Đường cao tốc Bắc – Nam giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ở Việt Nam
Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội đã Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, địa điểm triển khai bao gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động ngoài ngân sách. Tổng tuyến đường đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ưng nhu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng về việc chọn nhà thầu, nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam như thế nào để không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như đường sắt Cát Linh – Hà Đông thời gian qua.
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàng Mai cho rằng, cần chọn nhà đầu tư có đủ năng lực chuyên môn, chứng minh được trình độ chuyên môn tiên tiến; với giá thành cạnh tranh. Muốn làm được điều này cần phải tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch để mọi nhà đầu tư có năng lực, trình độ đều có thể tham gia, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào giá ban đầu nhưng lại đội vốn, thậm chí kéo dài thời gian.
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, đến thời điểm này Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các công đoạn như: lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà thầu (đối với dự án đầu tư công), nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức đối tác công tư PPP). Bộ Giao thông vận tải cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc Nam theo hình thức đối tác công tư đã được mở thầu, thu hút 60 nhà đầu tư và liên danh các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, 15 nhà đầu tư Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp, liên doanh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp. Theo kế hoạch, trong tháng 9/2019, đơn vị tư vấn tổ chức đánh giá, thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư PPP. Từ tháng 10/2019 đến tháng 01/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và đến tháng 3/2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu và điều kiện để lựa chọn nhà thầu đối với 8 dự án theo hình thức đối tác công tư được thực hiện đúng quy định, với nhiều yêu cầu khắt khe hơn, đó là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Quy định này cao hơn quy định tại Nghị định số 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đặc biệt, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu cao tốc Bắc - Nam phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. Hồ sơ mời thầu sơ tuyển các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam cũng yêu cầu phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, việc đặt ra các yêu cầu cao trong lựa chọn nhà thầu sẽ không xảy ra những vấn đề tương tự như tại Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên với những yêu cầu khắt khe này cũng sẽ là khe cửa hẹp với các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia dự thầu.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết: Về khả năng thi công thì các nhà đầu tư trong nước cũng như nhà thầu trong nước có thể hoàn toàn thi công được với những tiêu chí mà Bộ Giao thông đưa ra thì doanh nghiệp trong nước cũng rất khó tham gia được, trong đó có tiêu chí đầu tiên là vốn chủ sở hữu lên tới 20% và đặc biệt hiện nay, các ngân hàng thương mại đang siết chặt về tín dụng cho vay đối với các dự án BOT.
Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ
Điều 9, Nghị định số 63/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã nêu rõ trình tự thực hiện dự án PPP gồm 5 bước. Đó là: Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án; Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng dự án; Triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình. Quy định là vậy, nhưng để thực hiện nghiêm các quy định về lựa chọn nhà thầu thì vẫn còn nhiều băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây. Nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về tình trạng “thông thầu”, bán thầu vẫn chưa được kiểm soát dứt điểm, nên dù có lựa chọn được nhà thầu tốt nhưng người thực hiện lại kém, không đủ năng lực:
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhu cầu đòi hỏi sớm có đường cao tốc Bắc Nam là cần thiết nhưng xây dựng như thế nào thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là về luật pháp, trong đó Luật Đấu thầu có những kẽ hở nếu không quản lý tốt thì rất dễ bị lợi dụng, do đó sớm cần có giải pháp để tránh tình trạng thầu thật nhưng làm giả, dẫn tới hiện tượng như đội vốn, kéo dài thời gian thi công.
“Tôi đã chứng kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các công trình hạ tầng của một tập đoàn tư nhân trong nước. Vậy tại sao họ làm nhanh như vậy, chất lượng tốt như thế mà giá thành lại rẻ? Tôi hy vọng Thủ tướng sẽ phất được ngọn cờ này phát triển? Tôi đã thấy ý chí ở nhiều doanh nghiệp cho thấy nếu tin cậy giao phó, biết cách tổ chức tốt thì hoàn toàn họ có thể huy động được sức dân cùng với các doanh nghiệp thi công các công trình hạ tầng giao thông ở nước ta”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Giải trình về những băn khoăn của nhiều đại biểu tại, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên Chính phủ thực hiện theo 3 nguyên tắc nhằm đáp ứng yếu tố kinh tế cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: “Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu Dự án đường cao tốc Bắc-Nam
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam có giá trị lớn và tầm quan trọng đặc biệt. Do đó vẫn có những lo ngại về việc đấu thầu không minh bạch, tận dụng kẽ hở chính sách, chọn nhà thầu không đủ năng lực hoặc thi công không hiệu quả sẽ có tác động xấu tới phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để chọn được nhà thầu tốt, thì khâu đấu thầu phải minh bạch và cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho người dân thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra, khuyến khích các đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội nghề nghiệp có phản biện về hiệu quả của dự án.
