Thịt lợn tăng giá
Bà Nguyễn Thị Minh, tiểu thương Chợ Ngọc Hà
Khác với không khí tấp nập trước đây, khu vực bày bán thịt lợn tại chợ Ngọc Hà tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội nay khá vắng vẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương bán thịt tại chợ cho biết, từ gần tháng nay, khách mua thịt lợn tại quầy đã giảm hẳn bởi giá quá cao. Tháng trước giá các loại thịt thăn, nạc vai, ba chỉ có giá từ 130.000-140.000 đồng/kg thì nay tăng lên từ 180.000-200.000 đồng/kg. Từ đầu tháng đến nay, giá lợn tăng gấp đôi so với trước khi có dịch, lượng bán chậm hơn bởi nhiều người dân mua ít hơn và thậm chí chuyển sang đồ ăn khác.
Tại sạp hàng bên cạnh, cảnh buôn bán cũng đìu hiu không kém. Hàng bày ra từ sáng nhưng dường như không có khách hỏi mua.
Ông Đỗ Văn Đông, một tiểu thương đã kinh doanh thịt lợn 40 năm ,buồn rầu chia sẻ, bán được ít nên ông chỉ lấy hàng bán cầm chừng giữ chỗ. Giá thịt lấy tại lò mổ mỗi ngày một giá. Giá lợn hơi tăng cao khiến việc buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Văn Đông, tiểu thương Chợ Ngọc Hà
Thịt lợn vốn là món ăn chính được đa số bà nội trợ lựa chọn trong bữa ăn gia đình nhưng từ khi thịt lợn tăng giá, món ăn ưa thích này buộc phải cắt giảm để cân đối chi tiêu. Bà Hạc Thị Tình, một người tiêu dùng cho biết, với mức lương hưu hiện nay, khi đi chợ phải đăn đo, cân nhắc rất nhiều. Nếu trước đây, thịt lợn là món ăn chính, thường xuyên thì nay phải cắt giảm, chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác, nhưng lo nhất là Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu sử dụng thịt lợn cho việc gói bánh trưng không thể thay thế được.
Bà Hạc Thị Tình, người tiêu dùng
Khảo sát thực tế cho thấy, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống đã tăng cao so với thời điểm trước dịch, và có dấu hiệu ngày càng lên giá. Cụ thể, thịt lợn hiện bán ở mức180.000- 200.000 đồng/kg; nội tạng lợn như tim, cật 280.000 - 300.000 đồng/kg, sườn ngon 200.000 đồng/kg...Còn tại các siêu thị, Trung tâm thương mại, giá các mặt hàng thịt lợn vẫn tương đối ổn định từ có biến động nhưng không tăng nhiều.
Nguồn cung thiếu hụt
Theo Tổng cục Thống kê, đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng. Nguyên nhân việc thiếu hụt nguồn cung làm cho mặt hàng này tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm từ đầu năm và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch chưa được khống chế; chưa có vắc xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn thị trường trong nước. Cơn bão dịch tả lợn Châu Phi đã và đang gây thiệt hại rất lớn đối với các hộ chăn nuôi và là vấn đề đã từng gây nóng nghị trường Quốc hội trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV mới đây. Phát biểu tại vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, mặc dù đã ứng phó, phòng ngừa nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thịt lợn.
Lo lắng về việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã từng đặt vấn đề đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại nghị trường Quốc hội về các biện pháp để bù lại lượng thịt heo bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi vừa qua cho nhân dân ăn Tết Nguyên đán.
Do thịt heo là mặt hàng thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, nên với sản lượng giảm 380.000 tấn (tương đương 9-10% so với năm 2018) gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước. Đặc biệt, do đàn heo của Đồng Nai giảm tới 50%, nên Bộ Công thương cũng đưa ra dự báo số lượng heo thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu đã ước tính. Cụ thể, dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 là do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 - 320.000 tấn/tháng. Như vậy, nhu cầu cho tháng 12-2019 và tháng 1-2020 khoảng 600.000 tấn.
Bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung
Sức nóng của thị trường thịt heo bắt đầu ở khoảng giữa tháng 11, khi giá heo hơi bắt đầu tăng ở các tỉnh chịu ảnh hưởng từ dịch, sau đó lan dần ra cả nước. Ngay sau cuộc họp của Chính phủ chỉ đạo bình ổn thị trường cuối năm do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, chiều ngày 18.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực chỉ đạo việc tái đàn và điều tiết, bình ổn giá heo. Tuy nhiên, những giải pháp do Bộ triển khai dường như chưa thực sự hiệu quả, tình hình giá thịt heo vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn liên tục lập đỉnh, nguồn cung thì khan hiếm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh để khắc phục việc khan hiếm nguồn cung thì phương án nhập khẩu thịt lợn cũng là một giải pháp cần khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Thị trường thịt heo biến động sẽ kéo theo biến động giá nhiều loại thực phẩm, thêm "gánh nặng" từng bữa ăn, đó là một thực tế trước mắt và có thể còn kéo dài nhiều tháng nữa. Không chỉ vậy, giá thịt lợn tăng cao cũng đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,96%, cao nhất 9 năm qua. Thực tế này, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hợp lý.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp để bình ổn, điều tiết nhưng giá lợn hơi, thịt lợn vẫn tăng không ngừng, cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước dường như đang bất lực trong điều hành khi để giá heo tăng liên tục thời gian qua.Vậy cần làm gì để bình ổn thị trường mặt hàng này cũng như đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý? Và trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần được nhìn nhận như thế nào? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về nội dung này:
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Thưa đại biểu, một tháng trở lại đây giá thịt lợn tăng đột biến, được nhiều chuyên gia đánh giá là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Vậy, đại biểu có bình luận như thế nào về tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Như chúng ta đã biết, Việt Nam chúng ta vừa trải qua một đợt dịch tả lợn Châu Phi khá nghiêm trọng. Vì vậy, trên thực tế có hiện tượng đang bị thiếu hụt ở chừng mực nào đó thịt lợn để cung cấp cho người tiêu dùng sử dụng làm thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có hiện tượng lợi dụng tình trạng này nên một số người tư thương không chân chính cố tình thổi giá để kiếm lời.
