GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC TRẢI NGHIỆM VỀ QUỐC HỘI

10/11/2020

Việc giáo dục cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng có vai trò rất quan trọng, giúp cho học sinh tìm hiểu về Quốc hội, những giá trị dân chủ mà Quốc hội đang đại diện,... hoạt động này đã và đã diễn ra sôi nổi, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận.

 

Một chương trình trải nghiệm giáo dục đặc biệt

Từ những bước đi đầu tiên đến nay, chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội đã có hơn 40 chương trình được tổ chức, với sự tham gia của hơn 3600 học sinh, sinh viên đến từ 17 trường THCS, THPT và đại học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9/2017

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2017 nhằm tăng cường sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử hình thành, phát triển; tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Chương trình cũng góp phần triển khai chủ trương đổi mới phương pháp giáo dục và phát triển một số kỹ năng cho các bạn học sinh, sinh viên. Theo Ts. Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ, chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội giúp cho các em học sinh hiểu kỹ hơn bài học trong sách giáo khoa. Từ đó, giúp nâng cao kiến thức về mặt pháp luật cho học sinh. Ts. Nguyễn Phú Chiến cho rằng, hình thức học tập này hoàn toàn phù hợp với định hướng của nhà trường là tăng cường học tập thông qua trải nghiệm.

Đến với chương trình, các bạn học sinh, sinh viên được tham gia vào các hoạt động chính gồm: tham quan tòa nhà Quốc hội, tham gia game show tìm hiểu về Quốc hội Việt Nam; tham gia hoạt động trải nghiệm làm đại biểu Quốc hội trong phiên họp mô phỏng phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Chia sẻ về cảm nhận khi được trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục trải nghiệm về Quốc hội, học sinh Hoàng Việt Hưng, Trường THCS Ngoại ngữ, cho biết: Đây là một trải nghiệm rất hữu ích và không thể quên được trong cuộc đời học sinh của chúng con và con cũng mong muốn rằng không chỉ mình trường chúng con được trải nghiệm chương trình này mà thậm chí là toàn thể học sinh của toàn quốc được tham gia vì con biết rằng qua trải nghiệm này các bạn có thể hiểu được nhiều hơn luật pháp, hoạt động của Quốc hội của Việt Nam...”

Học sinh Hoàng Việt Hưng, Trường THCS Ngoại ngữ 

Hoạt động đầu tiên là chuyến tham quan công trình Tòa nhà Quốc hội nơi được coi là mái nhà chung của dân tộc Việt Nam. Tại đây, các bạn học sinh được ghé thăm đường tranh nghệ thuật đương đại, khu trưng bày những khám phá khảo cổ dưới lòng đất nhà Quốc hội, sảnh trung tâm tòa nhà Quốc hội; phòng truyền thống Quốc hội nơi lưu giữ quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam cùng hàng ngàn thông tin hữu ích trong thư viện Quốc hội. Đặc biệt có nhiều bạn vô cùng thích thú khi được đặt chân tới phòng họp Diên Hồng - nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội nước ta. Hoạt động thứ hai trong chương trình là game show tìm hiểu về Quốc hội Việt Nam. Ở hoạt động này, các bạn sẽ được trải nghiệm hệ thống thiết bị giáo dục tương tác thông minh hiện đại để thử khả năng hiểu biết về Quốc hội cũng như trả lời những câu hỏi về tình huống pháp luật xoay quanh các vấn đề trong cuộc sống. Trong game show một số câu hỏi sẽ được lồng ghép thêm nhiều ngôn ngữ khác nhau để phù hợp với các bạn đang theo học tại các trường chuyên ngữ.

Bà Lê Thị Thùy Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Long đánh giá: “Chương trình không chỉ bổ ích cho học sinh mà còn bổ ích với cả giáo viên  về phía giáo viên giáo viên sẽ lồng ghép được một số nội dung trong chương trình giáo dục trải nghiệm vào trong chương trình giảng dạy ...”

Sau khi đi tham quan nhà Quốc hội và tham gia game show, có lẽ hoạt động được mong chờ nhất chính là lúc các bạn được tham gia trải nghiệm thành các vị đại biểu Quốc hội trong phiên họp mô phỏng phiên họp toàn thể của Quốc hội. Hoạt động này là dịp để các bạn học sinh/sinh viên phát biểu ý kiến, cùng nhau trao đổi thảo luận, tranh luận về những vấn đề xã hội đang quan tâm và phù hợp với lứa tuổi. Các bạn trẻ cũng được trực tiếp bày tỏ chứng kiến bằng cách bấm nút biểu quyết thông qua những quy định, dự thảo luật mô phỏng như quy trình 1 phiên làm việc của Quốc hội.

