Chương trình “Ngày Chủ nhật yêu thương” được bắt đầu thực hiện từ tháng 8/2017 cho đến nay đã được tổ chức tại 28 trung tâm Bảo trợ xã hội ở 17 tỉnh, thành phố. Chương trình có sự tham gia của nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương gồm các cán bộ, công chức 14 vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội, khoảng 21 cơ quan nhà nước, các thành viên làm việc tại các cơ quan ngoài Nhà nước và nhà giáo đã nghỉ hưu.
Hãy coi chăm sóc những người yếu thế là một niềm tự hào
Một trong những nơi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chương trình là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình. Tại đây, những mảnh đời bất hạnh như trẻ em bị khuyết tật, tàn tật bị bỏ rơi, người lang thang, người già không nơi nương tựa, bị bệnh đặc biệt đều được yêu thương chăm sóc chu đáo bởi các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thăm hỏi sức khỏe, động viên người cao tuổi ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình.
Trong chuyến thăm Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Những chuyến đi thiện nguyện của các đại biểu Quốc hội cùng nhóm Kết nối yêu thương đều dành tình cảm tốt đẹp cho các trung tâm bảo trợ xã hội. Mỗi tháng một lần, các cơ quan, đơn vị đều dành thời gian để nấu những bữa cơm thiện nguyện, cùng nhau chia sẻ khó khăn với bà con, cô bác, anh chị em ở các trung tâm. Hoạt động này cũng như là buổi tiếp xúc cử tri.
Thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành và đặc biệt là những cán bộ, nhân viên đang tận tình chăm sóc những đối tượng yếu thế đang sinh sống ở trung tâm.
Những người sinh sống tại Trung tâm được các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phổi Hà Nội đến thăm khám chữa bệnh.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhắn nhủ các cán bộ, nhân viên điều dưỡng của Trung tâm tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, luôn đoàn kết, động viên nhau vượt qua khó khăn để chăm sóc người yếu thế tốt hơn nữa. Đồng thời hãy coi việc chăm sóc họ là một niềm tự hào và coi đây cũng việc làm tốt đẹp mang lại niềm vui, nguồn động viên lớn giúp những người yếu thế vượt qua những mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng bày tỏ lòng cảm kích đến nhóm “Kết nối yêu thương” đã đoàn kết, vượt qua khó khăn để có những hoạt động thiện nguyện nhằm chia sẻ với những người có công, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Những cán bộ điều dưỡng hết lòng vì người yếu thế
Ông Phạm Đình Lễ, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình, cho biết: Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho 196 người. Trong đó, có 159 đối tượng xã hội, 7 đối tượng là người có công, 30 cụ là người dưỡng lão tự nguyện. Đa số những người già trong trung tâm là người khuyết tật nặng nên việc chăm sóc rất khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm cao, các cán bộ, nhân viên Trung tâm đều cố gắng hết sức để chăm sóc, phục hồi chức năng cho họ một cách tốt nhất.
Vườn rau xanh được Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình gây dựng cải thiện đời sống.
Tốt nghiệp chuyên ngành Y sĩ, trường Cao đẳng Y Phú Thọ từ năm 2009 với bao hoài bão và ước mơ, chị Nguyễn Thị Thương cũng như bao bạn bè cùng trang lứa đều có ước mơ sau khi ra trường sẽ sử dụng chuyên môn học được để khám, cứu chữa bệnh ở các bệnh viện lớn.
Thế nhưng, khi nhìn thấy những đứa trẻ vẫn còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi trước cửa Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình cất tiếng khóc, khát tìm dòng sữa mẹ hay những người bị bệnh, cụ già đau đớn chống chọi với bệnh tật mà không có người thân chăm sóc, chị Thương lại quên đi niềm kiêu hãnh, mơ ước là phải làm việc ở những nơi sang trọng, nhàn hạ.
Tình cảm với những người yếu thế trong xã hội đã khiến chị quyết định gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu khi rời khỏi giảng đường đại học cho đến nay đã được 10 năm.
Các đối tượng hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình cũng tham gia chương trình.
Chị Thương nhớ lại, trước khi có được cơ sở vật chất như bây giờ, lúc mới vào làm, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình chỉ là một trại Tế bần với điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân, người dân hết sức nghèo nàn, thiếu thốn.
