Hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và thất thoát lãng phí
Theo thống kê của bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 có tới 1.609 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư. Với các dự án này, chủ đầu tư đều nêu lí do như bố trí vốn không kịp thời, chậm giải phóng mặt bằng... Trong đó, đáng chú ý là có gần 150 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực. Số dự án chậm tiến độ này đã tăng gần 150 dự án so với con số của năm 2016.
Bên cạnh đó, 2.605 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh vốn đầu tư (979 dự án) và điều chỉnh tiến độ đầu tư (936 dự án). Tiêu biểu về đội vốn, chậm tiến độ là các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay các dự án điện gió ở Ninh Thuận, sông Sào Khê ở Ninh Bình.
Hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và thất thoát lãng phí
Ngoài số lượng dự án chậm tiến độ, sau khi kiểm tra hơn 12.800 dự án và đánh giá 18.000 dự án, cơ quan nhà nước còn phát hiện gần 850 dự án thất thoát lãng phí. Số lượng dự án lãng phí chỉ được phát hiện khi cơ quan thanh tra, quyết toán, kiểm toán làm việc.
Dù đã qua nhiều bước thẩm định trước khi đầu tư nhưng cơ quan nhà nước phát hiện tới 225 dự án vi phạm quy định thủ tục đầu tư, 22 dự án vi phạm quản lý chất lượng. Có tới gần 300 dự án phải ngừng thực hiện.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước nêu nhiều bất cập trong các dự án đầu tư công như quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn.
Cơ chế quản lý còn bất cập
Đánh giá về thực trạng chậm tiến độ, lãng phí của dự án đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công còn dàn trải, thất thoát lãng phí vẫn còn lặp lại. Trong đó có lãng phí từ khâu phê duyệt dự án, khâu thiết kế, bố trí vốn và thực hiện dự án.
Không chỉ có vậy, thực trạng đầu tư còn ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương. Việc huy động vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư (PPP) còn nhiều bất cập, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng.
Trong khi đó, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình, dịch vụ công... chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cơ chế quản lý, cơ chế đánh giá của các dự án đầu tư công hiện còn đang có lỗ hổng
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng hầu hết đầu tư công hiệu quả thấp hơn, thời gian kéo dài hơn so với dự án đầu tư của tư nhân. Điều này thể hiện cơ chế quản lý, cơ chế đánh giá nói chung của các dự án đầu tư công của chúng ta hiện nay còn đang có lỗ hổng. Nếu như chúng ta có cơ chế quản lý ,có các tiêu chí đánh giá thực sự chặt chẽ, rõ ràng thì kể cả người có mục tiêu, có động cơ lợi ích nhóm cũng không thể lợi dụng để lôi kéo các dự án phục vụ cho lợi ích nhóm
Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu nhận định các phản ánh về các dự án đầu tư công bị chậm tiến độ thời gian qua là đúng thực tế đang diễn ra. Các Đại biểu cho rằng vấn đề này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không loại trừ động cơ lợi ích nhóm.
Có thể thấy, đầu tư công kém hiệu quả kéo dài trong nhiều năm khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, gia tăng nhiều hệ quả tiêu cực, như: tăng sức ép lạm phát, mất cân đối ngành, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, và thâm hụt ngân sách, nợ công quốc gia, thậm chí gây ra hiệu ứng lấn át đầu tư khu vực tư nhân. Điều này đặt ra yêu cầu thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ để góp phần nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí và chống tham nhũng trong đầu tư công.
Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ngày 24/08/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản số 1856 trả lời vấn đề đại biểu Thạch Phướng Bình đã có văn bản chất vấn, trong đó nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong đầu tư công như:
Thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện; chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công dẫn đến việc các bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công. Trong khi đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, còn một số Bộ, ngành trung ương và địa phương phê duyệt dự án chưa đảm bảo đầy đủ các quy định hiện hành. Không chỉ có vậy, trong công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn tình trạng một số dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn.
Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp phải điều chỉnh lại quyết định đầu tư và tổng mức đầu tư gây khó khăn trong việc cân đối vốn và làm chậm tiến độ thực hiện dự án và ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, chất lượng của các loại quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết đồng bộ gây lãng phí và kém hiệu quả đầu tư đối với một số dự án hạ tầng.
Ngoài ra, việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, dẫn đến phải bổ sung, sửa đổi phương án phân bổ vốn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch đầu tư phát triển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức; xử lý vi phạm không nghiêm, nên không những gây ra nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Tại văn bản trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới như; Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Khẩn trương rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư. Tăng cường công tác rà soát để đảm bảo các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch, cùng với đó là quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong đầu tư công trung hạn. Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của nền kinh tế theo cơ chế thị trường, cũng như đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Có thể thấy, ngoài những nguyên nhân do thiếu nguồn vốn cũng như trong công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn tình trạng một số dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Chính điều này, trong nhiều trường hợp phải điều chỉnh lại quyết định đầu tư và tổng mức đầu tư gây khó khăn trong việc cân đối vốn và làm chậm tiến độ thực hiện dự án và ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Kéo theo đó là việc lúng túng và hành lang pháp lý không rõ ràng cũng như không có những giải pháp mang tính dài hạn và sử dụng nguồn lực một cách lãng phí trong các dự án Đầu tư công. Đặc biệt không loại trừ trong đó có động cơ lợi ích nhóm cũng chính là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới thực trạng trên. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh:
Đại biểu Thạch Phước Bình: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Vậy xin đại biểu cho biết nội dung chất vấn của Đại biểu tập trung ở những khía cạnh nào?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Trong câu hỏi chất vấn tôi quan tâm tới hai khía cạnh. Thứ nhất thực trạng đầu tư công hiện nay như thế nào, đặc biệt theo số liệu cho rằng đầu tư công không hiệu quả. Thứ hai, trước thực trạng chỉ số đầu tư công hiệu quả kém thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới.
