ĐBQH TRẦN VĂN MÃO: CẦN ĐÁNH GIÁ ĐÚNG THỰC TRẠNG

28/10/2020

Thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2020, đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chống lại các loại tội phạm nguy hiểm.

Cần đánh giá đúng thực trạng

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đại biểu Trần Văn Mão - Nghệ An bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về kết quả công tác năm 2020 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp.

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Trần Văn Mão nêu rõ:

Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, năm 2020, mặc dù Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực hết mình để đề ra các giải pháp đấu tranh quyết liệt phòng ngừa và chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần giảm thiểu sự gia tăng của các loại tội phạm, tuy nhiên trên thực tế xuất hiện một số loại tội phạm mới và có một số loại tội phạm gia tăng như tội hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng một cách đột biến 260%; tội phạm giết người thân tăng 170% với tính chất và mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy, đối tượng phạm tội ngày càng nguy hiểm, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp pháp luật, sẵn sàng phạm tội, kể cả đối với các cơ quan, cá nhân bảo vệ pháp luật, rất đáng báo động và gây tâm lý bất an trong nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chống lại các loại tội phạm nguy hiểm này.

Về công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, mặc dù đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và một loại số tội phạm trên một số lĩnh vực chưa tương xứng với tình hình thực tế như một số loại tội phạm mạng viễn thông, internet, tội phạm tham nhũng, môi trường, buôn lậu, kinh doanh thương mại, tội phạm về chức vụ phát hiện, xử lý chưa tương xứng với thực tế tiềm ẩn và đang diễn biến phức tạp, tinh vi, khó phát hiện và có chiều hướng gia tăng, làm giảm lòng tin trong nhân dân. Tham nhũng đã và đang diễn ra vô cùng tinh vi ở trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và các lĩnh vực nhạy cảm khác mà dư luận cử tri cũng như báo chí đã phản ánh nhiều lần; đòi hỏi các cơ quan chức năng và Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh buông lỏng, tạo kẽ hở cho các đối tượng tham nhũng, trục lợi một cách ngang nhiên.

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự vẫn còn sai sót, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm, vẫn còn có án oan sai, chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại các phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số vụ việc chất lượng chưa cao, chưa có sức thuyết phục. Một số kháng nghị thiếu căn cứ, ít có kháng nghị theo trình tự tái thẩm, Giám đốc thẩm. Công tác xét xử của ngành tòa án, các vụ án nói chung và vụ án hình sự vẫn còn hạn chế, sai sót, dẫn đến phải hủy án, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số vụ án kinh doanh thương mại, tranh chấp dân sự, hành chính, lao động chậm được giải quyết hoặc có vi phạm pháp luật về tố tụng và nội dung án tuyên không đúng pháp luật. Thậm chí, có trường hợp sau tuyên án gây bức xúc cho đương sự và dư luận xã hội chưa đồng tình. Tòa án nhân dân tối cao cần có tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc để có giải pháp rút kinh nghiệm sâu sắc trong giải quyết các loại án.

Khắc phục tỷ lệ thi hành án dân sự giảm sâu

Về công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2020, đại biểu Trần Văn Mão ghi nhận Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính. Kết quả thi hành xong, về tiền và vụ việc tăng so với năm 2019, nhất là kết quả thi hành án các vụ trọng điểm, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng tăng 5,2% và tăng 42% so với năm 2019 về tiền. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại, hạn chế, tỷ lệ thi hành án, các vụ việc thi hành xong, đang thi hành so với tổng số vụ việc xét xử đạt thấp, ảnh hưởng đến chất lượng chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này, gây hoài nghi đối với các đối tượng được thi hành án về quyền và lợi ích của mình, đã được tòa án các cấp tuyên. Tỷ lệ thi hành xong, về việc trong tổng số án có điều kiện thi hành giảm 2.306 vụ so với năm 2019. Như vậy, nếu tính cả tỷ lệ số vụ việc không hoặc chưa được, chưa có điều kiện thi hành với tổng số vụ việc có điều kiện thi hành giảm trong năm 2020, thì tỷ lệ thi hành án dân sự trong tổng số các vụ việc đã xét xử có hiệu lực còn giảm sâu hơn nhiều. Đây là một vấn đề cần phải được xem xét để có giải pháp khắc phục.

Đại biểu cho rằng, các cơ quan thi hành án đang tập trung chủ yếu vận động, thuyết phục để thi hành, chưa thực sự quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nên tiến độ thi hành nhiều vụ việc còn chậm, dẫn đến đối tượng phải thi hành án chây ì, dùng mọi thủ đoạn tinh vi, tẩu tán tài sản hoặc lẩn tránh nghĩa vụ thi hành án. Kết quả thi hành án nhằm thu nợ của các tổ chức tín dụng tuy có chuyển biến hằng năm, trong năm 2020 tỷ lệ đạt thấp. Một số vụ tiến hành tiếp nhận chậm xử lý, kéo dài. Có trường hợp chấp hành viên chưa thực hiện đúng quy trình của pháp luật, dẫn đến vụ việc kéo dài, mất nhiều thời gian khắc phục. Mặc dù các cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng trong kiểm tra, thanh tra, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Đại biểu nêu rõ, qua giám sát cho thấy các vi phạm trong công tác thi hành án vẫn còn diễn ra, cần được khắc phục các vi phạm trong việc ra quyết định thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án, đánh giá bán đấu giá tài sản dẫn đến có vụ việc còn bị Viện kiểm sát các cấp kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm. Số vụ cưỡng chế thi hành án chưa tương xứng, với số án có điều kiện thi hành, dẫn đến vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng khá lớn. Công tác phối hợp trong thực hiện thi hành án dân sự đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn chưa chặt chẽ, chưa thống nhất, chưa thường xuyên, cần được tăng cường, nhất là các cơ quan chuyên môn có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp xã với cơ quan thi hành án dân sự trong cưỡng chế thi hành án. Một số tổ chức tín dụng chưa phối hợp tích cực, thiếu thông tin chia sẻ với cơ quan thi hành án trong việc nhận tài sản để trừ vào số tiền nộp thi hành án đối với tài sản thế chấp, kê biên, thông báo bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua. Một số vụ việc phức tạp kéo dài, thậm chí có việc kéo đến 12 đến 20 năm, mặc dù đã tập trung tham mưu xử lý nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong, công nhân vẫn chưa đồng tình, liên tiếp khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm.

Bảo Yến