Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Ngày 05/08/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 7225/BGTVT-VT trả lời chất vấn của đại biểu. Tại văn bản trả lời nêu rõ:
Trong thời gian qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải thường xuyên quan tâm, yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường quản lý công tác điều phối đảm bảo đúng giờ cất, hạ cánh các chuyến bay theo quy định. Đồng thời chỉ đạo Cục HKVN giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với vi phạm của các hãng hàng không trong việc trì hoãn để dồn chuyến hoặc chậm trễ chuyến bay làm ảnh hưởng đến công việc, gây thiệt hại kinh tế của người dân. Theo đó, Cục HKVN đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, các hãng hàng không trong công tác điều phối bay, đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách. Đã xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường cho khách hàng theo quy định đối với các hãng hàng không vi phạm trì hoãn, chậm hoặc hủy chuyến bay.
Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2019 vẫn còn xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến… làm xấu hình ảnh của ngành Hàng không Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận và xã hội. Điển hình là hãng hàng không Vietjet,… thường xuyên vi phạm tình trạng chậm, hủy chuyến bay ở mức độ khác nhau, gây bức xúc cho hành khách và dư luận xã hội.
Theo báo cáo của Cục KHVN, tháng 6 năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 30.182 chuyến bay, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 25.488 chuyến, chiếm tỷ lệ 84,4%, chậm chuyến 4.694 chuyến bay, chiếm tỷ lệ 15,6%, hủy chuyến 93 chuyến bay, chiếm 0,3%. 6 tháng đầu năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 153.559 chuyến, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130.208 chuyến, chiếm tỷ lệ 84,8%, chậm chuyến 23.351 chuyến bay, chiếm tỷ lệ 15,2%, hủy chuyến 274 chuyến bay, chiếm 0,2%.
Việc xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm trước tiên là của hãng hàng không; sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ chuyến bay. Trong công tác quản lý nhà nước, việc để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến trách nhiệm trước tiên thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan tham mưu, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phụ trách lĩnh vực hàng không.
Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì nhiều cuộc họp về chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không; xét duyệt cấp slot của Cục Hàng không Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương tập trung triển khai một số nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật kết hợp với việc tiếp tục cải cách hành chính. Rà soát, tổng hợp các tồn tại bất cập để đề xuất, bổ sung, sửa đổi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ hàng không, khắc phục tình trạng chậm, dồn, hủy chuyến, tăng cường chế tài xử lý...
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghiệp và các cơ sở cung cấp dịch vụ, cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không; đẩy mạnh các hình thức đầu tư để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ hàng không, trong đó, tập trung vào 2 dự án quan trọng là Nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất và CHKQT Long Thành.
Thứ ba, các đơn vị ngành hàng không phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị quân sự liên quan chủ động nghiên cứu, áp dụng chính sách và phương thức quản lý, sử dụng vùng trời linh hoạt; chủ động phân tích, đánh giá tình hình không lưu, nhu cầu và yêu cầu hoạt động bay để có giải pháp tăng năng lực thông qua của vùng trời đường dài, đường HK và khu vực sân bay.
Thứ tư, các hãng hàng không tăng cường các giải pháp công nghệ như kios check-in, mobile check-in nhằm giảm lượng khách đến quầy làm thủ tục….; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai thực hiện hàng loạt các dự án cải tạo, nâng cấp Nhà ga, sân đỗ máy bay, sửa chữa đường băng, đường lăn; tổ cức lại các khu vực dịch vụ phi hàng không trong Nhà ga; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nâng cấp trang thiết bị, áp dụng dẫn đường khu vực (RNAV) và dẫn đường theo tính năng (PBN). Đặc biệt, các đơn vị ngành hàng không hoàn thiện, áp dụng hệ thống phối hợp, ra quyết định tại sân bay (A-CDM) để chính thức áp dụng vào cuối năm nay.
Thứ năm, Cục HKVN rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phục vụ hành khách, bồi thường ứng trước không hoàn lại theo hướng tăng quyền lợi của hành khách; tăng cường các chế tài trong quy chế điều phối slot (thu hồi, không cấp mới… gắn liền với các chỉ số OTP) trong trường hợp chậm, hủy chuyến do lỗi chủ quan của các hãng hàng không. Tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hành khách bị từ chối vận chuyển, chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài theo quy định của pháp luật./.