Phóng viên: Được biết, mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu đã nêu lên vấn đề về biện pháp để bù lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi vừa qua cho nhân dân ăn Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nguồn cung thịt lợn vẫn xảy ra. Vậy, đại biểu có bình luận gì về những giải pháp do Bộ triển khai ?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa rồi tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về biện pháp để bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả ởn Châu Phi vừa qua cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Câu hỏi chất vấn của tôi đã được Bộ trưởng trả lời tại nghị trường khá thỏa đáng. Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp: Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã thấy được vấn đề này, vì vậy điều quan trọng là phải tìm cách chống dịch quyết liệt hơn, triệt để hơn. Thứ hai, Bộ phải tìm thêm những nguồn thịt phẩm khác để thay thế cho nguồn thịt lợn bị thiếu hụt cụ thể là tăng đàn gia cầm lên. Đồng thời, tăng chăn nuôi đại gia súc. Thứ ba, là các giải pháp để tái đàn. Thực tế những giải pháp do Bộ nêu trên đã được triển khai rất quyết liệt trên thực tế và tình trạng dịch tả lợn Châu Phi đã dịu dần trên toàn quốc.
Phóng viên: Mặc dù tình trạng khan hiếm nguồn cung thịt lợn đã được cảnh báo trước đó, tuy nhiên tình trạng thiếu nguồn cung đặc biệt là dịp tết nguyên đán đang đến gần vẫn xảy ra. Vậy, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công thương cần phải được nhìn nhận như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công thương đã vào cuộc nhưng tính hiệu quả thì chưa cao đặc biệt là Bộ Công thương. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mặc dù đã quyết liệt vào cuộc nhưng chúng ta biết là đây là vấn đề liên quan đến chăn nuôi sản xuất cho nên cũng cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, vấn đề phòng dịch thì phụ thuộc rất lớn vào chính nhận thức của người chăn nuôi cho nên không phải là vấn đề ngày một ngày hai có thể giải giải quyết ngay được. Theo dõi trên thực tế, tôi nhận thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm rất tích cực. Tuy nhiên, Bộ Công thương phải nói rằng đã có vào cuộc nhưng còn thiếu cách làm bài bản trên một tinh thần lường hết được những khó khăn của tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho nhân dân nhất là để nhân dân kịp ăn tết trong dịp Tết Nguyên đán tới đây. Vì vậy, tôi chờ đợi Bộ Công thương có những thông báo chính thức về dự kiến bằng số liệu phân tích khoa học tình trạng thiếu thịt lợn đến mức nào và những giải pháp cụ thể trong vấn đề nhập thịt lợn, đông lạnh thịt lợn, chính sách về giá cả để đảm bảo sự bình ổn về giá cả của 1 loại thực phẩm rất quan trọng trong bữa ăn của người Việt. Mong rằng, những ngày tới đây chẳng những Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cả Bộ Công thương sẽ quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề này đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy đâu là bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc phòng dich, đảm bảo nguồn cung và đến bình ổn giá?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trước hết, về kinh nghiệm trong phòng dịch: Theo tôi, dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và gây tác hại trầm trọng. Qua đợt dịch này cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống bệnh dịch từ xa. Thực ra, ngay từ kỳ họp thứ 6, Giáo sư Nguyễn Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Bộ trưởng về dịch bệnh này. Tuy nhiên, từ giải pháp do Bộ trưởng đề ra đến triển khai trong thực tế chưa kịp thời. Thứ hai, vừa qua Việt Nam chúng ta cũng có những đơn vị chăn nuôi nhưng hoàn toàn không bị dịch. Do đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng dịch và thực thi cho bằng được những vấn đề về vệ sinh chuồng trại, không khí; … Thứ ba, tư thế chuẩn bị, hành động kịp thời để đảm bảo đủ thực phẩm cho nhân dân là vô cùng quan trọng. Cuối cùng, để thực hiện bình ổn giá cần sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của các Bộ, ngành có liên quan.
Không còn nhiều thời gian nữa khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng mạnh. Vì vậy, theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, trước mắt hai ngành nông nghiệp và công thương cần chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đảm bảo nguồn cung ổn định và bình ổn giá.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!