Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “cho vay nóng, lãi suất thấp”; “cho vay tiền online” hoặc “cho vay không cần thế chấp” trong vài giây sẽ tìm thấy hàng triệu kết quả với những lời mời chào hỗ trợ tín dụng hấp dẫn. Theo những lời quảng cáo “có cánh” này, chỉ cần một cú điện thoại thì ngay lập tức “tiền tươi” sẽ được mang đến tận nhà cho người có nhu cầu vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, "tín dụng đen" được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước có lãi suất rất cao so với quy định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi. Còn theo cơ quan công an, "tín dụng đen" có hai biểu hiện chính là lãi suất cao gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật.
Lâu nay, hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen thường núp bóng dưới các hình thức như dịch vụ cầm đồ; cho vay với hình thức hợp đồng mua bán nhà đất; cho vay thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, đăng ký xe ô tô… Điều đáng nói, không chỉ bùng nổ ở các thành phố lớn, tín dụng đen giờ đã lan rộng đến các vùng quê vốn yên bình, kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán... bởi việc phải trả khoản vay với mức lãi suất cao lên tới 200-300%/năm là điều vô vàn khó khăn.
Nạn nhân của tín dụng đen rất đa dạng về lứa tuổi, trình độ học vấn, công việc, từ lao động phổ thông, người buôn bán nhỏ lẻ, khó khăn, không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn chính thống. Nếu không trả được khoản vay này, người vay sẽ bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... Sự ngang ngược của các băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Nhưng tại sao "sợ" mà người dân vẫn tìm đến tín dụng đen? Lý do một phần thiếu hiểu biết, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu lại không có tài sản thế chấp nên không vay được tiền tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Số liệu thống kê mới đây của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm. Riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan tín dụng đen.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
"Tín dụng đen" cũng là vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đã chất vấn Bộ Công an: “Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, trong khi chúng ta có cả hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng được tổ chức từ Trung ương tới cấp xã. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao hoạt động tín dụng đen lại gia tăng trong thời gian gần đây? Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn tín dụng đen?”
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận bày tỏ lo lắng về tình trạng tín dụng đen gia tăng: “Một điều đáng quan tâm là trong 2.500 vụ liên quan đến tín dụng đen của năm 2018 thì chỉ có 34 vụ bị xử về tội cho vay nặng lãi. Xin hỏi Bộ trưởng đâu là giải pháp để giải quyết dứt điểm loại tội phạm này?”
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, đề nghị Bộ Công an đánh giá về cấp độ và sự hiện diện của hoạt động tín dụng đen hiện nay: “Tôi thấy nội dung báo cáo của Bộ Công an đề cập chỉ nặng vấn đề tín dụng đen mà chưa đánh giá rõ nét về băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Hoạt động của xã hội đen không chỉ liên quan đến tín dụng đen mà còn các hoạt động khác như buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bảo kê hoạt động mại dâm… Xin Bộ trưởng đánh giá rõ về sự hiện diện và cấp độ hoạt động của các nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen hiện nay?
“Thực trạng hiện nay nhiều gia đình tan gia bại sản, nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn các thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đáng bạc, cá cược qua mạng online, từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận. Đề nghị Bộ trưởng cảnh báo cho người dân và nêu định hướng, giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng này? đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Thừa nhận tình hình hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự theo kiểu "xã hội đen", các băng nhóm hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn phức tạp trở lại, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm công tác đấu tranh với các băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.Bởi, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức và xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động còn nhiều vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự như đòi nợ bằng hình thức "khủng bố tinh thần", cấu kết với băng nhóm tội phạm giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Trong khi đó, nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tín dụng đen có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ. Mặt khác, việc vay - cho vay tiền, tài sản, huy động vốn là quan hệ dân sự tự nguyện có sự thoả thuận của hai bên, thường diễn ra "âm thầm", đến khi người vay tiền không trả được nợ, bị các băng nhóm tội phạm đe dọa, bắt giữ, đánh đập, khủng bố tinh thần... thì vụ việc mới được trình báo gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng... bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Như vậy, nếu vay 50 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này.
