Những con số đáng lo ngại này cho thấy, dù cuộc sống ngày càng phát triển nhưng bạo lực gia đình vẫn đang là vấn nạn đau lòng và là hồi chuông báo động cho toàn xã hội. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Trước vấn nạn chưa có hồi kết này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về thực trạng cũng như những giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực gia đình hiện nay:
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: “Giáo dục mạnh mẽ ý thức tôn trọng bản thân...”
Đây là vấn đề khó bởi vì trong ngôn ngữ đời thường là “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, thường có xu hướng cố tình khu trú những vấn đề trong gia đình với quan điểm “xấu chàng, hổ ai”?...
Về mặt tâm lý người ta luôn nghĩ việc gia đình làm sao quan trọng bằng xã hội nhưng thực tế gia đình lại là tế bào của xã hội; các vụ việc gia đình thường không lớn, vì vậy nhiều yếu tố cản trở. Căn cứ vào đó thì muốn phòng chống bạo lực gia đình cần giáo dục mạnh mẽ hơn nữa ý thức tôn trọng chính bản thân mình, trân trọng những giá trị của gia đình. Bên cạnh đó, cần huy động các tổ chức xã hội vào cuộc một cách thường xuyên và quyết liệt để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra cần phải có chế tài đủ sức răn đe và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Những thành viên trong gia đình cũng cần thức tỉnh, cần có ý thức tố giác các hành vi sai trái không được bao che, dung túng,...
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: “xây dựng các thiết chế gia đình bền vững để phòng tránh bạo lực gia đình...”
Thời gian qua, bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn nạn xã hội. Có thể thấy, hầu như ở đâu từ thành thị đến nông thôn đều xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Số liệu thống kê cũng chỉ phản ánh được 1 phần nào đó của tình trạng này hiện nay. Hậu quả của bạo lực gia đình để lại là hết sức nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, tài sản,.... Nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em. Đây đều là những đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ. Mặc dù, hậu quả để lại từ nạn bạo lực gia đình rất nặng nề nhưng hầu hết các nạn nhân lại im lặng và cam chịu. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống bạo lực gia đình.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của người dân về bạo lực gia đình. Đồng thời, giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, cần chú trọng thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành. Tiến tới xây dựng các thiết chế gia đình bền vững để phòng tránh bạo lực gia đình.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: “Cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức cơ sở”
Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, do đó chúng ta cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ tình trạng này trong đời sống xã hội.
Để giảm thiểu nạn bạo lực gia đình, trước hết cần thay đổi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Cụ thể, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú. Đồng thời, tiến hành giáo dục bình đẳng giới ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình được hiệu quả, vai trò trung gian, kết nối của các tổ chức cơ sở là vô cùng quan trọng và cần thiết. Các tổ chức cơ sở cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối và là điểm tựa vững chắc cho mỗi gia đình vì mục tiêu “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”./.