ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: ĐỒNG TÌNH VỚI SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

28/10/2020

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc ban hành luật trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết và hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý luận cũng như cơ sở thực tiễn; đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Chiều 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật gồm 08 chương, 71 điều. Cụ thể, Chương I - Những quy định chung, quy định về những nội dung yêu cầu chung trong quản lý về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chương II  - Quy tắc giao thông đường bộ: quy định theo hướng mô tả để làm rõ hơn các quy tắc giao thông để thống nhất áp dụng. Chương III - Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông: quy định về đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính. Chương IV - Tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông: quy định về giải quyết những bất cập về tổ chức giao thông, trách nhiệm và cơ chế giải quyết ùn tắc giao thông. Chương V - Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của các cơ quan liên quan để giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Chương VI - Thực thi pháp luật trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ: quy định về phát hiện, xử lý vi phạm và các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chương VII - Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: quy định nội dung, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Chương VIII - Điều khoản thi hành: quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội dự án Luật này cùng với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan. Quá trình xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ. Với việc xây dựng độc lập Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực là bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ.

Bên lề hành lang Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội một số vấn đề xung quanh nội dung dự án Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa Đại biểu, trong phiên họp chiều 24/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Vậy, đại biểu có đồng tình với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng việc ban hành Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường là cấp thiết, xuất phát từ cả cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn; đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Việc xây dựng Luật Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm thể chế hóa Chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 18 và Kết luận số 45 của Ban Bí thư: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, Xây dựng Luật còn nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người.

Việc cần thiết phải xây dựng luật cũng xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước: Bời muốn bảo đảm được trật tự an toàn giao thông thì cần phải có 1 cơ quan chủ trì làm đầu mối và phải chịu trách nhiệm.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, vấn đề trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn biến rất phức tạp; tai nạn giao thông ở Việt Nam ở mức cao; nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân lái xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…Bên cạnh đó, đường bộ là nơi diễn ra nhiều vấn đề phức tạp về hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, … Từ thực tiễn này, đòi hỏi phải xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để khắc phục những bất cập hiện nay.

Phóng viên: Đại biểu có nhận xét gì về phạm vi điều chỉnh được đưa ra tại dự thảo Luật?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tôi cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật như dự thảo Chính phủ trình là hợp lý, rõ ràng thể hiện sự toàn diện trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Phóng viên: Có ý kiến đề nghị không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Vậy, quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, có liên quan trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông đường bộ. Quản lý tốt công tác này được xem là biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa vi phạm. Do đó, khi tách thành 2 luật thì phạm vi điều chỉnh của Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là hợp lý, Bộ Công an thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc chuyển giao sẽ giúp thu gọn đầu mối và quan trọng hơn giúp xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trực tiếp là Bộ công an, khắc phục chồng chéo chức năng nhiệm vụ thời gian qua; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, về mặt lý luận sau khi được ban hành giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ có mối quan hệ tác động qua lại như thế nào?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Hai luật này có tác động qua lại lẫn nhau, đều thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, có nhiều nội dung được kế thừa, phát triển từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Do đó, nếu được thông qua cùng thời điểm thì 2 luật này sẽ là công cụ pháp lý hết sức quan trọng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tôi kỳ vọng dự án luật sẽ tạo được đột phá trong thiết lập và duy trì trật tự xã hội trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh