Nghị quyết 120 hướng tới phát triển bền vững ĐBSCL
Nghị quyết 120 hướng tới phát triển bền vững ĐBSCL
Nước biển dâng cao, cùng với sự thay đổi dòng chảy tại các con sông đã khiến tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây diễn ra phổ biến, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung bình mỗi năm sạt lở lấy đi 500 héc ta đất vùng cửa sông, cửa biển, ven sông. Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hơn 500 điểm sạt lở với chiều dài gần 800km, trong đó có 57 điểm đặc biệt nguy hiểm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, dù được xác đinh là có vị trí chiến lược quan trọng nhưng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy tác dụng.
Thực tế này đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngày 17 tháng 11 năm 2017 ra đời đã đưa ra định hướng chiến lược phát triển đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng có sự điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm.
Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo từng lĩnh vực và của địa phương. Nhằm xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu, ngày 18 tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở... Vào tháng 9 mới đây, trong cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nhiều địa phương chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động trên tinh thần Nghị quyết 120
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, dù chương trình hành động tổng thế mới được công bố vào tháng 4/2019, nhưng trước đó một số địa phương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện trên tinh thần của Nghị quyết 120 là tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh đó phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội. Đến nay, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng sinh thái nuôi tôm nước lợ, phát triển giống lúa có khả năng chịu mặn cao, phát triển giống cây ăn quả thích ứng với hạn hán phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu....
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120 vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại đồng bằng sông Cửu Long. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự đổi mới theo tinh thần Nghị quyết, vẫn còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ trung ương. Một số nơi còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, chưa huy động được nhiều sự hỗ trợ, chung tay của cộng đồng và tổ chức trong và ngoài nước cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; Sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng chưa thường xuyên.
Tại buổi làm việc với các bộ, ngành về việc triển khai Nghị quyết 120 vào ngày 19/02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai Nghị quyết, kể cả trong tư duy và hành động, còn nhiều vấn đề đặt ra, thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện Nghị quyết. Tư tưởng xuôi chiều, lãng quên, chấp nhận cái cũ, không chịu đổi mới tư duy. Thủ tướng đánh giá không ít bộ, ngành, địa phương chưa tích cực triển khai Nghị quyết này, trong khi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn Đại biểu
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Nghị quyết số 120 của Chính phủ đã và đang tạo ra một kỳ vọng rất lớn cho chính quyền và người dân đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên việc triển khai các chương trình còn chậm. Trước tình trạng này, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đã đưa vấn đề này ra chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Ngày 18/7/2018 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản số 317 trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân.
Công văn nêu rõ: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước, tuy nhiên cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là: tình trạng khô hạn kéo dài, triều cường, sạt lở bờ biển, mất đất sản xuất, xâm nhập mặn gia tăng... gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng, đe dọa đến các mục tiêu phát triển bền vững đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Nhằm giải quyết các vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long căn cơ, bài bản, kết hợp giữa các biện pháp trước mắt và các giải pháp lâu dài, tại Công văn số 13449 ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120, dự kiến sẽ ban hành vào Quý III năm 2018. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ban hành Kế hoạch chi tiết, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; chủ động bố trí kinh phí để thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc triển khai thực hiện để đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực huy động từ doanh nghiệp xây dựng các tuyến đê mềm để mở rộng đất đai, kết hợp phát triển kinh tế.
Một số ưu tiên chính trong việc triển khai Nghị quyết thời gian tới
Nhóm cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội:
- Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;
- Hoàn thiện chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản;
Nhóm nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường:
- Bố trí vốn tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường bộ đã được xác định trong quy hoạch mang tính chất vùng và liên vùng; tăng cường giao thông đường thủy;
- Về các công trình thủy lợi: Rà soát quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai phù hợp với bối cảnh mới, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất, trong đó ưu tiên các công trình chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phòng chống lũ.
- Về các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu: Tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao và các dự án bảo vệ môi trường; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp với xây dựng nông thôn mới;
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Phát triển đồng bằng sông Cửu Long hướng tới bền vững
Với quyết tâm tạo sự phát triển toàn diện và đột phá trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL, cũng như định hướng chiến lược phát triển phù hợp cho toàn vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và tác động ngày càng lớn của các yếu tố nội, ngoại sinh trong nền kinh tế đến sự phát triển của vùng, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù Nghị quyết đã tạo ra bước đột phá nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ về nội dung này:
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, là một trong nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Xin đại biểu cho biết nội dung chất vấn của đại biểu tập trung ở khía cạnh nào?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tôi có chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xoay quanh việc thực hiện phát triển bền vững đối với Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể là việc triển khai Nghị quyết 120 của Chính Phủ còn chậm.
Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xung quanh vấn đề Đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Đối với chất vấn của tôi tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản trả lời, giải thích cũng như nói rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với đồng bằng sông Cửu Long cũng như thực hiện Nghị quyết 120. Tôi thấy Phó Thủ tướng đã trả lời thỏa đáng và nếu chúng ta tổ chức thực hiện tốt như giải pháp Phó Thủ tướng đưa ra thì sẽ tạo ra hiệu quả cao.
Phóng viên: Năm 2017, Chính phủ có Nghị quyết số 120 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Quan điểm của đại biểu về tiến độ triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Sau khi có Nghị quyết 120 về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, các bộ ngành cùng các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải cụ thể hóa bằng chương trình hành động và phải đề ra được quy hoạch, kế hoạch tích hợp của cả vùng thì mới có thể triển khai được tốt Nghị quyết 120 này. Tuy nhiên, chương trình hành động cụ thể đưa ra vẫn còn chậm. Các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; quy định về điều phối, liên kết hợp tác nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa hiệu quả; các hoạt động điều tra cơ bản, tích hợp dữ liệu liên ngành còn chậm và chưa tổng thể, đồng bộ và chưa huy động sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân cho đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp của Chính phủ đưa ra, đại biểu có kiến nghị, đề xuất gì để đồng bằng sông Cửu Long sớm đạt được mục tiêu theo đúng Nghị quyết 120 của Chính phủ?
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: Vùng đồng bằng sông Cửu Long giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp - thủy sản - công nghiệp - du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, nơi đây cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề diễn biến của thời tiết cực đoan và những tác động tiêu cực từ con người. Thực tế này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải thực sự quyết tâm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, trong đó việc xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng; Đẩy mạnh liên kết vùng đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt mới đây, Chính phủ có chủ trương dành nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, đây là tín hiệu tích cực song theo tôi yêu cầu làm sao cho bền vững, tức là có sự đầu tư đồng bộ, đồng bộ với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giải quyết được hạ tầng giao thông.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, nơi sinh sống của 20 triệu người dân. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Hi vọng, với những quyết sách của Chính Phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương thực sự vào cuộc hơn nữa để đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển thực sự bền vững như mục tiêu của Nghị quyết 120 đã đề ra./.