ĐBQH TRIỆU THẾ HÙNG: CẦN TIẾP TỤC RÀ SOÁT MỘT CÁCH KỸ LƯỠNG NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG

04/12/2019

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Triệu Thế Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần tiếp tục rà soát một cách kỹ lưỡng những quy định pháp luật về xây dựng để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật, tạo hành lang pháp lý một cách đồng bộ.

Đại biểu Triệu Thế Hùng phát biểu

Đại biểu Triệu Thế Hùng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua trong việc thực hiện Luật Xây dựng đã làm cho bức tranh về hạ tầng cũng như bức tranh về đô thị đã có những  phát triển vượt bậc cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Việc thực hiện luật này trong thực tiễn cũng đã nảy sinh nhiều những bất cập, yếu kém, nhiều những vi phạm đã được phát hiện và có nguy cơ tiếp tục nảy sinh một cách phức tạp. Do đó đại biểu cho rằng cần phải kịp thời hoàn thiện chính sách pháp luật của lĩnh vực này. Đại biểu cũng thống nhất rất cao với báo cáo thẩm tra và chỉ ra rằng trong hoạt động xây dựng bao gồm rất nhiều công đoạn như là lập quy hoạch, xây dựng, lập dự án đầu tư thiết kế, chọn nhà thầu thi công, giám sát v.v... Tất cả những công đoạn đó hiện nay cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập và những bất cập này đều liên quan đến Luật Xây dựng. Tuy nhiên, những bất cập đó không chỉ ở trong Luật Xây dựng, bởi vì hoạt động xây dựng có liên quan trực tiếp và chịu ảnh hưởng và có thể nói rằng cũng phụ thuộc một cách rất nặng nề đến những quan hệ khác như là kế hoạch đầu tư, đầu tư công, tài chính, về di sản văn hóa v.v.... Vì thế, đại biểu đề nghị dự thảo cần tiếp tục rà soát một cách kỹ lưỡng những quy định pháp luật về xây dựng cũng như liên quan đến xây dựng để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật, tạo hành lang pháp lý một cách đồng bộ, trước hết để khắc phục những sơ hở, tránh lợi dụng ở trong lĩnh vực xây dựng này.

Đi vào cụ thể, đại biểu chỉ rõ:

Về xây dựng, để hoạt động xây dựng trước hết phải có đầu tư, chủ đầu tư và người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Điều đó cũng cần có sự tách biệt rất rõ ràng trách nhiệm nào của nhà nước, trách nhiệm nào là của chủ thể và các chủ thể khác để tránh khi có vấn đề thì đổ lỗi cho nhau. Từ đó có thể dẫn đến việc giải trình một cách rõ ràng và minh bạch, có thể truy cứu trách nhiệm và áp dụng chế tài một cách phù hợp. Tên của các chủ thể quản lý và thực hiện hoạt động xây dựng cũng cần được xác định lại một cách rõ ràng trong dự thảo để phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của chủ thể. Trong dự thảo cơ quan chuyên môn về xây dựng là tổ chức thuộc quản lý nhà nước nhưng lại không có tên là quản lý, trong khi đó những ban về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao không có chức năng gì về quản lý xây dựng lại được gọi là Ban quản lý.

Đồng thời, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật có quy định về bộ quản lý những công trình xây dựng chuyên ngành, những bộ này được giao nhiệm vụ quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành theo như quy định của luật chỉ mới quy định có 6 bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đại biểu cho rằng sẽ chưa có căn cứ vững chắc vì bộ nào, ngành nào, địa phương nào cũng có nhu cầu xây dựng những công trình mang tính chất đặc thù, chuyên ngành, nhất là trong những ngành mang tính văn hóa, sức khỏe và giáo dục. Bên cạnh đó, rất nhiều quy định về thẩm quyền, thẩm định cũng như những hoạt động thẩm định quy định trong dự thảo vẫn chưa rõ nội dung liên quan đến trách nhiệm vì việc thẩm định của người quyết định đầu tư cũng như việc thẩm định của chủ đầu tư là khác nhau. Một bên là việc thẩm định của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, bên còn lại là thẩm định của người có tiền để đầu tư. Chính vì vậy, không nên và cũng không thể quy định một cách chung chung như nội dung tại Điều 36 ở trong dự thảo luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại một cách khoa học hơn về vấn đề quy hoạch xây dựng, phân loại các lĩnh vực xây dựng cũng như phân cấp, phân quyền, cấp phép trong xây dựng. Các nội dung này còn rất chung chung, mang tính chủ trương là chính, chưa rõ ràng, cụ thể; giao khá nhiều những quyền hướng dẫn cũng như những quy định cụ thể cho cơ quan hành pháp; khó tránh khỏi những sơ hở trong lĩnh vực này khi áp dụng vào thực tế./.

Hồ Hương