ĐBQH NGHIÊM VŨ KHẢI: CẦN TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT

25/12/2019

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đây là một luật rất quan trọng và đặc thù do vậy cần được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chậm ban hành văn bản chi tiết và tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Nhiều bất cập, chồng chéo giữa các luật hiện hành

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn nhất là một trong hai cảng hàng không có lưu lượng hành khách lớn nhất tại Việt Nam. Công suất thiết kế 25 triệu khách/năm nhưng đến nay, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đón gần 40 triệu lượt khách/năm – gần gấp đôi công suất thiết kế. Đó là lý do vì sao tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn cả trên không và dưới mặt đất xảy ra hàng ngày tại cảng hàng không này. Thế nhưng Dự án cải tạo mở rộng nhà ga T3 được coi là để giải cứu Cảng hàng không quốc tế Tân sơn Nhất khỏi tình trạng quá tải vẫn đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ. Lý do lớn nhất đó là sự không thống nhất giữa Luật Hàng không dân dụng ban hành trước với Luật Đầu tư được ban hành sau. Cụ thể, theo Luật Hàng không dân dụng: nếu triển khai Dự án mở rộng nhà ga thì Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ cần báo cáo Bộ Giao thông vận tải để xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư mới được ban hành thì Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam phải nộp đề xuất cho Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương là TP. Hồ Chí Minh để lấy ý kiến các đơn vị, trường hợp đồng ý mới trình lên cấp cao hơn để thẩm định. Như vậy, theo quy trình, phải mất 3 năm mới hoàn thành được khâu cấp phép, chưa tính thời gian đấu thầu chọn nhà đầu tư và thi công.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng lâu nay các bộ quản lý chuyên ngành cứ cắt khúc vấn đề quản lý của mình ra. Ví dụ, bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ quản lý về đầu tư, Bộ tài nguyên thì lại cắt khúc các mảng, bộ phận chuyên ngành khác nhau… Thực tế các vấn đề này liên quan đến nhau. Còn đối với doanh nghiệp, họ đi làm thủ tục để xây dựng một nhà máy hay một thủ tục kinh doanh nào đó. Khi các bộ cắt khúc thì thiếu sự phối hợp, như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, gây ách tắc, khó khăn cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như của toàn ngành kinh tế, đòi hỏi cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo thống kê của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, hiện cả nước có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực, mỗi năm các bộ ban hành khoảng hơn 1.000 thông tư. Từ năm 2016 tới nay, các cơ quan trên cả nước đã kiểm tra hơn 86.000 văn bản, quy phạm pháp luật, phát hiện 1.958 văn bản có sự không phù hợp về nội dung và thẩm quyền. Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra hơn 17.000 văn bản của cấp bộ và các địa phương. Qua đó, phát hiện 507 văn bản có quy định chưa phù hợp về nội dung và thẩm quyền, trong đó có hơn 400 văn bản của chính quyền cấp tỉnh. Đến nay, đã xử lý dứt điểm 412 văn bản, nhưng cũng có những văn bản mà cơ quan ban hành chưa có phương án xử lý, giải trình thuyết phục.

Có nên “đổi vai” cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật?

Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ trình đã sửa đổi, bổ sung 46 điều về nội dung và 06 điều về kỹ thuật với mục tiêu thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là kết luận của Ban Bí thư; đồng thời quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật; bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Một trong những nội dung Chính phủ trình nhận được nhiều ý kiến sôi nổi của đại biểu trong các buổi thảo luận tổ và hội trường. Đó là có nên “đổi vai” trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh?. Theo đó, Chính phủ trình 02 phương án: Một là sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Hai là cơ bản như hiện hành là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Cho ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng hiện nay trong công tác làm luật của chúng ta là cơ quan quản lý nhà nước xây dựng trình dự án luật, tức là chính cơ quan soạn thảo vừa lấy ý kiến, vừa trình, giờ lại giao tiếp thẩm quyền tiếp thu chỉnh lý và thực hiện, như thế dẫn đến tình trạng " vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định, việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng tốt, một số vấn đề vướng mắc, bất cập là do quá trình thực thi chưa tốt. Song, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn.

Đại biểu Trần Thị Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Cho rằng nếu “đổi vai” cơ quan tiếp thủ, chỉnh lý dự án luật sẽ là một bước lùi trong lịch sử hoạt động lập pháp, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu theo phương án 1 là giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra sẽ luôn ở thế bị động, bị động về mặt thời gian, bị động về mặt nội dung”.

Quy định vềc ơ quan tiếp thu, chỉnh lý luật vẫn tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, trước khi thông qua luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dù theo phương án nào thì công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động xây dựng pháp luật luôn rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng văn bản. Quy định của Luật hiện hành vẫn đang phát huy tác dụng nhưng công tác phối hợp trong quy trình xây dựng pháp luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; do đó, cần phải có sự đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm theo hướng hiệu quả, thực chất hơn để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phối hợp hiện nay.

