Đại biểu Hoàng Quang Hàm chỉ rõ, 6 tháng sau Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội, trải qua nhiều phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ba phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần dự phòng chung của ngân sách trung ương lại quay trở về trình Quốc hội. Từ kỳ họp trước cách đây 6 tháng Quốc hội đã họp và khẳng định Chính phủ không thuyết minh được nguồn để sử dụng dự phòng, nếu đồng ý cho Chính phủ chia dự phòng sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng, trái với quy định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền càng thiếu tiền thêm, các dự án mới không có tiền để thực hiện. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 71 và đề ra nguyên tắc sử dụng vốn dự phòng chung trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hàng năm và các dự án được bố trí vốn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương phải bảo đảm nguyên tắc cân đối được nguồn trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, Nghị quyết cũng giao cho Chính phủ chuẩn bị lại và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Để có thể sử dụng vốn dự phòng chung theo nguyên tắc của Nghị quyết số 71 và Luật Đầu tư công chỉ có hai con đường. Chính phủ phải tìm được nguồn khả thi để bổ sung tiền hoặc rà soát, cắt giảm vốn trung hạn đã giao cho các dự án để tạo nguồn triển khai các dự án triển khai sử dụng vốn dự phòng chung. Tuy nhiên, đến nay các Tờ trình của Chính phủ ngoài phương án phân bổ, chia dự phòng chung không có thuyết minh bổ sung nguồn hay phương án cắt giảm các dự án tạo nguồn triển khai các dự án dự kiến sử dụng vốn dự phòng chung.
Đại biểu cũng cho biết, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách và bản thân các tờ trình của Chính phủ đều ghi nhận mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được. Nếu sử dụng vốn dự phòng chung sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng. Chúng ta đang ở kỳ thứ tư của kế hoạch 4 năm 2016, 2017, 2018, 2019 đã chưa xong, chỉ còn lại tiền của 2020 dự kiến phấn đấu cao cũng chỉ được 217.000 tỷ. Bây giờ phân bổ vốn dự phòng để chia mức vốn trung hạn chúng ta dự kiến từ 2016 cách đây 3 năm, mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 là 372.000 tỷ. Chỉ thu xếp thu được 217.000 tỷ mà cam kết chi đến 372.000 tỷ là điều không thể. Quyết tâm thực hiện thì hệ quả là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho là điều chắc chắn khi quá khả năng thu xếp tiền. Mặc dù biết sử dụng vốn dự phòng chung sẽ thiếu 155.000 tỷ đồng so với ngân sách hàng năm có thể cân đối được nhưng Chính phủ vẫn trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ trong khi không thuyết minh được phương án cân đối nguồn khả thi, không cụ thể cắt giảm mức vốn trung hạn đã giao của dự án nào và cắt giảm bao nhiêu.
Đại biểu phân tích, nói đến tiền chi ngân sách không thể nói là khoảng, sẽ mà phải cụ thể, hơn nữa hầu hết các dự án mới chưa đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch, nhiều dự án chưa đáp ứng nguyên tắc tiêu chí thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết 26, Nghị quyết 71. Thẩm tra các tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đã nhiều lần đề nghị chuẩn bị thêm, chưa sử dụng dự phòng do chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 71, chưa khẳng định rõ khả năng cân đối vốn và đến lần thứ 3. Tờ trình 238 trình Quốc hội, Chính phủ thuyết minh nguồn bổ sung một cách chung và đẩy mạnh thu, điều chỉnh kế hoạch hợp lý hoặc tăng sử dụng sự phòng ngân sách trung ương hàng năm, tăng thu, tiết kiệm chi nếu có.
Trong nguồn dự phòng ngân sách hàng năm để khắc phục thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách chưa được dự toán, tăng thu tiết kiệm chi, thứ tự ưu tiên đã rõ ràng trong Luật Ngân sách là giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bổ sung quỹ dự trữ tài chính cải cách tiền lương, thực hiện một số chính sách an sinh xã hội cho nên giải thích bổ sung nguồn của Chính phủ thực chất là chưa có nguồn và cũng không chỉ rõ là cắt giảm dự án nào, bao nhiêu, số tiền thực hiện các dự án sử dụng nguồn dự phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã 2 lần yêu cầu Chính phủ làm rõ khả năng cân đối nguồn để bố trí cho các dự án theo thứ tự ưu tiên của Nghị quyết 71 nhưng Chính phủ vẫn không thực hiện, đến lần thứ 3 tờ trình Quốc hội tại kỳ họp này, nội dung về dự phòng chung hầu như không có thay đổi so với lần trình đầu tiên, như vậy các căn cứ pháp lý, chỉ dẫn cụ thể đã được nêu cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội và được nhắc lại trong ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được khẳng định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, N gân sách. Tuy nhiên, Chính phủ chưa tuân theo nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật Tổ chức Quốc hội quy định Chính phủ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể có những khó khăn những không thể tránh khỏi có ý kiến cho rằng Chính phủ từ chối thực hiện nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ là không khó khăn nếu sau kỳ họp thứ 6 cách đây 6 tháng Chính phủ thực hiện ngay rà soát nguồn hoặc rà soát để cắt giảm điều chỉnh các dự án đã giao vốn trung hạn.
Đại biểu nêu rõ, chỉ còn 1,5 năm là hết thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tình trạng chuyển đi chuyển lại đã 3 lần, không thể chậm trễ hơn nữa vì sẽ rất ảnh hưởng. Do đó, đại biểu thống nhất với đề xuất của báo cáo thẩm tra là giao cho Chính phủ chuẩn bị và quyết định theo nguyên tắc của báo cáo thẩm tra nhưng Chính phủ cần quyết tâm hơn và Quốc hội cần nghiêm khắc hơn không nên để tình trạng này xảy ra thêm một lần nữa và để công khai minh bạch thì Chính phủ nên công khai cho mỗi ngành, địa phương biết mình được dự kiến bao nhiêu và thiếu bao nhiêu tiền so với cam kết trung hạn trước khi làm dự toán năm 2020./.