ĐBQH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: NÔNG NGHIỆP LÀ BỆ ĐỠ CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

11/11/2020

Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng cần có thêm đánh giá bổ sung vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 vừa qua và có các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp hơn nữa.

Thảo luận tại Tổ 01 - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ số 01 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định qua COVID-19 cho thấy nông nghiệp càng là bệ đỡ của phát triển kinh tế - xã hội, do đó, đề nghị trong báo cáo kinh tế - xã hội phải nhấn mạnh thêm về đóng góp rất lớn của nông nghiệp, kể cả cho xuất khẩu. Đồng thời, cho rằng nếu tập trung cho nông nghiệp theo 2 hướng: Một là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Hai là tổ chức lại sản xuất bằng kinh tế hợp tác và hợp tác xã là nòng cốt. Hợp tác ở đây là tổ hợp tác và hợp tác xã. Khi đó hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng của nông nghiệp.

Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ dẫn chứng thực tế của Hà Nội. Nông nghiệp Quý I âm đến 1,61%, đến khi Thành Ủy, Ủy ban chỉ đạo tập trung thì Quý II bắt đầu lên 1,16% và quý III tăng trưởng lên đến 6,99%, chưa bao giờ nông nghiệp có tăng trưởng 6,99%. Hiện nay các mô hình khoa học, công nghệ của Hà Nội mới chỉ ứng dụng được khoảng 30% tổng diện tích sản xuất, kể cả nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi và giá trị làm ra trên một hecta cũng cao, thuộc lợi nhất nhì cả nước, nhưng cũng chỉ có 250 triệu. Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng khi mục tiêu trong Nghị quyết là đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào trong nhiệm kỳ tới là phải khoảng 70% thì dư địa tăng trưởng còn rất là nhiều.

Về tổ chức lại hợp tác, trong đó có việc quản lý nhà nước, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ, quản lý nhà nước ở đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ngành kế hoạch và đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Cục Quản lý về hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Cục hợp tác xã thì chỉ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đối với các loại hình hợp tác xã là công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, tín dụng, v.v.. có những địa phương giao cho ngành kế hoạch, có địa phương lại khoán cho ngành nông nghiệp, có địa phương khi nói đến kinh tế hợp tác lại lôi Liên minh hợp tác xã ra trong khi Liên minh hợp tác xã là tổ chức tự nguyện liên kết với nhau không làm chức năng quản lý nhà nước, có những địa phương lại chẳng giao cho ai.

Vì vậy tỷ trọng hợp tác xã phát triển có hiệu quả thì ngày càng tăng lên nhưng cũng còn thấp. Hiện nay mới được khoảng 58%, 60%, hợp tác xã kiểu mới khác kiểu cũ. Trong khi đó, hợp tác xã kiểu mới là không thủ tiêu kinh tế hộ gia đình, trang trại, nông trại mà gia tăng giá trị cho kinh tế hộ, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra.

Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần phải rà soát để lại đất trồng lúa. Đại biểu làm rõ, đất trồng lúa với đất lúa là 2 khái niệm khác nhau. Đất lúa hoàn toàn có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị cao hơn và khi cần thiết để đảm bảo an ninh về lương thực vẫn quay trở lại trồng lúa được.

Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, năm nay Hà Nội đang có kế hoạch là chuyển ở khoảng 46.000 hecta đất này sang cây trồng khác với nguyên tắc bảo tồn được đất nông nghiệp, đất lúa. Tuy nhiên nhưng thủ tục còn nhiêu khê, không có phân cấp, phải báo cáo, phải trình rất phức tạp nên cần phải có thông thoáng hơn nữa trong việc này. Chuyển đổi cây trồng và có chuyển đổi cây trồng thì mới khắc phục được tình trạng để hoang hóa đất nông nghiệp.

Nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội Vương Đình Huệ  cho rằng nếu Hà Nội đưa vào khoảng 70% ứng dụng khoa học, công nghệ thì mục tiêu lên 280 triệu 1 ha ở trong tầm tay. Tuy nhiên nếu đạt mục tiêu đó thì vẫn thấp hơn khá nhiều so với TP.Hồ Chí Minh về giá trị sản xuất/ha./.

Bảo Yến