ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ RÚT NGẮN CHÊNH LỆCH CHẤT LƯỢNG Y TẾ VÙNG NÔNG THÔN VÀ THÀNH THỊ

15/11/2019

Tham gia trả lời chất vấn một số lĩnh vực liên quan đến ngành y tế tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để rút ngắn chênh lệch chất lượng y tế vùng nông thôn và thành thị.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ngành

Tại Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trương Thị Yến Linh- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau và một số đại biểu cho rằng, nông thôn mới hình thành góp phần nâng cao dân trí và kinh tế của vùng, của quốc gia nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới, chênh lệch giữa các vùng miền còn thể hiện rõ. Chênh lệch về giàu nghèo, chênh lệch về chất lượng giáo dục, y tế giữa vùng nông thôn và thành thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ thêm về vấn đề rút ngắn chênh lệch chất lượng y tế giữa thành thị và nông thôn?

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế nhất trí với những ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh lĩnh vực y tế. Đặc biệt về việc chất lượng các dịch vụ y tế của các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được nhu cầu, đây là vấn đề kể cả quốc tế cũng đang đánh giá Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ là một điểm sáng, cũng như các vấn đề chỉ tiêu về nông thôn mới như có trạm y tế xã đạt chuẩn và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, về các giải pháp để thực hiện khắc phục một số tồn tại hạn chế, trong thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, giải quyết một số mặt như sau: về vấn đề chuyên môn, về vấn đề nhân lực y tế, về vấn đề cơ sở hạ tầng, về vấn đề tài chính.

Theo Bộ trưởng, về chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ trong thời gian qua, bằng các đề án chuyển giao kỹ thuật từ Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và gần đây là tuyến xã, nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện được các kỹ thuật cao mà không chuyển lên trên, giúp cho bệnh nhân được hưởng thụ dịch vụ tại chỗ. Ngành đã đào tạo mô hình bác sĩ y học gia đình cho gần hết các trạm y tế xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tham gia đề án này. Tuy nhiên, để cải thiện, cũng phải có thời gian.

Về nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện chúng ta đã có chính sách đào tạo cử tuyển rất lâu. Đặc biệt gần đây Bộ Y tế có một đề án có tính chất vận dụng cụ thể và thực tiễn Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm nước ngoài, chọn các bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau 6 năm sẽ được đào tạo thêm 2 năm chuyên khoa và về 61 huyện nghèo trong cả nước. Những bác sĩ này về địa phương có thể mổ. Có những bác sĩ một năm gần 1000 ca những huyện như Mường Tè, Mù Căng Chải, kể cả vùng sâu, vùng xa. Những bác sĩ này có một quyền lợi được nhận làm việc ngay từ đầu, nhưng phải nghĩa vụ 3 năm ở các vùng sâu, vùng xa nữa. Bộ có phụ cấp đối với cán bộ công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó của nông thôn mới được phụ cấp 80% lương theo Nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, về y tế thôn bản, nhân viên y tế thôn bản được phụ cấp một lần lương cơ bản so với vùng thành thị chỉ được một nửa. Cô đỡ thôn bản cũng được hỗ trợ nửa hệ số lương và giúp rất nhiều trong vấn đề đồng bào dân tộc thiểu số.

Về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, vùng sâu, xa là những vùng được hưởng rất nhiều trái phiếu Chính phủ để xây dựng mới rất nhiều bệnh viện tỉnh hiện đại, bệnh viện huyện hiện đại và trạm y tế xã thì rất nhiều dự án ODA không còn hoàn lại của EU. Hiện nay Bộ sửa dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới để xây dựng khoảng gần 2.000 trạm y tế ở các tỉnh khó khăn theo mô hình y học gia đình và theo mô hình quốc tế. Đồng thời Bộ đang triển khai 26 mẫu và sắp tới sẽ khai trương để làm mẫu cho việc lan tỏa cả nước.

Về tài chính, hiện nay chúng ta có hai chỉ số bảo hiểm y tế toàn dân đạt và vượt mức. Nhưng riêng những vùng sâu, vùng xa thì nhà nước gần như mua toàn bộ mệnh giá thẻ bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách. Cho nên chính những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì tỷ lệ bảo hiểm lại gần 100%, người dân đến khám ở các cơ sở y tế gần như được chi trả 100%, với người nghèo thì không phải đồng chi trả.

Theo Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đang có chính sách giá dịch vụ tiến tới tính đúng, tính đủ và giúp cho các cơ sở y tế có thể thu được nguồn thu đầy đủ, giúp nâng cao thu nhập. Từ đó, cùng với đổi mới các biện pháp nâng cơ sở xanh - sạch - đẹp, đổi mới cơ chế tài chính, đặc biệt là thái độ, tỷ lệ hài lòng người dân những vùng này đạt trên 80% với các dịch vụ y tế. Bộ Y tế cũng tăng cường mạng lưới bằng việc thực hiện các Đề án và thực hiện Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và niềm tin thì trong một thời gian không xa sự chênh lệch chất lượng y tế giữa vùng khó khăn, vùng thành thị và nông thôn sẽ dần dần được cải thiện./.

Hồ Hương