Cảnh báo "thẻ vàng": Thủy hải sản sang thị trường EU liên tục giảm
Xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường EU liên tục giảm
Ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với các sản phẩm thủy hải sản khai thác của Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong Chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU). Kể từ đây cả hệ thống chính trị từ Trung ương, chính quyền địa phương, các Hiệp hội, cộng đồng ngư dân và Doanh nghiệp thủy sản đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC. Trong đó, xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là trọng tâm… Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, làm việc để cùng với các địa phương triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp chống khai thác IUU.
Các văn bản quy phạm pháp luật cũng ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ hơn. Điển hình: Ngày 16 tháng 1 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Đặc biệt, Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp. Đây là khung pháp lý cao nhất để quản lý ngành thủy sản một cách đồng bộ, hiệu quả hơn phù hợp với định hướng phát triển cũng như xu thế hội nhập hiện nay của ngành thủy sản. Đồng thời, quy định, phân cấp trong công tác quản lý đối với sản phẩm thủy hải có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp; xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế. Đặc biệt, Luật Thủy sản năm 2017 đã đảm bảo tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu EC. Ngày 25/4, Nghị định 26 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017. Đây được xem là giải pháp quan trọng trong quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá.
Dù đã có sự vào cuộc tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương các cấp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành chức năng, Chính phủ song những kết quả đạt được vẫn còn bộ lộ những hạn chế nhất định. Theo quy định của Luật Thủy sản 2017 (hiệu lực từ ngày 1-1-2019), với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-7-2019. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, số lượng tàu lắp đặt mới được 2.000 tàu, đạt 77%. Đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1-4-2020. Tuy nhiên trong tổng số 31.000 tàu thì đến nay nhóm này mới lắp đặt được trên 7.000 tàu, (chưa đạt nổi 30%). Nhiều chủ tàu vẫn xem nhẹ, thậm chí cảm thấy phiền phức khi phải lắp đặt loại máy này vì tọa độ đánh bắt của họ sẽ bị thông báo về cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, ngư dân cũng chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác và hiện cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như bắt buộc đối với ngư dân phải ghi chép sổ nhật ký. Điều này dẫn đến việc xác nhận chứng nhận nguồn gốc thủy sản còn nhiều sai sót. Một số địa phương chưa nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, dù Việt Nam được ghi nhận không còn vi phạm hành vi khai thác trái phép trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo, tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn. Cụ thể, năm 2019 có 113 vụ, gồm hơn 180 ngư dân của 8 tỉnh, thành tại Việt Nam vi phạm.
EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, mỗi năm mang lại từ 350 – 400 triệu USD. Đây cũng là thị trường chiếm từ 17 – 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Ủy ban châu ÂU (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt do vi phạm các nguyên tắc trong Chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý thì xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu của năm 2019 với 251 triệu USD. Như vậy, từ ở vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, nhưng sau khi Việt Nam nhận cảnh báo “thẻ vàng”, thì thị trường EU đã tụt xuống đứng thứ 5 sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN.
Ông Nguyễn Quang Hùng: 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng: Hệ lụy khi hải sản Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mà còn là uy tín và thương hiệu của ngành thủy hải sản nước ta trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, gây mất thời gian và phát sinh thêm chi phí.
Liên quan đến “thẻ vàng” mà Ủy ban châu ÂU (EC) đưa ra cảnh báo từ 2 năm về trước, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách, giải pháp đột phá để cơ cấu lại, phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép, gỡ cảnh báo thẻ vàng từ EC. Như vậy, đây là kỳ họp thứ hai liên tiếp gần đây Nghị trường Quốc hội nóng vấn đề thủy hải sản của nước ta.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định rằng EU kiến nghị 9 nội dung để xóa thẻ vàng cũng trùng với lợi ích của Việt Nam, phải tái cơ cấu lại nghề cá tự phát thành nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Việc này không chỉ thực hiện cho những năm tới mà còn lâu dài cho con cháu, đảm bảo hiệu quả cho những ngư dân tham gia hoạt động này. Bộ trưởng cũng lưu ý, dù EU không khuyến nghị thì chúng ta vẫn phải thực hiện vì quyền lợi lâu dài và danh dự của Việt Nam, để thủy sản Việt Nam hiên ngang đi các nước.
Làm rõ thêm một số giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam, cũng tại Nghị trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, những nhiệm vụ nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC là cấp bách, phải nỗ lực để sớm khắc phục triệt để. Một trong những nội dung quan trọng là phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản; đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài. Phó Thủ tướng lưu ý: Ngoài những giải pháp dài hạn phát triển bền vững thủy hải sản của Việt Nam thì nhiệm vụ trước mắt đề nghị các đại biểu Quốc hội ở tại các địa phương phối hợp với lãnh đạo địa phương cùng các bộ ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải tập trung để khắc phục “thẻ vàng” mà EC đã khuyến nghị từ 2 năm về trước. Đây cũng là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan và cá nhân tôi với trách nhiệm là Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc Trưởng đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) ngày 14/11
Tại buổi gặp với Trưởng Đoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) do bà Voronika Veits - Giám đốc Cơ quan Quản trị Đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC làm Trưởng đoàn vào 14 tháng 11 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mong muốn Đoàn công tác sẽ có những đánh giá tích cực, sát với nỗ lực triển khai các giải pháp chống IUU của Việt Nam. Đồng thời đề nghị Đoàn thanh tra EC ủng hộ xem xét những nỗ lực tích cực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.
