Hạ tầng giao thông đồng bằng SCL còn nhiều bất cập
- Ắch tắc cục bộ;
- Nhiều đoạn của Quốc lộ 1A qua khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã xuống cấp;
- Ngập sâu nghiêm trọng mỗi khi thủy triều dâng cao;
…Chỉ là một trong rất nhiều vấn đề bất cập trong hạ tầng giao thông hiện nay tại đồng bằng Sông Cửu Long. Cử tri Nguyễn Thị Chi, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua liên tục xuất hiện những điểm nghẽn giao thông do phát sinh nhu cầu đi lại của người dân lớn trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng đã gây ách tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ như hiện nay chưa tạo được sự kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong khu vực và liên vùng, việc giao thương cũng gặp không ít không khó.
Quốc lộ 1 từ miền Tây về TP HCM thường xuyên ùn tắc
Vốn được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, với thế mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước nhưng đồng bằng Sông Cửu Long chưa phát huy được hết thế mạnh của mình. Những năm gần đây, các chỉ số sản xuất kinh doanh được đánh giá là kém hiệu quả hơn so với các vùng trong cả nước, thu ngân sách và đời sống của người dân còn thấp.
Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, theo đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác đúng mức. Đường sắt hầu như chưa có, còn hệ thống đường bộ thì chưa có sự kết nối thông suốt và chưa đồng bộ. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh thành phố nhưng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, trong khi đó có tới 80% khối lượng hàng hóa của vùng này phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu.
Mặc dù, hệ thống giao thông đường thủy được cho là lợi thế của đồng bằng Sông Cửu Long với luồng tuyến giao thông nhiều nhưng phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu. Tuyến đường giao thông huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long phải qua kênh Chợ Gạo, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng ngày càng tăng. Hơn nữa cả khu vực không có cảng lớn để trung chuyển hàng. Do vậy, hàng hóa phải luân chuyển từ cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở vùng Đông Nam Bộ nên thời gian vận chuyển dài hơn, giá thành vận chuyển cao hơn kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Mặc dù đóng góp 20% GDP của cả nước, song việc đầu tư hạ tầng giao thông so với mặt bằng chung và nhu cầu phát triển của khu vực vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỉ đồng (chiếm 12,2% cả nước), giai đoạn 2016-2020 là hơn 65.000 tỉ đồng (chiếm 15,5% cả nước).
Theo TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm chưa hình thành, nhất là các trục kết nối giữa khu vực trên với Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều điểm nghẽn.
Trước yêu cầu cấp thiết phải phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bằng Sông Cửu Long, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội cũng như chất vấn trực tiếp tại hội trường, không chỉ Đại biểu Hồ Thanh Bình mà rất nhiều đại biểu đã có phát biểu tranh luận và câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng như Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho khu vực này. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương phát triển hạ tầng giao thông cho vùng nhưng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, Chính phủ đã quyết định đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng sau 2 năm kể từ khi có chủ trương, dự án này vẫn ì ạch và gần như nằm im tại chỗ dù lượng xe trên quốc lộ Trung Lương - Mỹ Thuận cao nhất cả nước hiện nay.
Trước thực trạng này, việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đang là đòi hỏi và là nhu cầu cấp thiết của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Đồng bằng Sông Cửu Long đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP. HCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa. Đồng bằng Sông Cửu Long hiện có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10.000 tấn đầy tải.
Để phát triển khu vực này, Bộ trưởng cho rằng rất cần một cảng biển nước sâu, đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu. Trong kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100.000 tấn vào khai thác. Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Ở vị trí này, mớn nước sâu khoảng 15m - 16m, không phải nạo vét luồng. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. Khi có cảng, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá.
Bộ trưởng cũng khẳng định, trong quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, đưa hàng hoá ra nước ngoài. Bộ trưởng nhấn mạnh, dự án này rất khả thi và mong các đại biểu sẽ ủng hộ.
Gỡ nút thắt giao thông đồng bằng Sông Cửu Long
Như vậy, mặc dù được Chính phủ quan tâm đầu tư, tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Bất cập này chính là minh chứng vấn đề giao thông đang là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa của vùng. Vậy, cụ thể những khó khăn ở đây là gì? Và những giải pháp Bộ trưởng Bộ giao thông nêu ra trong phần trả lời chất vấn của đại biểu có khắc phục được tình trạng này? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, về vấn đề này.
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Phóng viên: Được biết tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV, trong phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường, Đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đã chất vấn?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Câu hỏi của tôi trùng với câu hỏi của một số đại biểu chất vấn trước đó. Tuy nhiên, tôi muốn làm sâu sắc hơn vấn đề này. Đồng bằng sông Cửu Long có địa thế và điều kiện phù hợp để tổ chức sản xuất và xuất khẩu từ vùng này nhiều sản phẩm, từ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin thậm chí điện tử v.v... Dù được Trung ương và các bộ, ngành quan tâm trong thời gian qua nhưng hạ tầng giao thông vẫn còn đang là một trong những điểm nghẽn trong thu hút các nhà đầu tư đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long, giúp phát triển kinh tế - xã hội và giảm áp lực di dân từ vùng này đến khu vực khác, đồng thời góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách quốc gia. Là Tư lệnh ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng có suy nghĩ và giải pháp gì giúp phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Phóng viên: Ngay sau nhận được câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có phần trả lời trước nghị trường Quốc hội. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có trả lời khá là đầy đủ, đáp ứng cơ bản mong muốn tôi nêu ra. Tôi tâm đắc khi Bộ trưởng đã phân tích và làm rõ về việc làm sao hỗ trợ được vùng trong phát triển giảm đi các chi phí. Trong đó, Bộ trưởng đã đặt vấn đề tổ chức sản xuất kết nối vùng từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ và các tỉnh khác. Việc phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ là điều kiện cơ bản giúp khu vực thu hút được các nhà đầu tư.
Nhưng còn 1 điểm nữa, tôi còn băn khoăn đó là vấn đề giao thông hàng không. Khu vực này có sân bay Cần Thơ, có 3 hãng khai thác, tôi nghĩ còn 1 hướng phát triển sân bay nữa là phục vụ chuyên chở hàng hóa đồng thời nối kết chuyến bay quốc tế để giảm tải khách đến với sân bay Tân Sơn Nhất.
Phóng viên: Đại biểu có đồng tình với giải pháp Bộ trưởng nêu ra? Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Theo tôi, Chính phủ và Bộ trưởng đã thấy được khó khăn, sự cần thiết và đã có nhiều nỗ lực để phát triển giao thông đồng bằng Sông Cửu Long. Trước khó khăn này, Bộ trưởng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục hoàn thiện và phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Về những giải pháp Bộ trưởng đưa ra tôi cơ bản đồng tình và ủng hộ. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn, dành nguồn vốn thích đáng để đầu tư phát triển giao thông đồng bằng Sông Cửu Long để khu vực có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Hồ Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phân tích của Bộ trưởng trong định hướng phát triển giao thông tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đại biểu kỳ vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực, quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải, những giải pháp nêu ra sẽ được triển khai hiệu quả, nhằm nhanh chóng khắc phục những bất cập trong hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, để giao thông không còn là nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực./.