GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM NẾU ĐỂ XẢY RA VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG

26/12/2019

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần có quy định cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Nhiều bất cập trong luật hiện hành

Bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) từ tháng 11/2015, nhưng đã 4 năm trôi qua, đến nay những sai phạm này vẫn chưa được xử lý triệt để. Một công trình nằm ngay ở trung tâm Thủ đô - trái tim của cả nước, vậy mà suốt hai năm qua vẫn còn dang dở, chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng, gây mất mỹ quan. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong số hàng loạt các công trình vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay việc giải quyết hậu quả vẫn chậm trễ, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc xử phạt, quy trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư vẫn còn lỏng lẻo.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng: “Câu chuyện cũ tưởng là cũ đó là tại Dự án 8B Lê Trực hay câu chuyện còn đang mới như tại Dự án Mường Thanh thì cần có cách tiếp cận. Đầu tiên là trách nhiệm của nhà nước. Doanh nghiệp làm giàu, họ có thể lách luật, vi phạm thì cần xử lý nghiêm. Nhưng nguyên nhân và nguồn gốc để dẫn tới sai phạm lớn đó là sự quản lý còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, có tình trạng tiêu cực. Tôi đã từng phát biểu trước nghị trường Quốc hội, hiện tượng tưởng như nhỏ là phạt cho tồn tại, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhờn luật, bộ máy quản lý nhà nước hoạt động kém hiệu quả”.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực là một trong nhiều  hệ lụy của những tồn tại, bất cập trong hơn 5 năm thực hiện Luật Xây dựng đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt có nhiều quy định trong luật chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; phương thức xây dựng luật kiểu "Luật khung, Luật ống" khó đấu tranh nhằm hạn chế lợi ích cục bộ của các bộ, ngành. Công tác thực thi pháp luật và việc quy định về các điều kiện, cơ chế thực thi pháp luật của hệ thống các văn bản dưới luật; thủ tục hành chính rườm rà, bất cập. Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế. Thủ tục hành chính về xây dựng nhưng năm qua đã khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Nhiều dự án từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoàn thành thủ tục có thể hàng năm trời….

Làm rõ trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

Trước những bất cập trong Luật xây dựng hiện hành, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng dự kiến sửa đổi, bổ sung 51 Điều và thay thế thuật ngữ tại 14 Điều của Luật hiện hành, trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách lớn. Đó là: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Về quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật: Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Từ thực tế trong công tác quy hoạch xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập như thiếu sự minh bạch trong quy hoạch xây dựng dẫn tới việc xây dựng trái với quy hoạch để trục lợi. Tình trạng vi phạm trật tự về xây dựng như xây vượt tầng, xây sai phép, không chấp hành các quy định liên quan… nhưng vẫn chưa quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương. Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng cần thiết điều chỉnh các quy định liên quan đến vi phạm phá vỡ quy hoạch trong xây dựng. Bên cạnh đó việc cấp phép xây dựng cần được thường xuyên kiểm tra, quản lý việc thực thi trên thực thế, tránh tình trạng thời gian vừa qua chung cư xây san sát, chung cư xây vượt số tầng, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như điện nước, đường xá, cầu cống, gây ra hậu quả nghiêm trọng như tắc đường, cháy nổ…

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Nêu một số bất cập trong thực thi Luật Xây dựng hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định, hiện nay trong lĩnh vực xây dựng nổi lên, bức xúc đó là những vấn đề gì: vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, vượt tầng, không chấp hành các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy diễn ra gây bức xúc trong xã hội. Nhiều khu nhà cao tầng được đưa vào xây dựng nhưng không đảm báo các quy định về phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm…Do vậy, lần sửa đổi này cần làm rõ vai trò của quản lý nhà nước trong Luật.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 được Chính phủ trình Quốc hội là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Vậy để cụ thể hóa mục tiêu này, cần sửa đổi các quy định trong dự thảo luật như thế nào để đảm bảo ngăn chặn những sai phạm trong các khâu từ việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Tại kỳ họp 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật?

