DÀNH NGÂN SÁCH HỖ TRỢ MIỀN TRUNG ''TÁI THIẾT'' SAU BÃO LŨ

02/11/2020

Tuần này, Quốc hội bắt đầu đợt làm việc thứ 2 theo hình thức tập trung và sẽ dành thời gian thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách. Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân, một số đại biểu Quốc hội cho rằng người dân các tỉnh miền Trung đang vô cùng khó khăn sau bão lũ, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm... bị phá hủy, vì vậy ngân sách cần ưu tiên hỗ trợ các địa phương này nhanh chóng tái thiết cuộc sống.

 

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp): Cần có công trình tránh bão lũ kiên cố

Nước ta đã khống chế dịch Covid-19 tương đối tốt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mau chóng hồi phục. Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gây đứt gãy quan hệ thương mại nhưng nhìn chung doanh nghiệp đã có điều kiện làm ăn tốt hơn so với những quý trước nên không nhất thiết phải hỗ trợ thêm. Hơn nữa, ngân sách nhà nước eo hẹp, năm nay lại thất thu lớn do dịch Covid-19 đồng thời phải chi rất nhiều khoản phát sinh. Nếu tiếp tục hỗ trợ gói thứ hai cho doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tôi e rằng ngân sách sẽ gánh rất nặng, thậm chí nợ công sẽ tăng rất cao như một số tổ chức thế giới đã cảnh báo.


ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

Miền Trung đang phải gánh chịu mưa lũ khốc liệt, dị thường; bão chồng bão, lũ chồng lũ, thiệt hại rất lớn về cả người và tài sản. Vì vậy, ngân sách nên dành cho miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ; bảo đảm đời sống người dân; xây sửa lại các công trình hư hỏng như trường học, bệnh viện, cầu đường… Đặc biệt, mưa bão, lũ lụt ở miền Trung năm nào cũng có, vì vậy cần có những công trình tránh bão lũ kiên cố cho bà con. Dù hỗ trợ cho đối tượng nào cũng phải khoanh vùng hỗ trợ tập trung.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Đối tượng cần hỗ trợ nhất là người dân vùng bão lũ

Đối tượng cần được hỗ trợ tập trung nhất lúc này là người dân ở những tỉnh đang bị bão lũ. Các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... đang trải qua bão lũ lớn nhất trong lịch sử. Mưa bão, lũ lụt trên diện rộng đã làm sập nhà sập cửa, mất hết tài sản, không đủ mức sống. Tài sản công cộng bị hư hỏng, sập đổ. Vì vậy, những tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ hơn rất nhiều để ổn định lại đời sống cho bà con nhân dân. Tài sản cộng đồng như trường học, trạm xá, cầu cống, đường sá phải được sửa chữa ngay sau khi lũ rút.


ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn do Covid-19, điều quan trọng bây giờ là thiết kế lại và thực hiện hiệu quả cho bằng được gói hỗ trợ lần một, làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được. Chúng ta không nên dàn trải hết gói này đến gói kia nhưng lại không đem lại hiệu quả như mong muốn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Đồng tiền mang đi “cấp cứu" phải nhanh gọn

Đối với hậu quả lũ lụt ở miền Trung,  ngân sách có quỹ dự phòng rất lớn chưa sử dụng, vì vậy Chính phủ phải trích từ quỹ này để hỗ trợ người dân. Dịch bệnh xảy ra ngoài ý muốn cho nên bội chi ngân sách là chuyện bình thường, ngay cả ở các nước trên thế giới cũng vậy. Vấn đề là chi làm sao cho đúng và kịp thời để bảo đảm đời sống nhân dân, tạo nền tảng để phát triển trong giai đoạn tới.


ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Liên quan đến dịch Covid-19, gói hỗ trợ thứ hai nên tập trung vào an sinh xã hội, bao gồm những người yếu thế, người nghèo, người lao động mất việc. Tiếp đến là hỗ trợ những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 gồm du lịch, hàng không, vận tải. Đặc biệt, cần hỗ trợ những doanh nghiệp có vị thế, uy tín và thương hiệu trên thế giới để khi nền kinh tế hồi phục Việt Nam có điều kiện tăng tốc. Nếu để doanh nghiệp lớn này bị sụp đổ thì khôi phục rất khó.

Đặc biệt, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế. Những lĩnh vực ưu tiên gồm chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các lĩnh vực giảm thiểu sự tiếp xúc con người với con người. Bởi đó là lĩnh vực về lâu dài sẽ cần thiết trong nền kinh tế bất chấp có dịch Covid-19 hay không.

Để thực hiện gói hỗ trợ lần hai đạt hiệu quả, chúng ta phải rút ra những bài học từ gói hỗ trợ thứ nhất. Thực tế cho thấy, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ rất sớm, nhanh và kịp thời nhưng triển khai không đi vào thực tế. Do đó, phải tháo những thắt nút về thủ tục hành chính, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Đồng tiền mang đi “cấp cứu” là phải nhanh gọn, còn chuyện thủ tục hành chính có thể rà soát kiểm tra sau.

TS Phạm Thế Anh, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Chi tiêu ngân sách phải tiết kiệm

Tăng trưởng GDP 2 - 3% tức là người dân và doanh nghiệp đang dần ổn trở lại, những người mất việc sẽ có việc làm hoặc vẫn duy trì được mức thu nhập để tồn tại qua khó khăn. Tôi nghĩ rằng không cần phải hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng lên 4 - 5% vì như thế là không bền vững.


Trưởng nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Phạm Thế Anh

Nhìn một cách dài hơn, năm nay chúng ta tập trung vào thúc đẩy giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, vốn được đẩy mạnh cho năm nay thì sang năm nền kinh tế có thể sẽ gặp những thách thức. Rủi ro lớn nhất là dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn trên thế giới thì xuất khẩu của nước ta sẽ bị ảnh hưởng, nhiều ngành nghề sẽ không thể hồi phục được, chẳng hạn như du lịch, hàng không, xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu dịch vụ... Trong bối cảnh đó cần có nguồn lực của Nhà nước để bù đắp lại. Vì vậy, không nên có thêm nhiều gói kích thích, hỗ trợ không cần thiết. Trong bối cảnh tài khóa hạn hẹp, việc hỗ trợ phải trọng tâm, chi tiêu phải tiết kiệm.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)