Thủ tục, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay các Bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 trong tổng số 9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành. Có 7 trong tổng số 16 bộ đã có báo cáo đánh giá tác động kinh tế của việc đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại, ước tính tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân khoảng 5.847.925 ngày công mỗi năm, tương đương 872,2 tỷ đồng mỗi năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Nếu chỉ chuyển động ở một bộ phận, nhất là ở cấp trên thì toàn bộ các hoạt động ở dưới mà không thay đổi thì chắc chắn sẽ vô hiệu. Vì vậy, cùng với chủ trương nhận thức và quyết tâm ở cấp trên thì ở cũng phải triển khai ở cấp dưới, thông qua những chương trình, kế hoạch, quy chế hoạt động, đặc biệt là phân công nhiệm vụ và bắt lỗi trách nhiệm rõ ràng. Thứ hai là thực hiện thanh tra, kiểm tra từ cấp trên xuống. Việc kiểm soát, giám sát, xử lý kỷ luật nêu gương là rất cần thiết. Tôi tin rằng chỉ cần xử lý nghiêm một vài vụ việc, thậm chí đuổi việc một số biên chế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa.
Mặc dù những nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng, hoài nghi về những người trực tiếp thực hiện cải cách chính sách. Mặc dù trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa, nhưng không tạo được tác động tích cực đến doanh nghiệp. Bởi thủ tục hành chính dù được cắt giảm nhưng người thực thi không minh bạch thì doanh nghiệp vẫn không được hưởng lợi.
TS.Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
TS.Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải những giải pháp của Chính phủ chưa thực sự mang lại hiệu quả do các bộ quản lý chuyên ngành cứ cắt khúc vấn đề quản lý của mình ra. Ví dụ, bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ quản lý về đầu tư, Bộ tài nguyên thì lại cắt khúc các mảng, bộ phận chuyên ngành khác nhau… Thực tế các vấn đề này liên quan đến nhau. Còn đối với doanh nghiệp, họ đi làm thủ tục để xây dựng một nhà máy hay một thủ tục kinh doanh nào đó. Khi các bộ cắt khúc thì thiếu sự phối hợp, như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Trong một báo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy, trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh thì đã có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế. Như vậy, tính ra có khoảng hơn 30% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý, chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết: “Hoạt động của chúng tôi sản xuất rất cần đất đai, rất cần đất đai xây dựng, quan điểm chủ trương của thành phố là rất là tốt nhưng ở đâu đó cấp huyện vẫn còn hạn chế, tôi đề xuất, tập trung cải cách hành chính ở cấp huyện, các chính sách chung chung lắm, dàn trải rất khó để doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả. Là chủ doanh nghiệp thì thường xuyên tìm kiếm cơ hội để hỗ trợ cho mình nhưng áp dụng chính sách vào rất khó”.
Cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh chỉ là một trong những yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp hiện hành. Bởi thực tế thi hành Luật Doanh nghiệp trong hơn 3 năm qua cho thấy có nhiều vấn đề bất cập như: thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; một số quy định của Luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan và với thực tiễn mới phát sinh; một số quy định còn tạo ra rào cản để doanh nghiệp phát triển.
Sửa đổi để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Trước những bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ nêu 02 quan điểm sửa đổi Luật, đó là: tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp năm 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4. Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới)….)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận gồm 10 chương với 213 điều, sửa đổi 66 điều so với luật hiện hành, trong đó bãi bỏ 02 điều; bổ sung 08 điều. Đặc biệt, để cụ thể hóa mục tiêu cải cách điều kiện, thủ tục kinh doanh, Dự án luật lần này đã bãi bỏ 02 thủ tục không còn cần thiết, gồm: thủ tục thông báo mẫu dấu; thủ tục báo cáo thông tin người quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử, mà không cần phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
Thảo luận về Dự án Luật, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Tuy nhiên, xung quanh các quy định của dự án luật vẫn nhận được nhiều băn khoăn của đại biểu, trong đó có bổ sung hộ kinh doanh vào dự thảo luật và việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần hiệu quả và thực chất hơn.
Góp ý vào Dự án luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, giảm bớt thủ tục kinh doanh là yếu tố cần, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, là yếu tố tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia. Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ có nhiều buổi đối thoại với doanh nghiệp và từ đó có nhiều chính sách thay đổi tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ quyết liệt và có nhiều giải pháp tích cực, tất nhiên trong quá trình thực hiện ở cơ sở vẫn còn gây phiền hà, yêu cầu nhiều thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp).