Luật quy định là vậy, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tín dụng đen tồn tại ngày một nhiều, dù hậu quả gây ra với xã hội đã rõ ràng? Câu trả lời đó là khi xã hội còn có cầu thì ắt sẽ có cung. Thực tế, không phải ai cũng có thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng, vì nguồn tín dụng hợp pháp này đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ. Trong khi đó tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhóm tội phạm bảo kê hoạt động. Vậy vai trò, trách nhiệm của ngành công an, cũng các cơ quan liên quan trong việc ngăn chặn hoạt động tín dụng đen cần được nhìn nhận như thế nào? Phóng viên Cổng thông tin điện tử ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay hoạt động cho vay nặng lãi, còn gọi là tín dụng đen đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ý kiến của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Theo quan điểm của tôi, tín dụng đen chỉ là một phần, đáng lo ngại hơn là đi kèm với tín dụng đen là hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, chuyên đòi nợ thuê bằng luật giang hồ, đâm thuê, chém mướn với nhiều hình thức phạm pháp. Nguyên nhân khiến tín dụng đen xuất hiện và phát triển ngày càng nhanh là do hệ thống tín dụng hợp pháp của chúng ta làm chưa tốt, vì còn quá nhiều thủ tục nên người dân chưa tiếp cận được hoặc chưa biết đến. Do vậy, người dân nghe lời đường mật dụ dỗ, sa chân vào tín dụng đen. Nhưng còn bộ phận lớn, có người ý thức rõ bản thân người đó đang phạm pháp, sa vào cờ bạc, cá độ và lúc đó trong cơn khát cờ bạc sẵn sàng vay với bất kỳ lãi suất nào để thỏa mãn được nhu cầu tiền lúc đó. Và sau đó, với tâm lý tự làm tự chịu, người vay tín dụng đen không dám báo cáo, không dám tố giác với cơ quan công an, trừ khi bị dồn đến chân tường, khi bị đe dọa về tính mạng thì mới báo cơ quan công an.
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen có cơ hội phát triển là các loại tội phạm về đánh bạc, cá cược diễn ra phổ biến, nhiều con bạc có thể vay tiền bất chấp với lãi suất nào. Vì thế đây là cơ hội cho tín dụng đen hoạt động và phát triển. Nguyên nhân thứ hai, theo tôi đó là một số ít hộ nông dân do chăn nuôi, trồng trọt nhưng không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nên đã vay tiền với lãi suất cao. Nguyên nhân thứ ba là những gia đình khó khăn, gặp lúc ốm đau nên phải vay tín dụng đen để chữa bệnh. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần nghiên cứu nguyên nhân khiến người dân vay tín dụng đen, trong đó đối với đối tượng đánh bạc, cá độ cần chặn đứng để không có nhiều người lao vào vòng xoáy của tín dụng đen.
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
- Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi nghĩ ai cũng biết những hậu quả nếuvay tín dụng đen, nhưng do thủ tục vay đơn giản, chỉ cần một cú điện thoại là có tiền, với thủ tục dễ dàng như vậy, trong khi đó không có ngân hàng nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này. Tôi cho rằng, người dân là nạn nhân của hoạt động này cần hết sức tỉnh táo, bởi đây là quyền dân sự đi vay và mượn tiền, không lực lượng chức năng nào có thể can thiệp.
Phóng viên: Vậy thưa đại biểu đâu là những giải pháp căn cơ ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen?
- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Hoạt động cho vay nặng lãi là giao dịch dân sự này thì quản lý rất khó, trừ khi sự việc bị đổ bể ra thì mới xử lý được, nếu người dân tố cáo đến cơ quan công an. Còn phần lớn nạn nhân vẫn lẳng lặng trả nợ, bởi họ biết việc vay mượn là bất hợp pháp nên họ tự thu xếp với nhau nên cơ quan công an và hệ thống tư pháp rất khó trong việc khép tội. Chưa kể vấn đề đặt ra là việc khép tôi thì khép chủ nợ cho vay hay khép tội đối với công cụ đi đòi nợ theo kiểu xã hội đen, thậm chí cũng phải phạt người đi vay. Như vậy là cả một mớ bùng nhùng và để giải quyết vấn đề này không phải là ngày một ngày hai.
Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Tôi cho rằng, đối với những đối tượng hộ nghèo, bị ốm đau thì nên có chính sách hỗ trợ về tài chính, giảm nguy cơ rơi vào bẫy tín dụng đen. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo ngân hàng chính sách cho các hộ nông dân vay vốn. Tuy nhiên, vẫn còn một đối tượng nữa chưa tiếp cận được nguồn vốn vay đó là hộ nghèo bị ốm đau, bệnh tật, tôi nghĩ bảo hiểm y tế và ngân hàng cần phối hợp với nhau, tránh tình trạng bệnh tật phải đi vay để chữa bệnh, tránh rơi rào vòng xoáy của tín dụng đen.
- Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi cho rằng tín dụng đen là vấn đề nhức nhối trong xã hội, tuy nhiên để xử lý thì phải áp dụng luật. Thời gian qua, lực lượng công an ra quân dẹp bỏ những tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng đen được dán dày đặc trên các tuyến đường. Đây cũng là biện pháp nhưng có biện pháp hiệu quả và đơn giản hơn đó là xem xét lại yếu tố pháp lý, xử lý các số điện thoại đăng tin, rao bán, quảng cáo cho vay lãi suất cao. Tôi nghĩ các cơ quan thông tin truyền thông cần vào cuộc cùng với ngành công an giải quyết vấn đề này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu!