ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: QUY ĐỊNH RÕ CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐƯỢC QUYỀN GIÁM SÁT, GIÁO DỤC NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG ÁN TREO

01/07/2019

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 7, đại biểu Bế Minh Đức- Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng cần quy định rõ cơ quan, tổ chức có quyền giám sát giáo dục đối với người được hưởng án treo.

Đại biểu Bế Minh Đức phát biểu

Đại biểu Bế Minh Đức chỉ ra rằng, tại khoản 1 Điều 84 dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) quy định về quyết định thi hành án treo cũng không quy định có cơ quan, tổ chức được quyền giám sát. Việc không quy định có cơ quan, tổ chức được quyền giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong Luật Thi hành án hình sự sẽ gây trở ngại rất lớn cho công tác thi hành án của cơ quan thi hành án đối với những bản án của Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan tổ chức nơi người đó đang công tác giám sát, giáo dục. Mặc dù trong dự thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung Điều 94 và Điều 106. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay Tòa án đã tuyên giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó đang công tác giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách nhưng cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện lúng túng, không biết tiến hành thủ tục giao như thế nào cho đúng luật hiện hành. Vì Luật Thi hành án hình sự hiện hành không quy định cho cơ quan, tổ chức có quyền giám sát giáo dục đối với người được hưởng án treo. Cơ quan được giao quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo cũng không biết căn cứ vào đâu để phân công người quản lý, giám sát, giáo dục và các thủ tục nhận xét đánh giá  đối với người được hưởng án treo. Đối với trường hợp thi hành án hình sự là cán bộ, công chức không phải hình phạt tù vẫn được bố trí việc làm thì vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý sử dụng cán bộ, công chức này như nào cũng chưa quy định cụ thể trong dự thảo luật. Trong khi đó, để theo dõi quản lý trường hợp này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã là khó khăn. Do đó, nội dung này cần được quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi của luật.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về thời hạn thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người được hưởng án treo quy định thời gian thử thách Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đương nhiên thừa nhận cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc tức là người được hưởng án treo cũng là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) lần này tại khoản 3 Điều 1 chỉ quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự. Việc quy định như vậy sẽ không đồng nhất với khoản 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, về chế độ gặp thân nhân, nhận tiền, đồ vật của phạm nhân quy định tại Điều 52 khoản 6 nên xem xét, cơ cấu thành một điều riêng để đảm bảo tính logic, thống nhất nội dung. Bởi vì, từ khoản 1 đến khoản 5 và khoản 7 Điều 52 quy định về chế độ gặp thân nhân, nhận tiền, đồ vật của phạm nhân nhưng khoản 6 quy định thủ tục gặp phạm nhân là người nước ngoài.

Còn đối với nội dung về khen thưởng và xử lý vi phạm tại Điều 157, đại biểu chỉ rõ, khoản 1 quy định học sinh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội dung trường giáo dưỡng, kết quả học tập đạt loại khá trở lên hoặc lập công thì hiệu trưởng quyết định khen thưởng bằng một số hình thức sau: Biểu dương, tặng giấy khen, tặng quà; Cho đi thăm quan do trường giáo dưỡng tổ chức.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về hình thức tặng giấy khen vì việc đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý của nhà trường. Theo quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là những người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, lứa tuổi vị thành niên do thực hiện những hành vi phạm tội cụ thể nên phải đưa vào trường giáo dưỡng. Nếu như khen thưởng bằng hình thức tặng giấy khen thấy không phù hợp, bởi giấy khen là hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích và được trao một cách trang trọng. Nhưng trường hợp này đối tượng được thưởng là những cá nhân đang phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính, liệu họ có thấy tự hào khi được nhận giấy khen. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc. Theo đại biểu, chỉ  nên quy định hình thức biểu dương, tặng quà hiện vật hoặc cho đi tham quan do trường giáo dưỡng tổ chức./.

Hồ Hương