Tai nạn thương tâm xảy ra tại trường học
- Mới đây, một lần nữa dư luận lại dậy sóng khi lại có thêm một vụ việc để quên trẻ trên xe đưa đón học sinh khiến bé 3 tuổi phải nhập viện trong tình trạng mê man, bất tỉnh tại tỉnh Bắc Ninh.
- Trước đó, tại trường tiểu học Cẩm Thạch, Tp. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh một học sinh lớp 3 đã tử vong do gãy đốt sống cổ trong lúc vui chơi cùng các bạn.
- Hay tại khuôn viên trường tiểu học xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội, trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 2 đang chơi đùa cùng bạn tại bãi cỏ trong khuôn viên nhà trường bất ngờ bị điện giật, gây tử vong.
Hiện trường vụ việc học sinh lớp 2 bị điện giật trong giờ ra chơi
Không chỉ vậy, sàn phòng học bất ngờ đổ sập từ tầng 2 xuống tầng 1 khiến hơn 10 học sinh bị thương. Trần của phòng học cũng không khá hơn, nhẹ thì bong tróc nghiêm trọng hơn thì đổ sập cả mảng lớn.
Còn ngay tại thủ đô Hà Nội, xe ô tô đi vào sân trường và đâm gãy chân một em học sinh. Thực tế này cho thấy, cơ sở vật chất xuống cấp hay sự bất cẩn không đáng có của người lớn tất cả đã và đang tạo ra nhiều mối nguy hiểm rình rập các em học sinh mỗi ngày.
Chia sẻ về tình trạng mất an toàn ngay tại các cơ sở giáo dục, đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ việc mất an toàn tại các cơ sở giáo dục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý học sinh, phụ huynh học sinh, ….Đây là một thực tế đáng tiếc, làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục, vì vậy cần phải có giải pháp sớm khắc phục, tạo môi trường tuyệt đối an toàn, lành mạnh cho học sinh phát triển.
Học sinh bị vữa trần của phòng học rơi vào đầu khi ngồi học
Mất an toàn thực phẩm trong trường học
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng đưa tin về các vụ việc mất an toàn thực phẩm trong trường học với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử như vụ việc: 352 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) phải nhập viện sau bữa trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Hay hơn 200 học sinh mầm non nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh từ nghi vấn sử dụng thực phẩm không đảm bảo tại nhà trường. Và mới đây, gần 20 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm tại Trường tiểu học CGD Victory.
Lo lắng trước thực trạng này, cử tri Nguyễn Hồng Phúc bày tỏ: “Gia đình nào cũng có con em đi học, đều học lớp bán trú, ăn trưa tại trường, nên gia đình rất lo lắng trước tình trạng an toàn thực phẩm tại trường học hiện nay. Cử tri chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ sớm có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh ăn bán trú.”
Bà Nguyễn Thị Sửu, Chuyên gia An toan thực phẩm, Bộ Y tế
Tất cả các vụ ngộ độc nêu trên đều có điểm chung đó là sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú ở các trường học. Đồng thời với đó là việc không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn, sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, nhân viên chế biến thực phẩm đại khái thiếu hiểu biết về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, cơ sở vật chất và điều kiện tại nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo…
Phân tích về hậu quả của việc mất an toàn thực phẩm trong nhà trường, Bà Nguyễn Thị Sửu, Chuyên gia An toan thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, việc mất an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe các em học sinh thời điểm hiện tại mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sức khỏe về sau.
Vậy để xảy ra những vụ việc mất an toàn thực phẩm trong trường học thì trách nhiệm thuộc về ai? Hình thức xử lý ra sao? Câu hỏi quen thuộc này luôn được đặt ra sau mỗi vụ việc.
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng
Đánh, đạp vào người, vào đầu dã man, xé quần áo, hành hung bạn ngay giữa lớp học, rồi ngang nhiên quay clip như để ghi dấu một “chiến tích” là sự việc xảy ra ngày 22-3-2019 ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
Sự việc sau khi bị đưa lên mạng xã hội đã gây xôn xao trong dư luận. Khó ai có thể tưởng tượng về lối hành xử thô bạo, phi nhân tính ấy lại diễn ra ngay trong nhà trường, và do các nữ sinh 15 tuổi thực hiện. Những vụ việc nghiêm trọng như vậy giờ không còn là hiếm. Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, Tổ chức UNESCO phân tích, bạo lực học đường là vấn đề xảy ra nhiều trong các nhà trường, và đang ở mức báo động. Vấn đề này gây ra rất nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, và sức khỏe của các em học sinh.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, Tổ chức UNESCO
Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho thấy trung bình trong một năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng năm vụ/ngày); hơn 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh có một học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau; trong 09 trường thì có 01 trường có học sinh đánh nhau. Trong giai đoạn 2010-2018, có hơn 7.700 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật; so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.
Đặc biệt, theo thống kê mới nhất của ngành công an, chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông. Song đây mới chỉ là con số về các vụ bạo lực học đường đã bị phát hiện, trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít vụ việc tương tự đã bị che giấu như một góc tối đáng xấu hổ trong môi trường sư phạm.
Lo lắng trước thực trạng này, ông Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, bạo lực học đường mặc dù đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, quy định hình thức xử lý nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp vì vậy nếu không sớm ngăn chặn bằng nhiều hình thức khác nhau, bạo lực học đường sẽ có nguy cơ phá hỏng môi trưởng giáo dục.
Điều đáng nói, bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà tác nhân còn do chính giáo viên. Sự việc cô giáo cho bạn cùng lớp tát học sinh 231 cái tại tỉnh Quảng Bình khiến học sinh này phải nhập viện cấp cứu hay sự việc một cô giáo ở trường tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) lệnh cho các học sinh khác tát bạn cùng lớp làm em này bầm tím mặt đã không còn là chuyện hy hữu. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, sự việc giáo viên bạo hành học sinh là vô cùng đáng tiếc, phản giáo dục gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho trẻ. Ngành giáo dục cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn để chấn chỉnh hiện tượng này.
Việc để xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh tại một số địa phương vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường và khi tham gia các hoạt động tập thể. Trách nhiệm và giải pháp, dư luận xã hội vẫn đang chờ đợi những chuyển biến tích cực từ phía ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Ngày 22/08/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản số 3680 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo. Tại văn bản trả lời nêu rõ: Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm, chú trọng chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/7/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 18/CT ngày 06/5/2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...Tuy nhiên, gần đây tại một số địa phương, cơ sở giáo dục đã xảy ra tình trạng mất an toàn đối với học sinh như học sinh bị tai nạn thương tích hay tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra ở một số trường có tổ chức bán trú làm ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Đặc biệt, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây bức xúc lo lắng cho xã hội.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng cho rằng, do công tác quản lý giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên nói riêng nhiều nơi chưa hiệu quả; một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu so với quy định; những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội, nhất là các thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của học sinh sinh viên.
Trước tình hình đó, Bộ đã có nhiều giải pháp quyết liệt như:
.Chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm túc Quyết định số 5886 vềchương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 – 2021 và Chỉ thị số 993 về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục;
.Chỉ đạo các địa phương, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực đối với nhà giáo, học sinh; qui định rõ trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo trong công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong các cơ sở giáo dục.
.Chỉ đạo các nhà trường xây dựng văn hóa trường học, tạo môi trường giáo dục dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện, hình thành nền nếp, kỷ cương trong nhà trường; hoàn thiện và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh và xây đựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
.Tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tổ chức hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lýnhằm trang bị kỹ năng xử lý các vướng mắc, mâu thuẫn của học sinh trong học tập, cuộc sống.
.Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, hoạt động tập thể, dân ca dân vũ, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ nhằm giúp học sinh khỏe mạnh và tạo môi trường giáo dục vui tươi, lành mạnh.
.Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực phẩm chất đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh.
.Đẩy mạnh công tác y tế trường học, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh.
