ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN GÓP Ý VỀ VIỆC BỔ SUNG VỐN ĐIỀU LỆ CHO NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM

08/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia đóng góp một số ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ sự ủng hộ với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank. Về sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho Agribank, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Trần Văn Tiến phân tích như sau:

Một là, vốn điều lệ của Agribank đang bị giới hạn, không được bổ sung nhiều năm nay khiến tỷ lệ an toàn vốn của Agribank bị suy giảm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của hệ thống tổ chức tín dụng trong nước và sát với ngưỡng tối thiểu bình quân tại Thông tư số 22 của Ngân hàng nhà nước. Do đó, nếu tính theo chuẩn mực vốn B2 thì không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.

Hai là, nếu Agribank không được đầu tư tăng vốn điều lệ thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, không đảm bảo được vai trò chủ lực trong việc thực thi chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ.

Ba là, nếu Agribank không được tăng vốn điều lệ thì các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, giảm vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời không hoàn thành mục tiêu đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, về cơ sở tăng vốn điều lệ cho Agribank là hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý. 

Thứ nhất, Agribank là doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng được cấp bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Nghị định 91 của Chính Phủ.

Thứ hai, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% cổ phần vốn điều lệ nên việc tăng vốn điều lệ theo Luật 69 của Quốc hội thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của Agribank luôn tăng trưởng ổn định, lợi nhuận tăng dần qua từng năm.

Thứ ba, Bộ Chính trị đã có chủ trương tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng và yêu cầu Chính phủ báo cáo tăng vốn điều lệ cho Agribank bằng nguồn vốn ngân sách, trình Quốc hội xem xét quyết định vào Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Như vậy, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là hoàn toàn đủ cơ sở.

Về mức và nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về đề xuất mức và nguồn vốn bổ sung cho Agribank. Cụ thể, về mức vốn theo quy định tại Nghị định 91 của Chính phủ, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank nhằm đáp ứng chuẩn mực Basel II là rất lớn. Trước mắt, năm 2020 Agribank cần thiết phải bổ sung vốn điều lệ là hợp lý. Bởi mức này được tính toán trên cơ sở tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank về nguồn vốn để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ xây dựng phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu và chi phí còn lại của ngân sách nhà nước năm 2019 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, việc bổ sung nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách nhà nước năm 2019 trong đề xuất tại Tờ trình của Chính phủ và Nghị quyết số 936 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chấp thuận, việc sử dụng vốn ngân sách để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã được Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương.

Thứ tư, về thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ, Agribank là doanh nghiệp được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Luật 69 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Tại Nghị quyết số 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định không được sử dụng vốn ngân sách để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại, để tránh xung đột về nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, sử dụng nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách nhà nước năm 2019.

Để giải quyết những vướng mắc hiện tại liên quan đến Nghị quyết số 25 của Quốc hội về sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng, thương mại, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Quốc hội cần thông qua nội dung này dưới hình thức Nghị quyết riêng của Quốc hội, không đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV./.

Minh Thành

Các bài viết khác