Có thể nói ý nghĩa mang lại sau khi tham gia chương trình chính là sự thay đổi tích cực của các các bạn trong quá trình học tập và trong cuộc sống hàng ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, Giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết: “Sau khi chương trình kết thúc đã có nhiều biến chuyển tích cực trong ý thức và hành động của các em học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm. Các em học sinh đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm công dân đối với việc thực hiện và tuân thủ pháp luật cũng như hiểu rõ được tính chất dân chủ trong các công việc cụ thể, công việc xã hội. Ngoài ra,  các em cũng rất hăng hái phát biểu trong giờ học. Nếu như trước đây giáo viên chỉ đưa ra 1 vấn đề quan điểm thì các em thường không dám bày tỏ quan điểm nhưng ngày hôm nay đã khác, các em đã sẵn sàng đưa ra luận điểm và bảo vệ luận điểm của mình....”

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc, Trường THCS Đoàn Thị Điểm 

Hoạt động giáo dục trải nghiệm về Quốc hội đã được tổ chức tại Nghị viện một số nước trên thế giới. Để tăng cường hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới, Vừa qua, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”.

Chia sẻ về Chương trình giáo dục trải nghiệm tại Nghị viện Nhật Bản, ông Kayamori Yusuke, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Thượng viện Nhật Bản cho biết, Chương trình trải nghiệm Thượng nghị viện Nhật Bản là chương trình đặc biệt mà các em học sinh sau khi đến tham quan Nhà Quốc hội sẽ được trải nghiệm mô phỏng theo hình thức đóng vai diễn cho các phần thảo luận về Dự thảo Luật tại các Ủy ban và các phiên họp chính thức của Quốc hội, nhằm làm cho các em học sinh hiểu sâu hơn về Quốc hội. Trong Chương trình, các em học sinh được tham gia với tư cách là các Nghị sỹ Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch các Ủy ban, Bộ trưởng, Nghị sỹ trình Dự thảo luật... Trong quá trình tham gia chương trình, học sinh được tham quan Nhà Quốc hội, tìm hiểu cơ cấu, vai trò, quy trình xây dựng và ban hành Luật.”

Tại hội thảo, đại diện các trường tiểu học, trung học phổ thông, đại học của Việt Nam đều khẳng định Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam là hoạt động hết sức có ý nghĩa, cần thiết, bổ ích, thiết thực bởi các em được tham gia trải nghiệm thực tế, tạo thêm động lực, đam mê học tập của học sinh. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về Quốc hội nói riêng và kiến thức về tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội, nhằm giúp thế hệ trẻ có thêm kiến thức về tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.

Hội thảo "Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam"

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, chương trình giáo dục trải nghiệm mong muốn tiếp tục giúp các bạn trẻ tham gia chương trình có thêm niềm tự hào dân tộc; trải nghiệm bổ ích để chắp cánh những ước mơ và đặc biệt chương trình mong muốn sẽ là một môi trường để rèn luyện kỹ năng và phát triển ngôn ngữ, 1 diễn đàn để thỏa sức sáng tạo, bày tỏ chính kiến; 1 sân chơi bổ ích tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Mục đích của Chương trình giáo dục trải nghiệm nhằm giới thiệu cho học sinh, sinh viên tìm hiểu về Quốc hội, giá trị dân chủ mà Quốc hội đang đại diện, qua đó, giúp học sinh hiểu được sự tham gia của người dân vào hoạt động của Quốc hội. Thông qua các Phiên họp mô phỏng Phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chương trình lồng ghép nội dung các Luật nhằm tuyên truyền, phổ biến cho học sinh hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời, Chương trình cũng góp phần rèn luyện kỹ năng mềm cho học sinh, nhất là khả năng làm việc tập thể và phát biểu trước công chúng. Vậy, thời gian tới cần tiếp tục có những đổi mới cải tiến như thế nào? và kinh nghiệm của nghị viện các nước trong thực hiện chương trình này ra sao? Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này:

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian vừa qua chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội đã được triển khai tích cực. Vậy, Đại biểu có đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của chương trình?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và thực tế thời gian qua đã triển khai được hơn 40 chương trình với sự tham gia của hơn 3.600 học sinh, sinh viên đến từ 17 trường THCS, THPT và đại học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Đây là nỗ lực rất lớn của Văn phòng Quốc hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử hình thành, phát triển; tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Chương trình cũng góp phần triển khai chủ trương đổi mới phương pháp giáo dục và phát triển một số kỹ năng cho các bạn học sinh, sinh viên..… Có thể thấy hiệu ứng cũng như ý nghĩa chương trình mang lại là rất lớn. Ý nghĩa mang lại sau khi tham gia chương trình chính là sự thay đổi tích cực của các bạn học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và trong cuộc sống hàng ngày.

 Phóng viên: Qua thực tiễn triển khai, đâu là những vướng mắc, khó khăn cần khắc phục để tiếp tục nâng cao hơn và nhân rộng hiệu quả từ mô hình giáo dục trải nghiệm này, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đây là hoạt động trải nghiệm gắn với điều kiện rất là cụ thể. Đó là trải nghiệm tại tòa nhà Quốc hội. Như vậy, sẽ liên quan đến điều kiện tổ chức, đến quy mô tổ chức cũng như địa điểm tổ chức. Nếu như Ban tổ chức có những hình thức linh hoạt hơn nữa, ví dụ như: có thể tổ chức theo hình thức trực tuyến; hình thức phổ biến qua những trang web của chương trình hay là có những hình thức có thể làm cầu truyền hình,... thì cùng 1 lúc có thể nhiều học sinh, sinh viên ở nhiều địa bàn khác nhau có thể tham gia được.

Ngoài ra, chương trình hiện nay như chúng ta đã biết mới dừng ở khu vực đô thị là chủ yếu, nếu có chương trình đa dạng phù hợp hơn để cho các đối tượng học sinh, sinh viên ở các địa bàn khác nhau có thể tìm hiểu và không chỉ là hoạt động trải nghiệm về Quốc hội mà nghiên cứu mở rộng ra tìm hiểu về pháp luật; hệ thống chính trị gắn với hoạt động của Quốc hội thì chắc chắn hiệu quả của chương trình cũng sẽ tốt hơn nữa và phạm vi ảnh hưởng của chương trình với xã hội cũng sẽ sâu rộng hơn.  

Phóng viên: Có nhiều ý kiến đề xuất, nên mở rộng đối tượng tham gia giáo dục trải nghiệm về Quốc hội. Vậy quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Chương trình cần được mở rộng cho các đối tượng học sinh các khối tiểu học và trung học phổ thông, không chỉ tập trung vào học sinh lớp 8. Bên cạnh đó, tiến hành truyền thông bằng nhiều hình thức để giới thiệu về hoạt động của Quốc hội giúp nhiều đối tượng được tiếp cận hơn. Ngoài ra, Ban tổ chức Chương trình cần xây dựng các kịch bản phù hợp với từng đối tượng học sinh để Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho học sinh đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, cần có các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham gia Chương trình….

Phóng viên: Thưa đại biểu, hình thức giáo dục trải nghiệm đã được thực hiện ở nghị viện một số nước trên thế giới. Vậy, đâu là kinh nghiệm có thể ứng dụng và triển khai tại Việt Nam để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hình thức giáo dục này?

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Kinh nghiệm của quốc gia trên thế giới cho thấy, giáo dục cho thế thệ trẻ là một phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Quốc hội. Công tác này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực tế nghị viện một số nước đã tổ chức hoạt động trải nghiệm về Quốc hội rất hiệu quả mà điển hình là Quốc hội Nhật Bản. Như tôi được biết, chương trình hiện nay Văn phòng Quốc hội đang triển khai là chương trình được sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Thượng viện Nhật Bản và cũng đã có sự tham khảo kinh nghiệm 1 số nước. Tuy nhiên, do mỗi một nước có 1 hệ thống chính trị khác nhau, cách thức tổ chức hoạt động của Quốc hội cũng khác nhau. Vì vậy, việc áp dụng những kinh nghiệm của hoạt động từ các nước trên thế giới là cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng cần phải phù hợp với điều kiện tổ chức, học tập của học sinh Việt Nam để có hiệu quả thực sự.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam do Văn phòng Quốc hội Việt Nam thực hiện. Đây là một trong những hoạt động cần thiết, bổ ích nhất là trong thời điểm Việt Nam triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, giúp cho học sinh các cấp học có thêm kiến thức, hiểu biết về lịch sử hình thành, phát triển, vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Theo quan điểm của đại biểu Phạm Tất Thắng để tiếp tục nâng cao hiệu quả của chương trình cần mở rộng đối tượng tham gia đồng thời đa dạng hình thức tổ chức. Ngoài việc trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức về Quốc hội, hoạt động này cũng được gắn với các môn khoa học xã hội khác trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên./.

Lê Anh