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2018, cả nước có hơn 131,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1,4 triệu tỷ đồng; so với năm 2014, tăng gấp 1,75 lần về số doanh nghiệp và 3,4 lần về vốn đăng ký. Tuy vậy, cũng trong năm 2018, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là gần 91.000 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn liên quan đến thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần sát với thực tiễn cuộc sống tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến được kỳ vọng tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, những kỳ vọng này có được cụ thể hóa trong các điều của Dự án Luật? Cần bổ sung những quy định nào để đảm bảo tính khả thi? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh về nội dung này:
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh
Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi ) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến nhằm thảo luận, nêu ra những vấn đề còn vướng mắc, để tạo môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút nguồn lực xã hội vào trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Vì vậy, việc thu hút nguồn lực xã hội vào các hoạt động kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, đưa quy mô nền kinh tế ngày càng lớn hơn. Doanh nghiệp tư nhân là một trong những động lực trong quá trình phát triển kinh tế trong thời gian tới. Cho nên việc sửa đổi nhằm tiếp tục tạo môi trường, cải thiện thủ tục hành chính, điều kiện thành lập doanh nghiệp đơn giản hơn, ngắn gọn hơn nhưng cũng thể hiện khâu hậu kiểm tốt hơn, như vậy sẽ giúp ích để quản lý doanh nghiệp.
Phóng viên: Tại dự thảo Luật lần này cũng bổ sung các điều để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp, cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự kinh doanh và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung sửa đổi này?
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Chúng ta đang tạo môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn và để thu hút nguồn lực vào hoạt động nền kinh tế thì cần có quy định các điều kiện thông thoáng, để thu hút nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó cần cắt giảm thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp mới thành lập bớt khó khăn. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần chuyển cơ chế thu hút, tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp nhưng chúng ta cần có cơ chế hậu kiểm quản lý nhà nước đối với loại hình doanh nghiệp. Khâu hậu kiểm cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp thành lập nhưng thực hiện hành vi lừa đảo, gây xáo trộn môi trường kinh doanh, gây cạnh tranh bất bình đẳng với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện thành lập về thủ tục nhưng cơ chế hậu kiểm cũng phải thiết thực và hiệu quả.
Phóng viên: Một trong những nội dung trọng tâm được đưa vào Luật sửa đổi lần này là đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Vậy, quan điểm của đại biểu như thế nào đối với nội dung sửa đổi này?
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ, việc hộ kinh doanh cá thể vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho một số hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp thì được luật định và có những cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp như hỗ trợ về kê khai thuế, hệ thống kế toán, ngay cả quản trị doanh nghiệp. Bởi từ trước tới nay, quản trị tại các hộ kinh doanh cá thể theo dạng gia đình là chủ yếu. Sự thay đổi của sự phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế, cần quản lý bài bản hơn, giúp hoạt động tốt hơn. Nếu chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp bài bản và có cơ chế khuyến khích thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam sẽ mạnh hơn. Và hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể sẽ mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ đưa hộ kinh doanh cá thể vào Dự thảo luật là cần thiết nhằm hình thành các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, quản trị bài bản và có chiến lược phát triển rõ ràng.
Phóng viên: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục được cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu có kỳ vọng gì nếu Luật được thông qua?
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Nếu bổ sung các điều kiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập mới và có cơ chế hậu kiểm tốt, nếu thông qua Dự thảo luật này trong kỳ họp tới thì sẽ khuyến khích,huy động nguồn lực lớn của xã hội vào quá trình phát triển của đất nước. Như vậy sẽ tạo sức bật mới, tăng quy mô nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều tập đoàn tư nhân phát triển, không chỉ đầu tư trong nước mà còn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế ngày càng mạnh hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Qua ý kiến của đại biểu Trần Anh Tuấn cho thấy, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi lớn như đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh… Nhưng việc sửa đổi này cần dựa trên nguyên tắc tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp trước đây theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Đồng thời, việc sửa đổi cần đổi mới theo hướng phù hợp hơn với thực tế, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, đẩy mạnh quyền tự do kinh doanh trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế./.