Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2019 chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Quy định này cũng đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước. Dựa trên chương trình thống nhất này, mỗi môn học sẽ có một hoặc một số SGK. Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật. SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh và giáo viên sẽ học tập, giảng dạy theo sách giáo khoa lớp 1 mới (ảnh minh họa).
Thực hiện theo lộ trình biên soạn SGK đã được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ký quyết định phê duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông để có thể từ năm học 2020-2021, học sinh và giáo viên có thể học tập, giảng dạy chính thức theo sách mới.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK sẽ do các trường tự quyết, nhưng từ những năm học sau, việc này sẽ do UBND các tỉnh đảm nhiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều phụ huynh, trường học, thầy cô giáo và phụ huynh vẫn chưa được tiếp cận với danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 nên đã có những băn khoăn trong việc lựa chọn sách, giảng dạy cho học sinh và con mình.
Dùng sách giáo khoa mới nhưng đừng để lãng phí
Năm học tới, chị Đặng Thị Luyến, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có con trai sẽ học lớp 1. Khi biết thông tin Bộ GD-ĐT vừa duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 sử dụng vào năm học 2020-2021, chị Luyến rất hào hứng xen lẫn lo lắng. Chị vui vì khi xem trên các phương tiện truyền thông, các SGK đều được in màu, có nhiều hình ảnh trên giấy rất đẹp và ngóng chờ sớm được thấy chúng, tìm xem kiến thức trong sách mới và sách cũ khác nhau như thế nào để có phương hướng cùng với giáo viên giảng dạy cho con.
Chị Đặng Thị Luyến mong muốn, nếu bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học theo chương trình SGK mới thì chắc chắn trong sách sẽ có những cải tiến, kiến thức có thể được cập nhật so với SGK hiện hành. Vì vậy, sẽ có nhiều phụ huynh chưa rõ về nội dung, kiến thức được đưa mới, nâng cao và giảm tải trong sách nên rất cần được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn để cùng giảng dạy học sinh tốt hơn.
Còn nếu nhà trường lựa chọn SGK thì nên thành lập Hội đồng gồm ban giám hiệu, giáo viên và tất cả cả phụ huynh cùng tham gia.
Phụ huynh Đặng Thị Luyến mong muốn nhận được sự hướng dẫn của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm khi có SGK lớp 1 mới để cùng giảng dạy học sinh tốt hơn.
Khi nghe thông tin từ năm 2020, học sinh lớp 1 sẽ học theo SGK mới, chị Nguyễn Thanh Hà, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã không giấu được băn khoăn nếu như có SGK mới mà giáo viên giảng dạy không bám sát vào chương trình cải cách, thường xuyên cho các bài tập nâng cao khiến cho việc học tập trở nên căng thẳng với học sinh.
Ngoài ra, nếu năm nay, các trường học được lựa chọn SGK của một nhà xuất bản nào đó sử dụng nhưng năm sau giao công việc này về các địa phương mà lại chọn sách của nhà xuất bản khác thì sẽ rất lãng phí cho phụ huynh. Vì nếu gia đình nào có thu nhập thấp, 2 con có tuổi liền kề nhau không học được sách của nhau. Hơn nữa, nếu mỗi trường được lựa chọn SGK khác nhau thì không biết việc thi cử, đánh giá học sinh sẽ như thế nào.
Sẽ gặp khó khăn trong học tập, giảng dạy và thi cử khi mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD-ĐT vừa ký quyết định phê duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông để các trường lựa chọn sách là điều rất tốt để các trường học, địa phương chọn lựa sao cho phù hợp với đặc thù của từng vùng miền và để chống độc quyền trong việc phát hành SGK.
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội.
Tuy nhiên, trong năm học, có nhiều phụ huynh do điều kiện gia đình chuyển nhà hay chuyển công tác phải chuyển trường cho con. Nếu trong một quận, thành phố, học sinh học SGK ở các nhà xuất bản khác thì khi chuyển trường sẽ rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với SGK của trường mới.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường cần sinh hoạt chuyên môn liên trường để nâng cao trình độ, bồi dưỡng giáo viên nhưng nếu mỗi trường một bộ sách thì sẽ gặp khó khăn trong việc này.
Bà Nguyễn Thu Hương nêu ý kiến, Sở GD-ĐT Hà Nội nên có sự chọn lựa một bộ SGK mới của nhà xuất bản nào phù hợp nhất cho học sinh Thủ đô. Bởi vì học sinh ở các phường, quận của Hà Nội không có nhiều sự khác biệt về ngôn ngữ, trình độ so với các địa phương khác.
Nếu để cho các trường lựa chọn sách của nhà xuất bản nào thì từng trường phải có hội đồng lựa chọn SGK. Để chọn lựa SGK nào phù hợp với nhà trường thì phải có thời gian để tìm hiểu cả 32 bộ sách nhưng đến nay, lãnh đạo và giáo viên của trường Tiểu học Hà Nội chưa được tiếp cận với 32 SGK của 8 môn học lớp 1 mới thì sẽ rất lúng túng trong việc lựa chọn sách nào phù hợp với trường. Vì vậy, các thầy cô giáo đều rất mong muốn Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định sớm chọn lựa sử dụng SGK của nhà xuất bản nào.