.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thựchiện; nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm hại, bạo hành đối với học sinh.
Bước đầu có chuyển biến tích cực
Tình trạng mất an toàn tại trường học thời gian qua đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của các em học sinh, tạo tâm lý hoang mang lo lắng cho học sinh và phụ huynh mỗi khi tới trường; làm méo mó đi hình ảnh của ngành giáo dục. Làm thế nào để đảm bảo an toàn môi trường học đường vẫn đang là mối quan tâm của cả cộng đồng. Để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, an toàn trường học có lẽ cần được coi là một trong những nội dung thiết thực, quan trọng không kém việc dạy chữ và rèn người. Vậy liệu những giải pháp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện có đem lại chuyển biến trên thực tế? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Phóng viên: Thưa đại biểu Nguyễn Tạo, được biết tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn là gì?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề: tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của học sinh trong các cơ sở giáo dục. Thời gian vừa qua, đây là vấn đề cử tri và dư luận xã hội vô cùng hoang mang, trăn trở, lo lắng. Vậy, Bộ trưởng suy nghĩ và nhận định ra sao về sự lo lắng của dư luận? Bộ trưởng có biện pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn vấn nạn này?
Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nêu trên?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Xuất phát từ kiến nghị của cử tri, từ hoạt động giám sát thực tế tại địa phương cho thấy mặc dù cơ sở giáo dục nơi được coi là an toàn nhưng học sinh vẫn đang phải hứng chịu nhiều rủi ro từ tai nạn trong trường học như: đâm xe, điện giât; đến vấn đề bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Tình trạng này không được sớm ngăn chặn, giải quyết sẽ gây ra những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục đặc biệt đến tâm lý, nhân cách, sự phát triển của các em học sinh.
Phóng viên: Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 3680/BGDĐT –GDTC trả lời chất vấn của đại biểu. Vậy đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại phần trả lời Bộ trưởng cũng đưa ra những lý giải nguyên nhận của tình trạng này là do công tác quản lý giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên nói riêng ở nhiều nơi chưa hiệu quả; một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đảm bảo;... Đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng.
Phóng viên: Mất an toàn trong trường học không phải là vấn đề mới, đã tồn tại trong nhiều năm nay. Và đã có nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản được ban hành nhưng đến nay vấn nạn này vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Theo ý kiến của đại biểu đâu là nguyên nhân của tình trạng này ?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Đúng là đã có nhiều Nghị đinh, thông tư và các văn bản được ban hành tuy nhiên vấn đề mất an toàn tại trường học vẫn xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có công tác quản lý giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên nói riêng nhiều nơi chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh cũng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều nơi còn lỏng lẻo. Điều kiện cơ sở vật chất tại một số nhà trường xuống cấp chưa đảm bảo an toàn, còn thiếu so với quy định.
Phóng viên: Qua giám sát, đại biểu đánh giá như thế nào về những giải pháp do Bộ áp dụng, đã có những chuyển biến cụ thể ra sao?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Với những giải pháp do Bộ đã và đang triển khai bước đầu đã tạo được chuyển biến trên thực tế. Mặc dù đâu đó tại một số địa phương, một số trường vẫn để xảy ra tình trạng mất an toàn nhưng nhìn chung tình trạng mất an toàn đã được kiểm soát phần nào. Tôi cũng hy vọng với sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Giáo dục cùng sự chung tay hỗ trợ của các ban ngành liên quan và của toàn xã hội, thực trạng mất an toàn tại cơ sở giáo dục sẽ được giảm thiểu tối đa để đảm bảo môi trường giáo dục tốt nhất cho các em học sinh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Nguyễn Tạo ghi nhận và đánh giá cao giải pháp do Bộ đưa ra đã bước đầu tạo ra những chuyển biến khá tích cực trên thực tiễn. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục sự chung tay của các ngành, các cấp cùng sự ủng hộ của cử tri, trường học sẽ trở về đúng nghĩa là môi trường tuyệt đối an toàn, nơi ươm mầm và chấp cánh cho những ước mơ xanh./.