ĐBQH PHAN VIẾT LƯỢNG CHẤT VẤN VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI

16/05/2020

Trước thực trạng nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện chương trình nông thôn mới, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đã có phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình nông thôn mới.

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Đến nay cả nước đã có 52,4% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh các định hướng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, còn nhiều địa phương có số xã đạt tiêu chí rất thấp, và rất khó về đích theo kế hoạch vì điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước có điều chỉnh chính sách, ưu tiên đầu tư, tăng hỗ trợ cho các địa phương thiếu nguồn lực thực hiện Chương trình nông thôn mới?

Đại biểu Phan Viết Lượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tối thiểu là 63.155,6 tỷ đồng (cao gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2011-2015), trong đó, ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo...

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó, các xã dưới 5 tiêu chí và các xã đặc biệt khó khăn được ưu tiên phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cao gấp 4-5 lần so với các xã không thuộc đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, số tiêu chí đạt chuẩn của các xã khó khăn còn thấp và rất khó về đích theo kế hoạch vì điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, hầu như chưa huy động được các nguồn lực khác.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Trong giai đoạn sau năm 2020, để khắc phục những hạn chế, bất cập của Chương trình, nhất là từng bước thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền của cả nước, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cơ chế vốn đầu tư nhà nước cũng như cơ cấu đầu tư nguồn lực cho chương trình theo hướng ưu tiên hơn nữa nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng... để phấn đấu về đích, theo hướng quy định mức vốn hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm xã; nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, miền; tăng cường hơn nữa công tác thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn khó khăn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới./.

Bảo Yến