Xã Danh Thắng huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là đơn vị hành chính cấp xã, cấp chính quyền gần dân nhất, nơi trực tiếp tổ chức triển khai, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Hàng ngày, các cán bộ công chức, viên chức ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang luôn nỗ lực giải quyết khối lượng công việc rất lớn, thậm chí phải làm việc ngoài giờ để phục vụ nhân dân. Cơ chế "một cửa”, "một cửa liên thông” đã được xã Danh Thắng triển khai hiệu quả, tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Ông Nguyễn Đức Hậu, người dân xã Danh Thắng chia sẻ, từ khi xã triển khai thực hiện cơ chế 1 cửa, chúng tôi đến bộ phận một cửa được giải quyết thủ tục nhanh chóng, thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Danh Thắng, cho biết: xã Danh Thắng đã triển khai nhiều phương án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sắp xếp vị trí việc làm phù hợp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền ở cơ sở.
Đối với cán bộ, công chức xã: tổng số cán bộ, công chức cho một xã hiện nay là từ 21 đến 25 người. Trong đó, cán bộ đoàn thể đã chiếm 5 vị trí, cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) từ 4 đến 6 vị trí, còn lại chỉ có 10 đến 14 vị trí là công chức chuyên môn. Cơ cấu này chưa hợp lý bởi số lượng cán bộ đoàn thể làm phong trào nhiều, trong khi công chức chuyên môn làm nghiệp vụ ít, lại có quy định về khung số lượng cán bộ, công chức ở những xã có điều kiện về diện tích, dân số, đặc thù địa phương khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức xã phải tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp đặc thù từng địa phương.
Cũng với mục tiêu tinh giản biên chế, sắp xếp lại các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, thời gian qua, Phòng Nội vụ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai sát nhâp Trung tâm Văn hóa với Đài truyền thanh huyện thành một cơ quan; sát nhập 3 đơn vị sự nghiệp gồm Trung tâm Khuyến nông, Trạm Thú y và Trạm bảo vệ thực vật thành một đầu mối; đồng thời tiến hành sát nhập nhiều cơ sở giáo dục, đảm bảo mỗi xã có 3 cấp học độc lập.
Thực tế việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, từng bước giải quyết tình trạng cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức vẫn còn tình trạng áp dụng máy móc, cơ học hay tinh giản để lấy thành tích đã dẫn đến những phản ứng dữ dội từ phía người lao động, đặc biệt trong ngành giáo dục. Đây cũng là một trong những bất cập khiến 1 số quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương không còn phù hợp với thực tiễn.
Thực hiện Nghị quyết số 613 ngày 13/12/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Tổ chức Chính phủ; sửa đổi bổ sung 28 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo các vấn đề đã được định hướng trong Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị; khắc phục các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Bố cục dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 Điều, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước.
Trong phiên thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ, đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật đồng thời các đại biểu tập trung cho ý kiến về một nội dung trọng tâm của dự thảo luận như: Vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; giảm số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 02 người xuống còn 01 người và tăng số Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại II từ 01 người lên 02 người; cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân; hoạt động của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính;…
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để chỉnh lý dự thảo Luật. Đối với những quy định còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự án Luật sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Như vậy, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và yêu cầu thực tiễn. Vậy dự thảo Luật trình Quốc hội liệu đã đáp ứng yêu cầu sửa đổi? đâu là vấn đề mấu chốt cần chú trọng trong lần sửa đổi này? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về vấn đề này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Phải nói rằng, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đây là rất kịp thời và cần thiết. Việc sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của cán bộ công chức, viên chức và cử tri cả nước nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực hoạt động của Bộ máy Nhà nước hiện nay. Trong thời gian qua, bên cạnh những điểm tích cực thì Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã bộc lộ nhiều quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Do đó việc sửa đổi sẽ giúp khắc phục những hạn chế này đồng thời kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Phóng viên: Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một điều Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi đánh giá rất cao dự án Luật sửa đổi Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7. Nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi lần này tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước. Đăc biệt, trong nội dung sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương lần này có những quy định rất cụ thể cho địa phương.
Theo quan điểm của tôi, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền: cần gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp và việc bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực cho các địa phương. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn khái niệm, chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.
Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu đâu là vấn đề mấu chốt cần quan tâm sửa đổi trong lần này trong dự thảo Luật?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Vấn đề mấu chốt quan trọng cần quan tâm trong lần sửa đổi này theo tôi là việc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện cho tốt. Bên cạnh đó là việc quy định về hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Trong dự thảo Luật sửa đổi đề nghị giảm 1 Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua phát biểu của nhiều đại biểu tại hội trường cũng như phiên họp tổ và cả quan điểm cá nhân thì tôi chưa đồng tình việc giảm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Chúng ta có 63 tỉnh thành, nếu chỉ giảm 63 người trong biên chế chung trong toàn quốc thì tôi nghĩ rằng không cần thiết trong khi chức trách,nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh rất là quan trọng trong điều hành, giám sát,…Theo tôi phải giữ nguyên như hiện nay, còn Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện thì có thể giảm được và đặc biệt cần phải quy định thêm Trưởng ban Hội đồng nhân dân phải là chuyên trách.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cơ sở quan trọng để vận hành nền hành chính thông suốt. Với mong muốn xây dựng một chính quyền địa phương dám chịu trách nhiệm, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng phải rà soát, bổ sung, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi được phân cấp, phân quyền. Đồng thời phải bảo đảm tính nhất quán, bám sát mục tiêu, quan điểm, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy, sắp xếp tinh gọn, hiệu lực của cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, phải khắc phục những khó khăn, chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính./.