Bà Veronika Veits khẳng định các cuộc làm việc trong hơn 10 ngày qua của đoàn công tác EC là rất cụ thể; thông tin được chia sẻ minh bạch do hai bên trao đổi với nhau rất thẳng thắn. Bà Veronika Veits bày tỏ ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC, đặc biệt đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống khai thác IUU, trong đó có Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đoàn kiểm tra EC đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, nhấn mạnh đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam./.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7
Trước chất vấn của Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đối vowiss Phó Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ “thẻ vàng”, có những giải pháp giúp thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững. Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời về vấn đề đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đưa ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kể cả nhóm khai thác lẫn nuôi trồng đang ngày một tăng, sẽ cán đích trên 9 tỷ USD vì đây là nhóm nông sản lợi thế. Hiện nay, EU đưa ra thẻ vàng với Việt Nam liên quan quy định IUU - định chế pháp luật của EU nhằm ngăn chặn khai thác bất hợp pháp, không đúng quy cách, quy ước để đảm bảo phát triển bền vững của đại dương và kinh tế biển. Những khuyến nghị này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam nhằm tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm hơn. Việt Nam đã có nhiều nhóm giải pháp như phê duyệt Luật Thủy sản mới, từ đó, ban hành được các văn bản sau luật gồm 2 nghị định và 8 thông tư liên quan.
Ngoài ra, các cấp chính quyền 28 tỉnh duyên hải đã tăng cường tuyên truyền với ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia khai thác biển. Điều này giúp các vi phạm về khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương không còn xuất hiện trong 2 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một phần sai phạm liên quan đến khu vực biển phía Nam, khách quan là do các vùng biển chồng lấn, chủ quan là do một số ngư dân vẫn còn vi phạm, kể cả trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019. Trong thời gian tới, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản bền vững, Việt Nam cần thực hiện 9 khuyến nghị của EU và phát triển nuôi trồng, tái cơ cấu sâu rộng hơn, tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ từ nuôi trồng, chế biến đến thương mại. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nuôi trồng biển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết: Trong chuyến đi Na Uy vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nước bạn đã cam kết, hợp tác với Việt Nam trong việc nuôi biển xa, tận dụng khoa học công nghệ. Tóm lại, để thủy hải sản xuất khẩu không còn cách nào khác là tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu tập trung hơn từ người dân, doanh nghiệp cho đến quản lý nhà nước.
Tái cơ cấu lại ngành thủy sản Việt Nam
Ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định rút “Thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian rút thẻ vàng áp dụng đối với Việt Nam đến tháng 4/2018. Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn phía EC đưa ra, nhưng tháng 6/2018, sau khi tiến hành kiểm tra thực tế khai thác và chế biến hải sản ở nước ta, EC vẫn tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc cánh cửa xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (EU) luôn bị thu hẹp. Tháng 11 năm 2019, đoàn thanh tra của Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục sang Việt Nam. Đây là lần thứ 2 đoàn thanh tra EC quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, Ủy ban Châu Âu sẽ xem xét vấn đề khắc phục “Thẻ vàng” của Việt Nam. Như vậy, trong thời điểm hiện nay, việc gỡ "thẻ vàng" xuất khẩu thủy sản là yêu cầu cấp bách, nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Vậy những biện pháp cần thiết Việt Nam cần triển khai lúc này để thực hiện các cam kết và những giải pháp giúp ngành thủy hải sản của nước ta phát triển bền vững, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết: Tái cơ cấu lại ngành thủy sản Việt Nam
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về vấn đề thủy hải sản xuất khẩu của nước ta?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Việt Nam có lợi thế khai thác thủy hải sản, xuất khẩu thủy hải sản. EU là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn, đứng thứ 2 sau Mỹ của nước ta. Tuy nhiên, từ năm 2017, Ủy ban Châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy hải sản của Việt Nam, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với ngành thủy sản của Việt Nam nói riêng, phát triển kinh tế nói chung trong 2 năm vừa qua. Chính vì vậy, với vai trò là đại biểu Quốc hội, qua theo dõi ý kiến nguyện vọng của cử tri, trong phiên chất vấn tôi đã đặt vấn đề này với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về giải pháp sớm gỡ “thẻ vàng” giúp thủy hải sảnViệt Nam đủ điều kiện xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.
