ĐBQH PHAN THỊ BÌNH THUẬN: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH XỬ LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NGHỈ HƯU VI PHẠM TRONG THỜI GIAN CÔNG TÁC

19/07/2019

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đã bổ sung quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tuy nhiên, để các quy định đi vào cuộc sống, đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng việc luật hoá quy định này cũng cần nghiên cứu sao cho phù hợp vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa không bỏ lọt tội phạm.

Thời gian gần đây, hàng loạt sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được làm rõ. Đặc biệt, nhiều cán bộ, công chức là người đứng đầu, giữ các chức vụ cao, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đến Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, Thứ trưởng… có sai phạm đều bị xử lý về Đảng, cách chức và thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự. Điều này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng ở nước ta.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian gần đây có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất, được sự đồng tình của nhân dân và mong muốn công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Lâu nay có nhiều dư luận đặt câu hỏi: nếu các vụ án tham nhũng động chạm đến các vị trí cấp cao thì có xử lý không và xử lý như thế nào? Nhưng bây giờ thực tế đã xem xét nghiêm khắc, không bỏ qua cán bộ cấp nào, cương vị nào, đây là điều rất mừng và nhận được sự đồng tình của nhân dân.

Điều 79, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: "Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc". Tuy nhiên, trong luật hiện hành không có quy định xử phạt cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Điều này khiến sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật không được đảm bảo, làm giảm niềm tin của cử tri, gây bức xúc  trong dư luận. Đặc biệt trong thời gian qua, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm nhưng chậm bị phát hiện hoặc vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì rất khó xử lý kỷ luật, do không có cơ sở pháp lý để thực hiện, dù các cán bộ này vẫn bị kỷ luật Đảng. Đồng thời gây ra sự thiếu đồng bộ giữa kỷ luật hành chính với kỷ luật về Đảng với tư cách đảng viên. Vì vậy, vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức còn tư tưởng "hạ cánh an toàn", dẫn tới hời hợt, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, đã là đảng viên, dù là cấp cao hay cấp thấp đều phải tuân thủ kỷ luật đảng và đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, giữa kỷ luật đảng với pháp luật của nhà nước có quan hệ mật thiết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau. Bất kỳ một cán bộ đảng viên nào nắm chức vụ trong bộ máy nhà nước đều phải chấp hành kỷ luật đảng, tuân thủ kỷ luật đảng và tuân thủ pháp luật của nhà nước. Vì thế, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm trong chống tiêu cực, chống tham nhũng. Đã là đảng viên, dù là cấp cao hay cấp thấp đều phải tuân thủ kỷ luật đảng và đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

Còn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong công tác phòng chống tham nhũng: “Đứng về phương diện Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội cần sử dụng quyền lực của mình, qua lắng nghe ý kiến của nhân dân, yêu cầu bộ máy điều hành phải trả lời, giải đáp được những ý kiến nguyện vọng của nhân dân thì chắc chắn sẽ có chuyển biến và bộ máy của nhà nước hành động tốt thì hiệu lực lãnh đạo của đảng sẽ cao lên”.

Điều mà cử tri và người dân đang trông đợi và tin tưởng là tới đây sẽ không còn tình trạng cán bộ về hưu “hạ cánh an toàn” khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức được sửa đổi được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. 

Thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết bổ sung quy định xử lý đối với cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương về “xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”. Theo đó, Khoản 5 điều 84 Dự thảo luật quy định: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn đề nghị ban soạn thảo làm rõ trong trường hợp một cán bộ về hưu bị xoá tư cách chức vụ khi đương chức vậy văn bản họ đã ký còn hiệu lực hay không? Có nên quy định theo hướng nếu văn bản đó đúng thì tiếp tục có hiệu lực, văn bản đó xuất phát từ hành vi vi phạm bị kỷ luật thì không còn hiệu lực?

Đại biểu Hoàng Văn Trà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu câu hỏi: Hình thức xử lý cán bộ công chức đã nghỉ hưu hiện nay chúng ta đang làm và làm rất tốt gây hiệu ứng tốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng , xây dựng chính quyền và phòng chống tham nhũng. Vì vậy việc luật hóa là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định kỹ hơn, phải làm rõ tính pháp lý của văn bản ngày trước thì trách nhiệm ở đâu?