Nâng cao chất lượng tiếp thu, chỉnh lý dự án luật

Pháp luật phải minh bạch, đó là mục tiêu mà cả Quốc hội và Chính phủ hướng tới trong quá trình xây dựng luật và các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trên thực tế triển khai thì vẫn xảy ra tình trạng luật chồng luật, luật mâu thuẫn luật. Hơn nữa, hiện nay vẫn có tình trạng cơ quan thực thi pháp luật còn e ngại không dám quyết, dám làm vì sợ sai, bởi nếu áp dụng luật này thì sẽ vi phạm quy định của luật khác. Còn các doanh nghiệp nhiều khi rơi vào “ma trận” chồng chéo giữa các luật mà không tìm được lối ra, không biết phải áp dụng luật nào, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là những hệ lụy đáng buồn đang diễn ra ở một số cơ quan, ban ngành, địa phương. Vì vậy, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang trình Quốc hội được kỳ vọng khắc phục căn bản tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác làm luật. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, nội dung nào nhận được sự quan tâm của đại biểu? Ban soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phối Hải Phòng về nội dung này:

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phối Hải Phòng 

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2002 được ban hành lần đầu (nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII) là đạo luật căn bản, sau đó có sửa đổi, bổ sung một số lần. Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ có trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Tôi cho rằng việc sửa đổi là rất cần thiết. Đây là sửa Luật về luật, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong xây dựng luật, về quy trình, về thẩm quyền soạn thảo, thẩm tra, quá trình thông qua, vai trò của các bộ ngành, ủy ban của Quốc hội, tổ chức, cá nhân trong xây dựng văn bản pháp luật. Bởi đây là nền tảng trong xây dựng văn bản pháp luật, là nền tảng của công tác quản lý nhà nước. Bởi việc đầu tiên cần làm của cơ quan quản lý nhà nước là xây dựng chính sách. Do vậy, đây là đạo luật rất quan trọng và hiện nay cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phóng viên: Trong các nội dung Chính phủ trình lần này, những quy định nào nhận được sự quan tâm của đại biểu?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Dự thảo luật trình Quốc hội lần này có đưa ra một số đổi mới, trong đó có tăng cường vai trò trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng luật. Trong đó nói rõ vai trò của Chính phủ, các bộ ngành tham gia soạn thảo. Vai trò của các ủy ban của Quốc hội khi tiến hành thẩm tra và kể cả vai trò của các cơ quan tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật. Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm đến nội dung mà Chính phủ trình lần này đó là cơ quan nào sẽ chủ trì, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của các ủy ban, của công dân sau khi dự án luật được trình Quốc hội và thảo luận lần đầu. Ở các nước, cũng thông qua hai lần đó là nghe tờ trình, góp ý và nghe lần cuối. Ở Việt Nam đối với những luật phức tạp, lớn có thể thông qua qua nhiều kỳ họp.

Phóng viên: Hiện nay Chính phủ trình 2 phương án về trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết nên giao cho cơ quan nào? Vậy, quan điểm của đại biểu về quy định này trong dự án Luật như thế nào?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Sau khi đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cơ quan nào sẽ tiếp thu. Phương án 1 là Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa, tiếp thu, chỉnh lý. Phương án 2 là các cơ quan của Quốc hội, như thời gian qua đã thực hiện trong 17 năm qua. Tôi cho rằng, những bất cập trong các luật gần đây, không phải lỗi ở quy trình đơn vị nào thẩm tra, mà lỗi ở công tác thẩm tra được tiến hành như thế nào và sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra tôi cho rằng vẫn chưa cao. Không nên sau khi trình dự án luật ra trước Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất thì phó thác cho Ủy ban chịu trách nhiệm hết, còn Bộ chỉ tham gia mở mức độ rất ít. Tôi cho rằng, cần có sự phối hợp. Tôi thấy một số luật tuy rằng mới ban hành, nhưng nêu rõ trách nhiệm của đa số các bộ ngành rất cao, lắng nghe. Nhưng cũng có tình trạng trong bối cảnh nhất định chưa có sự phối hợp tốt. Như vậy là cần làm tốt công tác phối hợp chứ không phải là giao cho cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, dự thảo luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp thu nếu để Chính phủ và các bộ ngành tiếp thu ý kiến của đại biểu. Việc tiếp thu dù là bên trình dự án luật hay cơ quan thẩm tra thì Ủy ban Thường vụ cũng là đơn vị chủ trì và chỉ đạo.

Theo quan điểm cá nhân tôi, quy định như hiện nay (cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu) là phù hợp. Nếu khâu nào làm chưa tốt thì phải sửa đổi nâng cao trách nhiệm, năng lực và cải tiến quy trình, chứ không phải đổi vai là giao Chính phủ tiếp thu ý kiến. Như vậy sẽ không đúng với chức năng đầu tiên của Quốc hội là chức năng lập pháp. Vì vậy, tôi không đồng tình với phương án 1 mà Chính phủ trình.

Phóng viên Theo chương trình, dự kiến Dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, đại biểu có kỳ vọng gì khi luật được ban hành?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Tôi tham gia Quốc hội đến nay là khóa thứ 3 và cũng đã nghiên cứu quy trình xây dựng pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Tôi thấy rằng, quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam cũng học hỏi và tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia của Quốc hội cần phải tăng cường. Trong xu thế giảm biên chế nhưng lực lượng chuyên gia nòng cốt cần phải tập trung để tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Có như vậy, chất lượng các luật mới được nâng cao, đảm bảo đúng quy trình, quy định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp….

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một văn bản luật hết sức quan trọng và tương đối đặc thù. Với tính chất là “một Luật về làm luật”, do vậy cần được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng. Qua ý kiến của đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho thấy, để luật đi vào cuộc sống thì cần có các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dự án luật, khắc phục căn cơ tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chậm ban hành văn bản chi tiết và tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trong quá trình xây dựng luật cũng cần tham khảo, tiếp thu ý kiến của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu Quốc hội; quy định rõ trong luật về trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Khi luật có hiệu lực cũng cần tăng cường vai trò giám sát việc tuân thủ pháp luật của các đại biểu quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội./.

Lan Hương