Phóng viên: Ngày 24/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chính thức trả lời. Với vai trò lại Đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xung quanh vấn đề mà Đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Qua nghiên cứu trả lời của Phó Thủ tướng tôi đánh giá cao và tán thành phần trả lời của Phó Thủ tướng. Trong văn bản trả lời, Phó Thủ tướng đã cho thấy thực trạng đầu tư công hiện nay, phân tích nguyên nhân đồng thời đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới mà tôi nhận thấy rất cụ thể. Tôi mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ triển khai những giải pháp này và cùng với việc thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì sẽ tháo gỡ điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phóng viên: Trong nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến cho đầu tư công kém hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Trong thời gian qua, có một số dự án đầu tư công còn dàn trải và một số đầu tư chưa đáp ứng được mục tiêu phát triển ngành, phát triển địa phương. Công tác kiểm tra, thanh tra giám sát trong vấn đề đầu tư còn chưa kịp thời nên hiệu quả ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Những bất cập này một phần do việc ban hành chủ tương chính sách có những lúc còn chưa phù hợp dẫn đến nguồn lực cho đầu tư công còn hạn chế làm cho hiệu quả đầu tư công còn thấp.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện có tình trạng tồn tại lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án đầu tư công cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí rất lớn. Đại biểu có bình luận gì trước ý kiến của dư luận?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Dư luận cho rằng có lợi ích nhóm, có tham nhũng, có tiêu cực. Tuy nhiên qua thanh tra kiểm tra, đặc biệt là cơ quan kiểm toán tiến hành kiểm tra thì tôi thấy rằng có hiện tượng tiêu cực ở trong này do đầu tư không đáp ứng được mục tiêu yêu cầu phát triển của ngành, của địa phương dẫn đến đầu tư dàn trải, vốn, nguồn lực chưa đảm bảo. Do vậy tôi cho rằng có hiện tượng lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực nhưng đó là hiện tượng chứ không phải tất cả các dự án đều như vậy.
Phóng viên: Thời gian qua, hàng loạt các sai phạm trong đầu tư công đã bị phát hiện, tuy nhiên, công tác xử lý vẫn còn chưa tương xứng so với hậu quả gây ra. Thậm trí, có những sai phạm lại quy trách nhiệm cho tập thể, còn cá nhân, người đứng đầu lại chỉ nhận hình thức “rút kinh nghiệm”? Phải chăng chế tài xử phạt của chúng ta còn yếu và thiếu trong lĩnh vực này thưa đại biểu?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Thời gian qua đúng là có hiện tượng xử lý trong tập thể, còn cá nhân ít xử lý. Vấn đề này trong phần trả lời của Phó Thủ tướng cũng đã đưa ra. Tôi đề xuất thời gian tới, qua thanh tra, kiểm tra đề nghị các ngành chức năng tập trung xử lý nghiêm kể cả tập thể và kể cả cá nhân để làm sao việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt là phân cấp mạnh và phát huy vai trò người đứng đầu trong vấn đề xử lý để hạn chế tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để có những giải pháp căn cơ, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí và chống tham nhũng trong đầu tư công”?
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Tôi đề nghị chúng ta cố gắng tập trung đặc biệt là triển khai dự án đầu tư công là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Chúng ta mở rộng đối tượng và thu hút các nguồn vốn kể cả nguồn vốn khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài chứ không chỉ vốn ngân sách nhà nước để chúng ta huy động mọi nguồn lực trong đầu tư công nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó cần tăng cường phân cấp, phân quyền, đặc biệt là phân cấp, phân quyền cho những nhà quản lý trong vấn đề đầu tư công. Về mặt thủ tục trong đầu tư công tôi đề nghị hướng tới chúng ta cố gắng tập trung tháo gỡ vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành trong đầu tư công. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm để việc thực hiện đầu tư công đúng theo quy định của pháp luật và tránh trường hợp bị lợi dụng để rồi gây thất thoát lãng phí trong đầu tư công.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Từ diễn biến thực tế cũng như ý kiến ĐBQH Thạch Phước Bình có thể thấy những bất cập, hạn chế trong đầu tư công một phần là do phân cấp trong quản lý đầu tư công vẫn đang là một trong những hạn chế lớn của hoạt động Đầu tư công. Có hiện tượng phân cấp quá mức trong công tác chuẩn bị, xem xét, phê duyệt danh mục dự án Đầu tư công ở cấp địa phương, nhất là cấp tỉnh. Tình trạng phê duyệt chủ trương vượt quá khả năng bố trí vốn, cũng như chờ đợi vốn từ trung ương mà không được kiểm soát đã và đang tồn tại. Hơn nữa, một số bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ./.