Phóng viên: Được biết sau chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đăng đàn trả lời chất vấn. Vậy quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Câu hỏi này tôi đặt vấn đề đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, tuy nhiên với sự điều hành linh hoạt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn với vai trò là tư lệnh chính trong ngành nông nghiệp trả lời vấn đề tôi chất vấn nhằm tháo gỡ tốt vấn đề “thẻ vàng” mà EU đã đưa ra cảnh báo đối với thủy hải sản của nước ta. Mặc dù thời gian trả lời có hạn, nhưng qua phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trả lời ngắn gọn nhưng đã bao hàm được đầy đủ các nội dung, từ sự nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp, cho tới các doanh nghiệp, người dân đã và đang nỗ lực để làm sao đáp ứng được yêu cầu của EC đưa ra. Bộ trưởng đã trả lời thỏa đáng vấn đề tôi nêu ra, tuy nhiên về phía đại biểu chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát khâu tổ chức thực hiện.
Phóng viên: Việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam từ 23/10/2017 đã tác động như thế nào tới hoạt động thương mại thủy hải sản của nước ta?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Âu đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam rất thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường EU bởi thị trường này giá cả hấp dẫn hơn so các thị trường khác. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều lực cản trong xuất khẩu thủy hải sản của nước ta. Cụ thể liên quan đến vấn đề thông quan của các doanh nghiệp, do 100% các lô hàng phải kiểm tra nên việc thông quan rất lâu, qua đó làm tăng chí phí, kinh phí, giá thành đội lên, hiệu quả giảm xuống. Ở một góc độ khác nhìn nhận, việc Ủy ban Châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” là thách thức lớn, song cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, củng cố lại nhằm phát triển bền vững kinh tế biển và giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân, gắn với bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia.
Phóng viên: Thưa đại biểu, với những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, đến nay việc thực hiện các quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) đã có những chuyển biến như thế nào?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Qua theo dõi chúng tôi thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo sớm khắc phục vấn đề này. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng rất sát sao cùng với 28 tỉnh thành phố triển khai nhiều vấn đề. Từ những nỗ lực này, đã có những hiệu quả bước đầu và rất tốt. Ngư dân dần dần hình thành thói quen thực hiện theo các quy định mà EC đưa ra. Các cơ quan báo chí đã phối hợp với đơn vị quản lý từ Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU, qua đó nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao nhằm góp phần sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Chúng ta cũng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển trong thời gian qua. ở đây chúng ta cũng thấy nỗ lực của 28 tỉnh/ thành phố ven biển đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Đồng thời tổ chức, chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện các biện pháp để quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để gỡ được thẻ vàng thì đó chính là ý thức của ngư dân.
Phóng viên: Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đã sang Việt Nam vào tháng 11 để kiểm tra, đánh giá tình hình việc thực hiện biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam nhằm tìm cách tháo gỡ “thẻ vàng”. Nếu như chúng ta gỡ được thẻ vàng trong dịp này, theo đại biểu cần tiếp tục có những giải pháp nào để hoạt động khai thác thủy hải sản của Việt Nam mang tính bền vững?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thực hiện đồng bộ và tốt giải pháp Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra là phải tái cơ cấu lại ngành thủy sản Việt Nam. Các địa phương ven biển tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản. Trong đó, quy hoạch, xác định rõ nguồn lợi thủy hải sản để tổ chức khai thác hợp lý; từ đó kế hoạch hóa đầu tư, phát triển hạ tầng; khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là phát triển mạnh ngành nuôi trồng trên biển. Thời gian qua, nhiều quy định trong đánh bắt thủy hải sản đã được ban hành và cho phép thành lập tổ chức kiểm ngư để kiểm tra kiểm soát vấn đề này. Các địa phương có điều kiện cũng nên thành lập kiểm ngư để tuần tra, kiểm soát để làm sao uốn nắn kịp thời các vi phạm (nếu có). Nếu có phát hiện sai phạm thì chúng ta cũng phải kiên quyết xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, xem lại những quy định hiện nay, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm, đủ sức răn đe. Nếu những quy định đủ liều, đủ sức răn đe thì chúng ta sẽ ngăn cản được những hành vi trái phép. Cấp chính quyền và cả các tổ chức phải tiếp tục thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân để người dân nắm được việc tuân thủ các quy định của Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra. Qua đó vừa giải quyết hiệu quả chung của cả nước, mà đời sống của người dân, ngư dân cũng được nâng cao nhờ phát triển thủy hải sản bền vững.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Tháng 5/2018, các đoàn công tác của Đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) đã sang Việt Nam làm việc, kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn hành vi khai thác hải sản trái phép, tuy nhiên, thủy hải sản của Việt Nam vẫn trong tình trạng cảnh báo “thẻ vàng” bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Tháng 11/2019, lần thứ 2 đoàn công tác của Uỷ ban Châu Âu (EC) sang Việt Nam để tiếp tục kiểm tra lại. Chúng ta hi vọng, với những nỗ lực từ ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ ngành chức năng và sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, sau dịp này Việt Nam có được kết quả tích cực, tín hiệu xuất khẩu thủy sản của nước ta dần dần khởi sắc mạnh hơn./.