Theo quy định trình tự triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phải căn cứ vào rất nhiều quy định của các luật, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan. Quy định là vậy nhưng việc thực thi trong thực tế đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán, cân nhắc, nghiêm túc, trên cơ sở công khai, minh bạch. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017 về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020. Hiện dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm làm sao lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực về chuyên môn và tiềm lực kinh tế? Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII
- Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Lựa chọn nhà thầu rất quan trọng trong việc thực thi dự án. Một nhà thầu được lựa chọn chính xác thì sẽ đảm bảo tính khả thi và sự thành công của dự án rất cao. Từ kinh nghiệm của các dự án vừa qua, tôi cho rằng lựa chọn nhà thầu cần chú ý đến năng lực công nghệ vì công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thi công công trình giao thông trên thế giới phát triển rất nhanh. Nếu năng lực công nghệ không tốt, việc ứng dụng công nghệ lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và chất lượng của dự án.
- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Phải làm sao để các dự án giao thông có hiệu quả thực sự là vấn đề đặt ra mà tôi nghĩ rất nhiều người quan tâm, đặc biệt Chính phủ cần quan tâm. Làm thế nào trong một dự án giao thông tương xứng với trách nhiệm và số tiền bỏ ra, mà đây là tiền của dân. Dù kinh phí có đi vay ODA thì cuối cùng vẫn là người dân phải trả. Thứ hai, về thời gian thi công cần đúng tiến độ, không kéo dài. Đồng thời dự toán làm sao chuẩn xác, bởi thời gian qua có nhiều công trình lớn đội vốn, kéo dài thời gian gây thất thoát ngân sách. Để giải quyết vấn đề này vẫn chủ yếu là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
- Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Thời gian vừa qua có rất nhiều chuyện chúng ta làm chưa tốt, cho nên lòng dân cảm thấy chưa thoải mái, điển hình như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội. Theo tôi đây là bài học cần rút kinh nghiệm, sửa chữa cho Dự án Đường cao tốc Bắc Nam, trong đó cần cải tiến, đổi mới nhiều hơn nữa trong vấn đề nghiên cứu, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, các vấn đề trong quá trình thi công.
Ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Phóng viên: Để đảm bảo đúng quy trình lựa chọn nhà thầu, theo đại biểu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện các biện pháp gì?
- Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Phải có cam kết chặt chẽ, tránh sơ hở mà sau này khó kiểm soát, hoặc rơi vào thế bị động. Điều này đòi hỏi hồ sơ mời thầu cũng như quá trình xét thầu cần đảm bảo nghiêm ngặt về các tiêu chí, yêu cầu. Ngoài các yêu cầu về công nghệ, vốn thì cần tính đến các yêu cầu khác về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng.
- Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Thời gian qua có hiện tượng là khi đấu thầu thì nhà thầu cho thấy năng lực tài chính rất lớn và trình độ công nghệ tiên tiến. Nhưng đến lúc thi công lại chậm tiến độ do thiếu vốn và đội vốn kéo dài. Theo tôi, Chính phủ cũng như Bộ Giao thông vận tải phải minh bạch toàn bộ các tiêu chí đấu thầu về mặt kỹ thuật cũng như về thời gian. Thứ hai là, công khai năng lực trình độ chuyên môn, nhân lực, công nghệ của các nhà thầu, đặc biệt quan tâm đến khâu chọn thầu và chấm thầu, bởi đây là khâu đặc biệt quan trọng. Tôi đề nghị khâu này giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông chịu trách nhiệm và cam kết trước Chính phủ về lựa chọn nhà thầu.
- Ông Vũ Mão, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đường cao tốc Bắc Nam là vấn đề được dư luận quan tâm và bàn luận sôi nổi. Nguyện vọng của nhân dân là làm sao chọn được nhà thầu có thực lực, thực chất, đảm bảo được tiến độ công việc và chất lượng. Nhân dân rất quan tâm, có nhiều kiến nghị đề nghị cơ quan có trách nhiệm phải xử lý vấn đề này. Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần lắng nghe, thông báo về tiến độ cho nhân dân biết và đóng góp ý kiến. Vì tiền là tiền của dân, làm công trình để phục vụ nhân dân thì cần phải lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn để tìm những giải pháp tốt nhất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội có thể thấy, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam là công trình giao thông quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội cho tới an ninh quốc phòng. Năng lực, kinh nghiệm, uy tín của các nhà thầu, các tư vấn có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, chất lượng các công trình giao thông. Vì thế, khi xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để lựa chọn nhà thầu cho dự án cũng phải có các tiêu chí mang tính đặc biệt hơn, kiểm soát một cách chắc chắn và cẩn trọng hơn. Việc lựa chọn, xem xét nhà thầu không chỉ dựa trên quan điểm đảm bảo kinh phí, có kinh nghiệm, có kỹ thuật là đủ, mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định về chính trị xã hội, giữ vững vai trò chủ động trong quá trình đầu tư.
Cử tri và nhân dân cả nước cũng kỳ vọng, với trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước và là cơ quan trực tiếp được giao quản lý các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ động thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án./.