Ngoài ra, để giúp giáo viên có thể giảng dạy học sinh theo chương trình SGK mới thì Sở nên tổ chức các đợt tập huấn theo phương pháp trực tuyến trên máy tính để giáo viên ngồi ở bất kỳ đâu đều có thể học tập, được tiếp cận với cách thức giảng dạy mới.
Nếu trong năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK sẽ do các trường học tự quyết thì ngành Giáo dục phải cho giáo viên tiếp cận với SGK mới và tập huấn sớm để không nảy sinh những bất cập không lường trước.
Ở góc độ là giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, trường Tiểu học Hà Nội nêu ý kiến, nên để mỗi địa phương hoặc các trường trong một quận lựa chọn sử dụng dùng chung 1 bộ SGK của một nhà xuất bản. Bởi giáo viên có chung một nội dung bài thì tiếp cận với giảng dạy kiến thức mới sẽ thuận tiện hơn, cũng như việc phòng GD-ĐT bồi dưỡng, tập huấn các tiết chuyên đề Quận cho giáo viên các trường được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau hiệu quả hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, trường Tiểu học Hà Nội.
Khi giảng dạy theo SGK mới sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Việc đánh giá kiểm tra đã được tập huấn theo Thông tư 22 khi đánh giá học sinh theo chương trình SGK mới, giáo viên thấy đã phù hợp với chương trình mới, ở các mức độ từ kiểm tra kiến thức biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao kiến thức vào cuộc sống cho đến ra đề thi theo ma trận khác nhau để phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Là giáo viên giảng dạy học sinh lớp 1 nên cô giáo Phạm Thị Hải Vân, lớp 1A1, trường Tiểu học Hà Nội nêu quan điểm, việc Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 góp phần phát huy được năng lực sáng tạo trong giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Nếu việc lựa chọn SGK của nhà xuất bản nào thì các trường cần xem xét bộ sách nào phù hợp với tiêu chí đặt ra, năng lực của học sinh và nhu cầu của phụ huynh.
Giao nơi nào chọn sách cũng nên đề phòng “lo lót, chạy chọt”
Đề cập chọn lựa SGK mới, PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu như các địa phương chỉ chọn một bộ sách duy nhất để dạy, cũng chưa phát huy hết được ý nghĩa của chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Bởi thực tế nhiều tỉnh có sự khác biệt rõ rệt về điều kiện địa lý, kinh tế- xã hội giữa các khu vực, nếu để tỉnh chọn một bộ sách dùng cho toàn tỉnh cũng sẽ không phù hợp.
Ở các nước trên thế giới đã thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK nên giáo viên là người được lựa chọn những nội dung hay ở từng sách, tự thiết kế thành bài giảng của mình. Tuy nhiên, để giáo viên Việt Nam quen và làm được điều này cần có lộ trình, thời gian thực nghiệm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Theo PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, việc lựa chọn SGK nên giao hẳn cho các trường hoặc hội đồng liên trường hay cụm trường của các địa phương. Tránh việc những hội đồng lập ra là những người trong chính quyền, làm công tác quản lý, không đứng lớp, hoặc chỉ mời một vài giáo viên thì không khách quan trong việc chọn lựa. Khi có nhiều SGK, giáo viên có thể lựa chọn những cái hay của sách này kết hợp với những nội dung hay trong các cuốn sách khác, không nhất thiết chỉ dùng duy nhất một bộ sách để giảng dạy.
Còn nếu cho phép các tỉnh, thành phố thành lập hội đồng riêng thì khó tránh khỏi việc nhiều đơn vị xuất bản sách “lo lót, chạy chọt” để sách của mình được chọn.
Trước những lo ngại về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn SGK, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm, cần công khai việc lựa chọn sách. Cụ thể các địa phương cần công khai giải thích với phụ huynh, học sinh lý do lựa chọn từng sách của nhà xuất bản nào.
Về hội đồng chọn sách, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, các giáo viên giỏi, đã nắm chắc chương trình, đặc điểm, tâm sinh lý trẻ em, các quy tắc sư phạm...
Nên công khai quá trình thẩm định chất lượng, lựa chọn sách giáo khoa mới
Việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK đã nhận được nhiều ý kiến từ phía xã hội. Để rộng đường dư luận và giúp các địa phương, trường học, giáo viên và phụ huynh chọn lựa SGK phù hợp trong việc giảng dạy, học tập được hiệu quả, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Phóng viên: Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua chính thức chốt việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Thực hiện chương trình này, Bộ GD-ĐT đã có lộ trình biên soạn SGK ở từng cấp học. Trước tiên là trong tháng 11/2019, Bộ đã ký quyết định phê duyệt danh mục 32 SGK của 8 môn học lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn không biết nhà trường, các địa phương sẽ chọn lựa bộ SGK của nhà xuất bản nào để giảng dạy sao cho hiệu quả nhất. Ý kiến của đại biểu như thế nào về những lo lắng này và bà có lời khuyên nào đối với các trường học, giáo viên, phụ huynh?