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Luật Xây dựng sửa đổi là rất cần thiết, bởi thực tế thời gian qua việc thực hiện luật hiện hành nhưng chưa nghiêm, có nhiều yếu tố nảy sinh. Ví dụ thủ tục cấp phép của các dự án rất phiền hà, gây khó khan cho doanh nghiệp. Bên cạnh có tình trạng cán bộ, viên chức trong các bộ ngành, địa phương còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, sai phạm, như chưa đủ điều kiện xây dựng, chưa có giấy phép nhưng vẫn thi công triển khai dự án. Minh chứng rõ nét là thời gian qua có rất nhiều vụ việc đã bị phanh phui, đưa ra ánh sáng và được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trong hoạt động xây dựng thời gian qua. Đó là thiếu quy hoạch tốt, thiếu quy hoạch có tầm nhìn. Nguyên nhân thứ hai là có tình trạng hám lợi nhuận. Những dự án xây dựng chung cư, nhà cao tầng hay vi phạm vì lợi nhuận lớn. Nguyên nhân thứ ba là các quy định của luật hiện hành chưa đủ, trong khi người thực hiện luật chưa nghiêm. Tất cả những lý do này dẫn tới một loạt các sai phạm liên quan đến hoạt động xây dựng.

- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi rất đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng, vì Luật Xây dựng hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi luật này liên quan đến nhiều luật khác như Luật đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, cho nên việc chỉnh sửa, bổ sung luật sẽ phù hợp, cần thiết. Đơn cử hiện nay tình trạng xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã quá tải, gây ra áp lực về dân số cơ học và dân số tự nhân, gây ách tắc giao thông. Đây là hậu quả trong công tác quản lý xây dựng trong thời gian qua có nhiều sơ hở. Vì vậy, tới đây sửa đổi phải khắc phục được sơ hở đó là gì, đó là tình trạng lỏng lẻo của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng dự kiến sửa đổi, bổ sung 51 Điều, vậy đâu là nội dung trọng tâm đại biểu quan tâm trong lần sửa đổi Luật xây dựng lần này, thưa đại biểu?

- Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Điều tôi quan tâm làm sao khi luật được ban hành cần bổ sung chế tài xử lý nghiêm để không còn tình trạng chưa có giấy phép xây dựng mà một số doanh nghiệp đã vi phạm. Khi đã vi phạm thì lỗi không chỉ là của doanh nghiệp mà của cả cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi luật cần nêu rõ quy định, chế tài xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng từ nay trở về trước cần được rà soát, xem xét, đối tượng  nào vi phạm, vi phạm ở mức nào để xử lý. Còn từ nay trở đi, khi luật được ban hành thì tuyệt đối chấm dứt, không còn doanh nghiệp chưa có giấy phép xây dựng mà đã tiến hành triển khai dự án. Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý nghiêm, không để tình trạng doanh nghiệp chưa đủ điều kiện mà tiến hành xây dựng, tham gia các dự án xây dựng.

- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Theo tôi, thời gian tới, việc bổ sung các quy định cần đề ra thực tiễn khách quan của địa phương và đề cao trách nhiệm của cơ quan đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, đội quản lý trật tự, nếu quá trình xây dựng không đảm bảo khách quan, không đảm bảo quy hoạch, xây dựng sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp… thì cần có quy định cụ thể để xử lý.

- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi nghĩ Luật Xây dựng sửa đổi mở ra hướng, ví dụ như hướng mà trước đây Thành phố Hồ Chí Minh đã làm, đó là đối với những nhà xây dưới 3 tầng thì thủ tục cấp phép đơn giản hơn. Không nhất thiết phải qua cơ quan thẩm tra, cơ quan thiết kế, mới cấp giấy phép xây dựng. Nếu trong khu đã được quy hoạch là khu nhà ở và theo mẫu có sẵn thì nên khuyến khích người dân làm.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

- Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Tôi cho rằng, việc cấp phép xây dựng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc kiểm tra tổ chức thực hiện này như thế nào để đúng với nội dung được cấp phép, tránh tình trạng vừa qua xây các nhà chung cư san sát, vượt tầng, phá vỡ quy hoạch. Hệ quả của tình trạng này là phá vỡ quy hoạch của các lĩnh vực khác như điện, nước, giao thông, cầu cống…. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy khó có khả năng khắc phục được.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn  các đại biểu!

Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều đồng tình với sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát tính khả thi, tính cụ thể như: phân loại, cấp công trình xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; quản lý trật tự xây dựng… Đặc biệt tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng. Dự thảo Luật cũng cần làm rõ trách nhiệm của lực lượng Thanh tra xây dựng, kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; có chế tài nghiêm để ngăn chặn sớm các sai phạm xây dựng./.

Lan Hương