Đại biểu Hoàng Văn Trà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Mặc dù nhất trí về việc phải có quy định xử lý cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng hiện có 2 luồng quan điểm khác nhau về phạm vi cán bộ bị xử lý: một là xử lý đối với tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác; hai là chỉ quy định với những người từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở Trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Ngoài ra, quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật như thế nào để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, băn khoăn: “Thời gian qua, Nghị quyết của Quốc hội quy định là không công nhận tư cách là bộ trưởng. Vậy còn ở địa phương thì luật năm 2008 quy định là hạ lương, hạ ngạch, khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Nhưng nếu cán bộ vi phạm thì cảnh cáo, vậy ở địa phương thì đơn vị nào ra quyết định kỷ luật, cảnh cáo đối với người đã về hưu rồi. Đề nghị cần tính toán kỹ cơ sở pháp lý. Nếu là Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng về hưu thì được hưởng quyền lợi gì để khi không công nhận chức vụ đó thì sẽ không được hưởng quyền lợi ấy. Chứ nếu chỉ khiển trách, cảnh cáo thì không giải quyết được, mà khiển trách, cảnh cáo thì nằm trong Luật Cán bộ, công chức. Khi đã về hưu thì không nằm trong điều chỉnh của luật nữa thì ai là người ký quyết định khiển trách, cảnh cáo”.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên 

Quy định xử lý những cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu bị phát hiện có sai phạm khi đương chức đương quyền là cần thiết, nhưng cơ sở pháp lý, như thế nào để nếu luật được thông qua đi vào cuộc sống, tránh tình trạng Luật ra đời không xử lý được, không mang tính răn đe, bỏ lọt tội phạm? Cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng việc bổ sung, chỉnh sửa theo hướng nào thì yêu cầu trước tiên vẫn là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định, hình thức kỷ luật; đảm bảo tính nghiêm minh, sự công bằng trước pháp luật đối với mọi đối tượng và hành vi vi phạm. Như vậy mới khẳng định được tính đúng đắn, tính khả thi của một văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật. Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh về nội dung này:

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung dự thảo Luật. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung dự thảo Luật?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Tôi thấy trong thời điểm này việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức là cần thiết, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy cũng như tinh giản, tin gọn biên chế. Trong quá trình triển khai Luật cán bộ công chức và Viên chức đã phát sinh bất cập mà trong lần sửa đổi lần này cũng cần phải rà soát để khắc phục những tồn tại này. Tôi cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh, sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần này.

Phóng viên: Quy định xử lý cán bộ công chức đã nghỉ hưu mà phát hiện vi phạm trong thời gian công tác nhận được sự quan tâm của đại biểu và cử tri cả nước. Theo đại biểu, trên thực tế, việc xử lý cán bộ công chức có khó khăn, vướng mắc gì?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Việc xử lý cán bộ, công chức đã nghỉ hưu mà sau đó mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác thì đây là vấn đề mới và được đưa vào sửa đổi, bổ sung trong Luật. Do đây là vấn đề mới nên chắc chắn sẽ gặp những khó khăn vướng mắc, mà trong đó có vấn đề tôi băn khoăn, đó là đã nghỉ hưu rồi thì xử lý như thế nào. Đối với người đã nghỉ hưu thì áp dụng quy định, hình thức xử lý kỷ luật có giá trị và tính hiệu lực hay không? Đối với văn bản trong thời gian đương chức mà họ đã ký, ví dụ những quyết định về bổ nhiệm, khen thưởng thì có hình thức xử phạt như bãi nhiễm chức vụ thì văn bản khi đương chức ký thì giá trị ra sao. Đây là những vấn đề cần phải tính toán đến.

Phóng viên: Để hoàn thiện quy định trong dự thảo luật, đặc biệt việc xử lý cán bộ, công chức nghỉ hưu vi phạm thì cần sửa đổi như thế nào trong dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi, thưa đại biểu?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ rằng, với quy định xử lý cán bộ công chức viên chức đã về hưu mà phát hiện vi phạm trong thời gian công tác là rất cần thiết, tuy nhiên dự thảo cũng cần lấy ý kiến rộng rãi và có đánh giá tác động kỹ hơn đối với nội dung này. Tôi cho rằng nên quy định theo hướng khi phát hiện vi phạm thì tùy theo mức độ có xử lý về mặt hình sự, dân sự, hành chính. Còn đối với xử lý kỷ luật cần cân nhắc xử lý như thế nào cho thật sự mang tính răn đe và hướng tới mục đích mong muốn./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương

Các bài viết khác