Cho rằng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) đang “tạo điều kiện” thay vì “phải có trách nhiệm” đối với thanh niên, nhiều đại biểu nêu rõ, khi còn giữ tư duy tạo điều kiện, chúng ta sẽ chưa đặt tổ chức thanh niên ngang hàng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Thanh niên là rường cột nước nhà, là mùa xuân của xã hội, chỉ khi nào dự án luật thắp sáng ngọn đuốc nhiệt tâm mới có thể giúp thanh niên nhận thức rõ vai trò, nghĩa vụ của mình đối với gia đình và đất nước.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) góp ý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)
Còn mang tính khẩu hiệu, văn chương, hiệu triệu
Nói về vai trò, vị trí của thanh niên, trong Thư gửi thanh niên, nhi đồng nhân dịp Tết nguyên đán năm 1946, Bác Hồ đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Nghị quyết 25 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục khẳng định, thanh niên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Thế nhưng, qua xem xét dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, chúng ta có “độ vênh” lớn từ lý luận đến thực tiễn, từ nói và làm đối với “mùa xuân của xã hội”.
Trích dẫn Báo cáo của Bộ Nội vụ về danh sách các cơ quan góp ý cho dự luật, ĐBQH Phạm Trọng Nhân nêu rõ, có tới 3 cơ quan trung ương và 11 địa phương thống nhất không có ý kiến. Trong số các góp ý, “không khó để gặp các văn bản chưa đầy một trang giấy cho một dự luật còn quá nhiều tranh cãi”. Cá biệt có hai trong số các văn bản gửi về dù gần 20 trang nhưng lại giống nhau đến từng dấu chấm câu. Dự thảo Nghị định được xem là “những chính sách cốt tử” của dự án luật nhưng chỉ dừng lại ở “phác thảo dàn ý sơ sài, qua loa”. Từ cách làm và những con số biết nói đã phần nào đong đo được trách nhiệm, sự quan tâm của không ít các cơ quan địa phương cho dự án luật được kỳ vọng là “thắp lửa cho thanh niên trong thời kỳ chấn hưng đất nước”. Dự thảo Luật dù tăng 26 điều, nhưng lại không tỷ lệ thuận với sự lưu tâm của xã hội. Lướt qua dự thảo Luật chỉ có 62 điều, nhưng cụm từ “tạo điều kiện” và “thanh niên được” xuất hiện tới 55 lần. Như vậy, “tạo điều kiện” và “thanh niên được” có phải là tư tưởng chủ đạo, bao trùm của dự luật không? Đặt vấn đề này, ĐBQH Phạm Trọng Nhân thẳng thắn: Với vai trò quyết định vận mệnh dân tộc, nhưng theo dự thảo luật, thì thanh niên mới chỉ được “tạo điều kiện” thay vì “phải có trách nhiệm” với lực lượng này.
Có thể thấy, từ “tạo điều kiện” đến “phải có trách nhiệm” có lẽ là hai hướng tư duy khác biệt. Bởi, một bên là cơ chế xin - cho và một bên xác định là nghĩa vụ phải thực hiện cho đối tượng được coi là chủ nhân tương lai của đất nước. Một khi chúng ta còn giữ tư duy tạo điều kiện như vậy sẽ khó để nói rằng, tổ chức thanh niên được đặt ngang hàng với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Ở góc nhìn khác, nhiều ĐBQH cũng phân tích và chỉ rõ, việc quy định theo hướng “tạo điều kiện” và “thanh niên được” vô hình trung đã xem thanh niên như những đối tượng yếu thế. Như vậy, làm sao họ có thể trở thành lực lượng quyết định vận mệnh dân tộc? Dự thảo Luật được chính các bạn thanh niên thừa nhận “không khác một kế hoạch hay chương trình hành động chủ yếu mang tính khẩu hiệu, nhiều từ ngữ mang hơi hướng văn chương hiệu triệu hơn là văn phong lập pháp, như “tu dưỡng”, “hoài bão”, “gian khổ”, “lập thân”, “lập nghiệp”… Một khi các chế định không có tính quy phạm, thiếu chế tài thì những hạn chế trong thời gian qua sẽ khó có hồi kết.
Thanh niên - lực lượng hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Phân tích vấn đề từ một thực tế khác, ĐBQH Phạm Trọng Nhân nêu thực tế, thống kê năm 2019 cho thấy, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy thì đối tượng có độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm hơn 42%, trong hơn 230 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có 48% trong độ tuổi thanh niên. Thành trì gia đình đang bị thách thức và lung lay để bảo vệ thanh thiếu niên trong cuộc chiến chống tệ nạn xã hội. Chỉ thẳng thực trạng này, câu hỏi ĐBQH Phạm Trọng Nhân đặt ra, đó là trách nhiệm thuộc Bộ quản lý về gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên hay chính công tác lập pháp?
Dẫn ra ví dụ về câu chuyện bổ nhiệm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao 25 tuổi của Malaysia và nhìn lại lịch sử gần 90 năm của tổ chức đoàn đến vai trò, trọng trách to lớn đã được Đảng xác định từ lâu, theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân, thì xã hội có quyền đặt câu hỏi vì sao đến nay vẫn chưa thể cho ra đời một bộ phụ trách về thanh niên nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế lâu nay, trên hết là tập trung chăm lo cho những tế bào xã hội và gia cố một cách thực chất cho rường cột nước nhà. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng dẫn ra hình tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước khi vừa 21 tuổi và khẳng định đây là “hình ảnh đẹp nhất của tuổi trẻ khi chọn con đường lập nghiệp là dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không mưu cầu bất kỳ quyền lợi riêng tư nào”.
Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, song theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, vai trò rường cột sẽ thực hiện ra sao khi mà Báo cáo tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên chỉ ra rằng, thanh niên ít quan tâm đến chính trị, chưa tới 50% từng xem hoặc nghe tin tức về các vấn đề quốc gia và chưa đến 15% tham gia vào một số quá trình xây dựng chính sách. Tỷ lệ thanh niên có những cảm xúc tiêu cực tăng từ 42% năm 2007 lên 56% năm 2015. Đây là những con số rất đáng suy ngẫm. Bên cạnh đó là thực trạng đáng quan ngại về việc thanh niên tham gia các hoạt động trên “thế giới ảo” - mạng internet, mà đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào để kiểm soát.
“Chúng ta không kỳ vọng với việc xem xét, thông qua dự án Luật lần này sẽ thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ, mà chỉ cần là một que diêm để thắp lên ngọn đuốc nhiệt tâm, giúp các bạn thanh niên nhận thức nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân chia sẻ.
Từ thực trạng như vậy, một số đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, như ngoài nền hành chính được cải cách mạnh mẽ để giữ chân người tài, một môi trường đầu tư thuận lợi để thanh niên và những quán quân bước ra từ những cuộc thi không phải rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người, thì một nền giáo dục đạt chất lượng và một nếp sống làm gương của các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô đến cán bộ, công chức lãnh đạo là cần hơn cả. Trên hết, đó là sự trăn trở thật sự vì thế hệ thanh niên và thực tâm trong chỉ đạo, điều hành sẽ tạo đà cho tinh thần chấn hưng đất nước của thanh niên. Bởi hơn ai hết, thanh niên chính là lực lượng sẽ hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.