đa việc miễn giảm. Tuy nhiên trong suốt 5 năm qua chúng ta đã không hạn chế được mà ngược lại các quy định về miễn giảm thuế lại tăng lên rất nhiều. Bên cạnh yếu tố khách quan là do dịch bệnh, nhưng rõ ràng về lâu dài để đảm bảo tính trung lập để phù hợp với thông lệ quốc tế thì tất cả những quy định miễn giảm thuế cần phải rà soát lại và điều chỉnh theo đúng định hướng.
Bốn là chưa đạt được là chủ trương về ban hành sắc thuế tài sản trong Nghị quyết số 25. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng đây là một sắc thuế tiến bộ và cũng đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Mặc dù đã có thảo luận, có Ban soạn thảo, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thế nhưng gần 10 năm qua chúng ta cũng chưa ban hành được và định hướng tới đây sẽ như thế nào? Đến nay Chính phủ cũng chưa rõ quan điểm. Ngoài ra, về thuế VAT cũng đã xác định cần phải đưa về một mức và chủ trương mở rộng cơ sở thuế. Đại biểu chỉ rõ, tất cả những mục tiêu này đã triển khai nhưng cũng còn rất chừng mực, cần được làm rõ.
Cần đánh giá hiệu quả vốn đầu tư theo kết quả đầu ra
Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai ghi nhận, Chính phủ cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cố gắng rất lớn trong việc thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời lưu ý một số nội dung:
Thứ nhất, việc đánh giá hiệu quả vốn đầu tư công theo kết quả đầu ra. Hiện nay chúng ta đã thực hiện 2 triệu tỷ và câu hỏi đặt ra đối với tất cả chúng ta là với 2 triệu tỷ đó thì chúng ta thu được cái gì. Trong báo cáo tổng kết, đánh giá, kỳ vọng một con số cụ thể là những công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy tác dụng, những công trình nào còn dở dang và những công trình nào thì cần phải đình, giãn, hoãn. Tuy nhiên, mặc dù Luật Đầu tư công cũng quy định cần phải đánh giá hiệu quả nguồn lực đầu tư theo sản phẩm đầu ra. Nhưng vấn đề này cũng là khoảng trống mà chúng ta chưa đạt được. Với nguồn lực như vậy, nếu như chúng ta không xác định rõ kết quả đạt được thì thực sự cũng là một khiếm khuyết.
Thứ hai, về phân cấp quản lý. Đại biểu cho biết thực hiện theo Luật Đầu tư công mới được gần một năm cùng với những tiến bộ thì riêng phần phân cấp thực hiện là cần phải xem xét lại. Đó là hiện nay chúng ta đã tăng cường trao quyền tự chủ cho địa phương tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thì một mục tiêu khi trao quyền tự chủ cho địa phương lại dàn trải, thiếu tập trung. Hiện nay, chúng ta thực hiện theo phương pháp tính điểm và giao tổng vốn cho các địa phương. Thế nhưng, khi nguồn lực giao về cho các địa phương thì số lượng các dự án tăng lên rất nhiều và theo tài liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của tất cả các bộ ngành, địa phương và số dự án tăng lên hơn 4.000 dự án. Với nguồn lực hạn chế như vậy, với số lượng dự án như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới khắc phục được tính dàn trải, thiếu tập trung và giao quyền hạn cho địa phương cần phải đi đôi với trách nhiệm, khi phân bổ nguồn lực thì phải cần quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư đối với các địa phương.
Đại biểu trao đổi thêm, năm nào trong Báo cáo của Chính phủ cũng nêu vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, do đó, cần những giải pháp để cương quyết khắc phục tình trạng này. Đại biểu cho biết trong những giải pháp được đề xuất là giải pháp điều chuyển vốn nhưng trên thực tế việc điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác thực sự còn chưa quyết liệt. Đại biểu kỳ vọng trong giai đoạn tới những giải pháp đã đưa ra sẽ đem lại cái hiệu quả thiết thực.
Cho ý kiến về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, bên cạnh những hiệu quả mang tính thực chất thì ở đâu đó bệnh thành tích cũng như là tính hình thức trong kết quả đạt được vẫn còn tồn tại và rất nhiều địa phương đã được công nhận nông thôn mới nhưng nợ tiêu chí, rất nhiều nơi đã được công nhận không phải là xã nghèo. Nhưng khi Đoàn đến giám sát thì thực sự là thấy đời sống người dân còn rất khổ và phương án phân bổ đối với nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia thì tôi nghĩ cũng cần tính toán lại. Hiện nay 60% là phục vụ cho việc chi sự nghiệp. Khi quyết toán Chương trình mục tiêu quốc gia thì tỷ lệ vốn chi sự nghiệp rất lớn, trong khi vốn chi cho phần đầu tư phát triển còn rất hạn chế và tới đây chúng ta lại tiếp tục đề ra.
Theo đề xuất của Chính phủ sẽ duy trì tiếp tục 2 chương trình mục tiêu cộng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số là 3 chương trình, song đại biểu Vũ Thị Lưu Mau cho rằng cần phải rà soát sự cần thiết, bởi vì về bản chất, chương trình mục tiêu là mang tính thời điểm và đến một lúc nào đó bức tranh ngân sách phải đảm bảo tính tập trung. Tất cả các chương trình này không thể duy trì mãi. Vì vậy, tới đây Quốc hội cũng thảo luận để thấy được hiệu quả thực chất của các chương trình này./.