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Đó là những lo lắng có cơ sở và cần thiết phải có sự lên tiếng của quý bậc cha mẹ học sinh cũng như đội ngũ giáo viên. Việc quy định nhà trường thành lập Hội đồng lựa chọn sách sẽ dẫn đến nhiều bất cập, gây tốn kém về thời gian và có thể không hiệu quả. Nhất là việc thành lập Hội đồng cấp trường còn nặng cơ cấu, hình thức, như ban đại điện cha mẹ học sinh tham gia trong hội đồng chẳng hạn.
Tôi cho rằng, không phải cha mẹ học sinh nào cũng đủ khả năng, hiểu biết về sách giáo khoa, tính liên kết cũng như khung chương trình giảng dạy của bậc Tiểu học để có ý kiến về nội dung này. Việc lựa chọn nhà xuất bản cũng là việc chẳng dễ dàng gì ở cấp Hội đồng nhà trường.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bình tĩnh chờ xem những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để có những bước thực hiện thật chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, tránh gây xáo trộn tâm lý của cha mẹ và các em học sinh.
Phóng viên: Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK sẽ do các trường tự quyết, nhưng từ những năm học sau, việc này sẽ do UBND các tỉnh đảm nhiệm. Quan điểm của đại biểu về việc giao quyết định này và giải pháp nào để ngăn chặn lợi ích nhóm trong việc lựa chọn, phát hành SGK?
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Đó là do quy định còn tồn tại giữa Nghị quyết 88 của Quốc hội (quy định nhà trường lựa chọn sách) và Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 (giao UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách). Trong giai đoạn giao thời thì chúng ta vẫn phải thực hiện theo quy định của Luật.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các địa phương cần chuẩn bị thật tốt từ trước, có bộ phận tham mưu giúp việc liên kết 2 giai đoạn để không xảy ra việc rối ren, mâu thuẫn trong khâu lựa chọn sách ở 2 cấp. Đặt học sinh làm trung tâm, chương trình giáo dục là cốt lõi và ngành Giáo dục không thể đứng ngoài trách nhiệm này.
Việc thẩm tra, thẩm định chất lượng sách, nhà xuất bản nếu được thực hiện chặt chẽ từ bước đầu, quy trình lựa chọn công khai minh bạch thì cũng sẽ hạn chế được lợi ích nhóm len lỏi.
Phóng viên: Để thực hiện giảng dạy-học tập theo tinh thần 1 chương trình, nhiều bộ SGK được hiệu quả, theo đại biểu, các địa phương, trường học, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị những gì để không quá bất ngờ, lúng túng khi những kiến thức trong SGK mới đề cập đến nhiều nội dung mới mà trước đó chưa có ở SGK cũ?
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: SGK được xem là tài liệu, là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu của chương trình giáo dục. Vì vậy, việc đầu tiên tôi cho rằng, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ, nắm vững và thậm chí là được quyền lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình học cho con mình. Ngoài ra, cha mẹ cần quan tâm tạo điều kiện để con mình được tiếp cận, làm quen với sách bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự đa dạng về hình thức, nội dung các đầu sách phù hợp với nhiều lứa tuổi trên thị trường hiện nay sẽ giúp cha mẹ dễ dàng hơn trong việc tạo cho con mình thói quen, sự yêu thích với sách trước khi con vào tuổi tới trường và tiếp cận với bộ SGK ở trường học.
Tôi cho rằng, việc cha mẹ và thầy cô trước hết là không nên làm những điều khiến cho trẻ em sợ sách, chán đọc sách, đừng quá căng thẳng với việc con mình sẽ thu nạp bao nhiêu kiến thức trong từng ấy đầu sách, nhất là ở độ tuổi các cháu mới chỉ bước vào năm đầu tiên của giáo dục phổ thông.
Phóng viên: Khi có SGK mới thì cũng đồng nghĩa là việc kiểm tra, đánh giá học sinh, giáo viên cũng sẽ khác. Vậy theo đại biểu, các địa phương, trường học cần có giải pháp nào để đánh giá đúng thực chất, khách quan năng lực giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh cũng năng lực giáo dục của từng địa phương?
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: Dù là SGK mới hay cũ, Giáo dục chỉ đánh giá đúng thực chất kết quả giảng dạy và học tập khi không chạy theo thành tích.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Về cơ bản, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, các địa phương, trường học cần quan tâm đến những băn khoăn, lo lắng của giáo viên, phụ huynh trong việc lựa chọn SGK của nhà xuất bản nào để giảng dạy và học tập. Việc thẩm tra, thẩm định chất lượng sách, nhà xuất bản nếu được thực hiện chặt chẽ từ bước đầu, quy trình lựa chọn công khai minh bạch thì cũng sẽ hạn chế được lợi ích nhóm len lỏi khi để các trường học, địa phương được quyền chọn sách./.