Trong số những người đang sinh sống ở Trung tâm có những người bị bệnh thần kinh, tâm thần nên bất kỳ mọi lời nói, việc làm, hành động đều không có ý thức. Mỗi khi lên cơn bệnh, họ sẵn sàng đập phá, chửi bới dai dẳng. Còn những trẻ bị bại não, cụ già bị bệnh phải nằm liệt giường gần như vô hồn trước mọi sự vật xung quanh nên việc để ý, chăm sóc họ hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian.
Chị Nguyễn Thị Thương vẫn còn nhớ như in ngày đầu được lãnh đạo Trung tâm dẫn đi tham quan khu người người cao tuổi không tự phục vụ được. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh của họ đều nằm trên chiếc giường nhỏ. Khi bước vào phòng, mùi thức ăn, mùi xú uế hòa lẫn khiến chị cảm thấy khó chịu.
Chị Nguyễn Thị Thương, cán bộ chăm sóc những người yếu thế của Trung tâm.
Với một sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa bao giờ chăm sóc những người như vậy, chị Thương cảm thấy chưa quen xen lẫn ngần ngại khi vừa xúc từng thìa cháo, vừa phải thay quần áo và dọn dẹp vệ sinh cho các cụ cao tuổi khi đi đại, tiểu tiện ngay trên giường cùng một lúc. Ban đầu làm công việc này, chị Thương phải đeo khẩu trang dầy mấy lớp nhưng sau đó chỉ ít thời gian, chị đã quen dần và cảm thấy chăm sóc các cụ và những người không may mắn ở Trung tâm như là làm các công việc hết sức bình thường.
Vượt qua những khó khăn, chị Nguyễn Thị Thương và các đồng nghiệp vẫn hàng ngày tận tụy chăm sóc chu đáo cho người dân được đưa vào đây từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến vệ sinh cá nhân.
Những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ, khuyết tật... cũng được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm.
Đã có 6 năm làm công tác cai nghiện, hồi phục sức khỏe cho người nghiện ma túy ở huyện Đông Hưng nhưng chị Bùi Thị Khuyên lại khá lúng túng với công việc là cán bộ điều dưỡng ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình.
Bởi nếu như người cai nghiện có thể tự chăm sóc, phục vụ cho bản thân thì các cháu nhỏ bị mắc bệnh hiểm nghèo, người tàn tật và các cụ cao tuổi nằm liệt giường ở Trung tâm không thể tự làm được.
Khi mới bắt đầu công việc ở Trung tâm, chị Khuyên cảm thấy có phần ngần ngại nhưng khi nhìn và cảm nhận ánh mắt ở những đứa trẻ vô hồn, những mảnh đời bất hạnh vì nhiều lý do khác nhau hay lúc chứng kiến một cụ già ốm yếu, không còn đủ sức khỏe chămn đứa cháu bị bại não 10 năm nay đến cầu cứu các cán bộ điều dưỡng... đã thôi thúc chị gắn bó hơn với nơi đây.
Vào làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình đến nay đã được 3 năm, chị Khuyên luôn không ngừng học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc để chăm sóc các cháu nhỏ, người bị bệnh, người cao tuổi một cách tốt nhất.
Chị Bùi Thị Khuyên chăm sóc cho người cao tuổi đang sinh sống tại Trung tâm.
Cán bộ điều dưỡng Bùi Thị Khuyên cho biết: Tại trung tâm có những cháu nhỏ bị bệnh down không ý thức được việc mình làm hay những trẻ bị tăng động nhiều lúc bất chợt tự đập đầu mình vào tường, cào cấu người xung quanh hay tự xé rách quần áo, chăn màn thì chị và đồng nghiệp thường chia sẻ và học hỏi thêm các kỹ năng để hạn chế thương tích cho các cháu.
Còn với những người bị bệnh tâm thần, khuyết tật, tàn tật, cụ già nằm liệt giường, các chị đều có những phương pháp chăm sóc riêng biệt để những người không được minh mẫn về trí tuệ, tâm hồn và lành lặn về thể chất cảm thấy không tự ti, mặc cảm, thiếu thốn tình cảm khi không có người thân bên cạnh.
Đối với các chị Nguyễn Thị Thương, Bùi Thị Khuyên cũng như nhiều cán bộ, điều dưỡng viên tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình, mỗi ngày đi làm, được dạy dỗ các cháu nhỏ, chăm sóc những người yếu thế là một niềm hạnh phúc vì các anh chị luôn coi họ như là những người thân thiết, ruột thịt của mình.
Chính tình cảm của các các cán bộ điều dưỡng, tình nguyện viên và các nhà hảo tâm đã góp phần vơi đi nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh trong xã hội./.