ĐBQH MÙA A VẢNG: CẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CHÁY RỪNG TRƯỚC NHỮNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐANG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

19/11/2019

Tại Phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 diễn ra trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Mùa A Vàng đề nghị cần phải làm tốt công tác phòng chống cháy rừng trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Đại biểu Mùa A Vảng đưa ra vấn đề chất vấn

Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Mùa A Vảng- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, và một số đại biểu bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo số 41 ngày 17/10/2019 của Đoàn giám sát gửi đến Quốc hội. Các đại biểu đánh giá, giai đoạn 2014-2018, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và đạt được kết quả rõ nét. Nhờ sự nỗ lực đó thiệt hại do cháy trong giai đoạn vừa qua ở nhiều lĩnh vực đã được kiểm soát. Tuy nhiên các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn, theo đánh giá của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, làm nhiệt độ trái đất tăng lên nhanh. Nước ta là một trong các quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Sự gia tăng của nhiệt độ trái đất đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi, đặc biệt là rừng tự nhiên. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ cháy rừng vào mùa hè do nắng nóng kéo dài. Báo cáo giám sát đã phân tích kỹ về nội dung này. Con số 6.462 hecta rừng bị cháy trong giai đoạn 2014-2018, trung bình mỗi năm 1.615 hecta rừng bị cháy. Diện tích rừng thiệt hại mỗi năm không phải quá lớn so với số 230.000 hecta rừng được mỗi năm, nhưng đó là sự thiệt hại không thể tính bằng tiền. Không phải chúng ta đã mất bao nhiêu tiền trong số 5,3 hecta rừng bị cháy mỗi ngày và xa hơn là vấn đề an ninh nguồn nước, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của các khu bảo tồn, quốc phòng và an ninh của quốc gia.

Theo đại biểu Mùa A Vảng, mặc dù trong giai đoạn 2014-2018, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác phòng cháy, trong đó có công tác phòng, chống cháy rừng. Các địa phương hàng năm đều tổ chức diễn tập phòng cháy rừng nhưng khi xảy ra cháy rừng lại loay hoay phương án chữa cháy. Phương châm 4 tại chỗ ở nhiều nơi chưa phát huy được hiệu quả do thiếu phương tiện, trang thiết bị cần thiết, thực tế khi xảy ra cháy rừng thì chủ yếu là lực lượng dân quân địa phương tham gia chữa cháy nhưng lực lượng này hầu như không được trang bị thiết bị bảo hộ. Đại biểu đồng tình cao với các nguyên nhân mà đoàn giám sát đã nhận định, đánh giá đó là sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện phát sinh cháy rừng. Tập quán canh tác nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn lửa còn tiếp diễn khó kiểm soát. Các nguyên nhân này đã được nhận định đánh giá nhiều năm qua ở các cấp, các ngành nhưng chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả. Tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 đồng thời sẽ ban hành nghị quyết đánh giá kế hoạch thực hiện và đề ra các giải pháp để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trong giai đoạn tới.

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, về công tác phòng, chống cháy rừng trong tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, người dân sống ven rừng chủ yếu là người nghèo, phương thức lao động sản xuất giản đơn, lạc hậu và chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của rừng cũng như trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Việc sử dụng nguồn lửa đốt nương rẫy khó kiểm soát sẽ còn tiếp diễn, nguy cơ cháy rừng cao, đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm. Bên cạnh việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang thực hiện rất có hiệu quả như hiện nay, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân ở những địa bàn không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là nhiều nơi ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên thay cho chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân tự thấy việc tham gia phòng, chống cháy rừng là bảo vệ đời sống của họ.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định 07 ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, đến năm 2015 bình quân trong toàn quốc cứ 1.000 hecta rừng thì có một biên chế kiểm lâm, nhưng thực tế không thực hiện được. Như tỉnh Điện Biên, tổng diện tích hiện có khoảng 380.000 hecta. Theo quy định, tổng biên chế hiện nay phải là 380 người, tuy nhiên biên chế kiểm lâm hiện có 207 người còn thiếu 173 người. Nhiều công chức kiểm lâm địa bàn phụ trách 2 đến 3 xã, địa bàn rộng ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Trong điều kiện đang thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, không thể tuyển đủ biên chế kiểm lâm theo quy định, đề nghị rà soát việc thành lập và phát huy vai trò các đội dân phòng, đội phòng cháy, chữa cháy tại thôn bản theo quy định tại Điều 44 của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng, phòng cháy, chữa cháy tại thôn, bản.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, các bộ, ngành trung ương sớm rà soát, sửa đổi quy định còn bất cập, chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền, cấp huyện, cấp xã trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Đại biểu Mùa A Vảng nêu rõ, chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cơ bản đã hoàn thiện, phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại do nguyên nhân chủ quan là chính, 346 người chết do cháy nổ, 6.462 hecta rừng bị thiệt hại trong 4 năm qua. Mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh đã được Đảng đặt ra là mục tiêu lớn chúng ta đang hướng tới. Đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp này; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới góp phần thực hiện chủ trương phát triển bền vững./.

Hồ Hương