Toàn cảnh phiên thảo luận
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chỉ ra rằng, hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ cùng với sự phổ biến của mạng xã hội đã tạo bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân. Đồng thời, cũng tạo những thách thức lớn đối với thư viện. Việc phát triển thư viện số là một xu thế tất yếu. Dự thảo luật đã dành một số điều khoản quy định về thư viện số như việc xác định về điều kiện thành lập, xây dựng và dịch vụ thư viện số. Tuy nhiên, những nội dung Ban soạn thảo đề cập trong dự thảo Luật còn sơ sài, tản mạn trong khi hoạt động của thư viện số khá phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong và ngoài nước. Các thư viện hiện nay đang đứng trước vấn đề rất khó giải quyết. Một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu tối đa của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu, mặt khác việc số hóa tài liệu phục vụ bạn đọc liên quan chặt chẽ tới vấn đề thực thi quyền tác giả, không được xâm phạm đến quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi cung cấp tài liệu, bản sao cho người dùng. Nhiều tài liệu thư viện chỉ có bản quyền cho dịch vụ truyền thống, không có bản quyền cho dịch vụ số. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung, điều chỉnh đảm bảo tính thực thi của các quy định về nội dung này theo như thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhằm tập trung giải quyết cũng như đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghệ và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Thư viện để thay thế cho Pháp lệnh Thư viện đã được ban hành từ năm 2000 đến nay gần 20 năm, để phù hợp với các đạo luật mới ban hành và Hiến pháp năm 2013, đại biểu Lưu Văn Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, đánh giá Luật Thư viện được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp thư viện, nhằm phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và phát triển, giải trí của Nhân dân, phát triển văn hóa đọc cho Nhân dân.
Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Lưu Văn Đức phân tích, với những tiến bộ của công nghệ số, internet, một số loại hình thư viện mới với rất nhiều ưu điểm đã xuất hiện, đó là thư viện số, loại hình thư viện này đã cung cấp các dịch vụ cho phép người sử dụng tìm kiếm và khai thác các đầu sách thông qua máy tính, thiết bị điện tử trên không gian mạng, người sử dụng có thể tiếp cận thư viện từ bất cứ đâu trên thế giới và bất cứ khi nào thay vì phải trực tiếp đến thư viện tra cứu, tìm kiếm và mượn sách để đọc. Số người tiếp cận thư viện số cũng ngày càng nhiều hơn so với khả năng phục vụ của thư viện truyền thống. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị. Tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, đặc biệt là trẻ em rất thiếu sách, rất cần sách để đọc. Do vậy, song song với việc hiện đại hóa đầu tư cho thư viện số đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn tôi đề nghị nhà nước, xã hội cần quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng theo phương thức truyền thống, đồng thời có chính sách để bổ sung nguồn sách cho thư viện, triển khai hoạt động lưu động, luân chuyển sách, đưa sách đến cho người dân để phù hợp với đặc điểm của địa bàn. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát các chính sách của nhà nước về phát triển thư viện quy định tại Điều 4 của dự thảo luật, nhất là chính sách về đầu tư phát triển mạng lưới thư viện.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng Luật cần quy định thư viện số một cách rõ nét, mạnh mẽ, cập nhật và rộng rãi để tạo điều kiện cho hệ thống thư viện Việt Nam nhanh chóng bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thư viện số. Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề này thực sự phải là một vấn đề quan trọng của Luật Thư viện chúng ta lần này. Như vậy, phải tích hợp cho được trong mỗi thư viện dù hạng nào, cả thư viện truyền thống và cả thư viện số. Thư viện số cần được nối mạng mang tính toàn quốc, tổng thể và thống nhất. Bên cạnh đó, cần có những quy định mở để tập hợp thêm những chức năng gần với thư viện. Đại biểu phân tích, thư viện là nơi mượn sách, tài liệu, nơi đọc, nơi nghiên cứu, nơi tọa đàm, nơi thảo luận, nơi phổ biến chính sách, nơi gặp gỡ các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, nơi cung cấp dịch vụ, sao lưu tài liệu, sách vở. Chúng ta đều thấy trong sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và sự hiện diện của các thiết bị điện tử, đặc biệt là sự dễ dàng tra cứu, lấy thông tin trên Google nên tổ chức và hoạt động thư viện ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Vì vậy, khi tập hợp thêm các hoạt động nói trên mới có thể kéo được bạn đọc đến với thư viện. Do đó, khi thiết kế các quy định về thư viện số, đề nghị ban soạn thảo phải rà soát, quan tâm hơn./.