ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT VỀ SAI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

11/10/2019

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã chất vấn đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm trong công tác quản lý khai thác khoáng sản? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước về khoáng sản như thế nào? Giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Ngày 13 tháng 09 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 4545/BTNMT-ĐCKS trả lời chất vấn của Đại biểu. Tại văn bản trả lời nêu rõ:

Thực trạng: Khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là tài sản hữu hình nhưng hữu hạn, hầu hết không tái tạo nên phải được khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đất nước trước mắt và lâu dài. Hiện nay, trung bình mỗi năm ngành khai khoáng cung cấp trên 100 triệu tấn đá vôi xi măng, trên 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường, gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp; trên 40 triệu tấn than sạch, trên 3 triệu tấn quặng sắt v.v.... đáp ứng cơ bẳn nhu cầu nguyên liệu khoáng cho các ngành kinh tế, hàng năm, giá trị sản lượng (không kể dầu khí) khoảng 4-5% tổng GDP, đóng góp trực tiếp cho ngân sách (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) khoảng 16-20.000 tỷ đồng, tạo ra giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần trong chuỗi sản xuất tiếp theo. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, đến nay tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” tại một số địa phương, cấp không có quy hoạch tỏng giai đoạn trước năm 2011 đã được khắc phục, hàng năm số lượng giấy phép khai thác cấp mới chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước năm 2010; ngành công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo “bề rộng” sang “chiều sâu”, khai thác khoáng sản đã gắn với địa chỉ chế biến sâu khoáng sản.

Việc cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian vừa qua tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, trong đó tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các doanh nghiệp chỉ được phép khai thác khoáng sản khi đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyết định thu hồi đất và cho thuê đất.

Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập; khai thác khoáng sản chưa thật sự hiệu quả; còn tình trạng doanh nghiệp kê khai chưa đúng sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, để khắc phục tình trạng này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các Thông tư: số 02/2013/TT-BTNMT ngày 01 tháng 3 năm 2013 Quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 Quy dịnh quy trình, phương pháp xác định và các biểu mẫu thống kê sản lượng khai thác khoáng sản thực tế. Để khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản sẽ tăng mức xử phạt cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Những hạn chế trong hoạt động khoáng sản trong thời gian qua có một số nguyên nhân:

Một số quy định mới của Luật khoáng sản lần đầu thực hiện nên ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm (đấu giá, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản);

- Một só đỊa phương chưa kiên quyết khi xử lý người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương trong ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, nhất là khu vực giáp ranh địa giới hành chính; chưa xử lý kiên quyết, kịp thời đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép; (3)Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến nhằm thu hồi tối đa, nâng cao giá trị khoáng sản sau khai thác; phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, rất nhỏ, năng lực hạn chế nên chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt trách nhiệm xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, trách nhiệm phục hồi môi trường sau khai thác.

Về thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 07 Nghị định (02 Nghị định thay thế, 02 Nghị định sửa đổi, bổ sung 1 số điều), 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 04 thông tư, thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan. Theo đó, đã quy định những vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản, đó là:

- Quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc lập sổ sách, kê khai sản lượng khai thác, phải đo đạc thể tích đã khai thác;

- Quy định xử phạt các hành vi khai thác gây thất thoát khoáng sản, không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định đối với các hành vi khai thác gây thất thoát khoáng sản, ô nhiễm môi trường.

Một số giải pháp trong thời gian tới:

- Đánh giá tác động chính sách, quy định của Luật khoáng sản; các văn bản hướng dẫn để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua;

- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, nhất là người đứng đầu chính quyền địa phương nơi có khoáng sản được khai thác;

(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu thiết lập tài khoản quản lý “tài sản công” là khoáng sản để hạch toán chung vào nền kinh tế theo yêu cầu của Nghị quyết 24 –NQ/TW của BCH Trung ương; triển khai “Đề án thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản trên phạm vi toàn quốc giai đoạn đến hết năm 2018” để đánh giá đúng thực trạng nguồn lực tài nguyên khoáng sản làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch khoáng sản giai đoạn đến 2030 và đến năm 2050;

- Bộ Công Thương: đánh giá hiện trạng công nghệ, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ lộ trình Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác –EITI để quản trị tốt hơn, hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản;

- Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy hoạch khoáng sản, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện theo quy định của Luật khaongs sản và Luật quy hoạch năm 2017;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ khai thác của các doanh nghiệp để quản lý chặt chẽ, nhất là số liệu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế./.

Lê Anh