Mặc dù 2 con của chị Lều Thị Ngoan - trú tại quận Ba Đình, Tp.Hà Nội chỉ cách nhau 2 tuổi, nhưng cứ vào năm học là chị lại phải mua 2 bộ sách mới hoàn toàn cho 2 con. Lý do không thể tái sử dụng sách giáo khoa của chị gái là vì cháu đã làm bài tập vào chỗ khuyết mà nhà xuất bản đã thiết kế sẵn trong sách giáo khoa. Chị Ngoan tâm sự, có những quyển sách vẫn còn thơm mùi mực nhưng vẫn phải bỏ đi vì thông thường cuối năm học các con đã đặt mua tại trường cả bộ sách mới để dùng cho năm sau.
Chị Lều Thị Ngoan - quận Ba Đình: có những quyển sách vẫn còn thơm mùi mực nhưng vẫn phải bỏ đi
Chị Lều Thị Ngoan chia sẻ, cô em học lớp 3 hoàn toàn không được sử dụng lại sách của cô chị, thật sự rất lãng phí. Với những trẻ trên thành phố, việc mua lại một bộ sách với cha mẹ là bình thường, nhưng với những trẻ em vùng sâu vùng xa, gia đình còn nhiều thiếu thốn, đầu năm phải đóng rất nhiều khoản chi phí nên nếu những bộ sách này có thể dùng lại được thì sẽ rất kinh tế. Chị cũng bảo các con tập hợp sách lại để cho những trẻ em nghèo, nhưng khi mở sách ra thấy sách đã viết kín như thế này rồi thì việc tái sử dụng lại là không thể.
Thống kê của Nhà xuất bản giáo dục, năm 2018 số lượng sách giáo khoa được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành 110 triệu bản, đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh; 35% lượng sách giáo khoa cũ được học sinh sử dụng lại, mượn thư viện hoặc dùng chung.
Thực tế hiện nay, sách giáo khoa từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học đều yêu cầu học sinh làm thẳng bài vào sách giáo khoa. Cụ thể, đối với môn toán của học sinh lớp 4, ngay ở bài đầu tiên, học sinh đã phải làm vào sách…Các trang tiếp theo, dường như trang nào cũng in sẵn các phần bài tập cho học sinh làm bài ngay vào sách. Ngoài bài tập làm thẳng vào trong sách giáo khoa, không ít trường còn yêu cầu phụ huynh học sinh mua thêm sách bài tập hoặc sách hướng dẫn học cho con. Đáng chú ý nhiều bộ sách tiếng Anh kèm với tài liệu bổ trợ của học sinh có giá tới hàng trăm nghìn đồng nhưng học sinh cũng không thể tái sử dụng được ở năm sau cũng vì lý do xây dựng hệ thống bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi.
Anh Hoàng Anh Tuấn – Ba Đình: việc sử dụng sách giáo khoa cho các cháu hiện nay rất lãng phí về tiền bạc
Anh Hoàng Anh Tuấn – trú tại quận Ba Đình, cũng nhận thấy việc sử dụng sách giáo khoa cho các cháu hiện nay rất lãng phí về tiền bạc, đầu năm phải đầu tư một khoản tiền khá lớn, vài trăm nghìn một bộ sách giáo khoa. Đến cuối năm, sách này không còn sử dụng được nữa, chỉ để bán đồng nát với giá trị rất thấp, chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Hơn nữa, việc lãng phí sách giáo khoa còn ảnh hưởng đến vấn đề môi trường.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sách giáo khoa có những bài tập trong sách giúp cho học sinh nắm được vấn đề 1 cách logic theo từng bài học, thuận tiện, không mất thời gian. Bên cạnh đó rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh – trú tại quận Hà Đông, có con đang học lớp 4, hầu như con chị hầu hết đều làm bài tập luôn vào sách các môn như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Chị thấy, việc viết vào sách cũng có những ưu điểm như vừa có thể làm bài tập vừa có thể xem lý thuyết sẽ giúp nắm chắc kiến thức hơn.
Theo một số chuyên gia giáo dục, việc học sinh dùng sách như thế nào tùy thuộc vào cách làm sách của người biên soạn cũng như Nhà xuất bản. Nếu những người làm sách muốn sách có thể tái sử dụng thì sẽ không biên soạn theo kiểu để học sinh có thể viết vào đó.
Nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Đình Hương: nếu cải thiện lại sách giáo khoa thì phần bài tập phải in riêng ra
Nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Đình Hương cho biết, nếu viết luôn bài tập vào trong sách giáo khoa thì sang năm các em sẽ chỉ sử dụng được 1 năm, sang năm sẽ không thể sử dụng được. Cho nên, nếu cải thiện lại sách giáo khoa thì phần bài tập phải in riêng ra. Giáo viên và học sinh photo phần bài tập ra để làm thì sách giáo khoa sẽ có thể dùng lại được nhiều năm, cải tiến này sẽ có thể làm được.
Dù đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định việc phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học 2018 đạt kế hoạch và vượt 5% so với cùng kỳ năm 2017…Tuy nhiên, trước thềm khai giảng năm học mới 2018-2019, tại nhiều tỉnh thành đã xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa khiến phụ huynh phải nháo nhác tìm mua.… Điều này khiến dư luận đặt ra một câu hỏi lớn là tại sao sách giáo khoa lâu nay không được tái sử dụng? Câu hỏi này dường như không khó tìm lời đáp khi học sinh vẫn làm bài tập trong sách giáo khoa như thế này.
Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng từ việc sử dụng sách giáo khoa mỗi năm
Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/03, vấn đề lãng phí sách giáo khoa được nhiều đại biểu đề cập. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, sách giáo khoa được xã hội rất quan tâm. Với xã hội, nó không phải khoản chi lớn nhưng với mỗi gia đình nó là khoản chi rất đáng kể. Nên phải sử dụng sách giáo khoa sao cho tiết kiệm.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình biên soạn cần ưu tiên quy tụ được những người có trình độ sư phạm, có năng lực chuyên môn, đã qua thực tiễn giảng dạy, tham gia điều hành. Đồng thời, qua nghe ý kiến nhân dân là phải công khai hội đồng viết sách giáo khoa, phải chịu trách nhiệm, đảm bảo đúng định hướng chính trị của nền giáo dục Việt Nam, minh bạch cơ chế đãi ngộ, tránh độc quyền.
Để làm rõ quan điểm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long:
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: vấn đề sử dụng sách giáo khoa của học sinh được dư luận xã hội, đặc biệt là các phụ huynh rất quan tâm.
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện dư luận xã hội đang phản ứng khá gay gắt về tình trạng mỗi năm phụ huynh học sinh phải chi hàng ngàn tỉ đồng mua sách mới vì sách giáo khoa cũ không thể tái sử dụng. Đại biểu có thể cho biết rõ về thực trạng này?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Vấn đề sử dụng sách giáo khoa của học sinh được dư luận xã hội, đặc biệt là các phụ huynh rất quan tâm. Bởi vì đất nước ta là đất nước có dân số trẻ, lực lượng học sinh khoảng hàng chục triệu em ở tất cả các cấp học, số tiền xã hội phải bỏ ra cho việc mua sách giáo khoa hàng năm tính trên toàn xã hội là một con số rất lớn. Giá thành của một bộ sách giáo khoa không phải là quá nhiều đối với những hộ gia đình có thu nhập khá trở lên ở vùng đô thị, nhưng với nhân dân ở vùng sâu vùng xa, những địa bàn kinh tế xã hội còn khó khăn thì một vài trăm nghìn mua sách giáo khoa cho con và mua đều đặn qua hàng năm thì đây là một gánh nặng khá lớn. Thế nên dư luận trong nhiều năm qua rất quan tâm đến việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng không tái sử dụng được gây ra lãng phí, nhưng cũng có quan điểm học sinh viết trực tiếp vào sách giáo khoa giúp nắm chắc kiến thức từ lý thuyết đến thực hành, phát triển tư duy. Quan điểm của đại biểu về ý kiến này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Đúng là về mặt chủ trương, ngành giáo dục đã tuyên bố và xã hội cùng đều thấy nên tiết kiệm trong việc sử dụng sách giáo khoa, không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí cho phần lớn người dân ở những vùng kinh tế xã hội còn khó khăn mà còn tiết kiệm nguồn lực chung cho toàn xã hội. Không chỉ liên quan đến chi phí mà giấy thì làm từ gỗ, với lượng sách giáo khoa lớn như vậy, chúng ta sẽ phải sử dụng một lượng gỗ nhất định, sau đó thì còn việc tái sử dụng sách giáo khoa như thế nào. Đây còn là bài toán kinh tế, bài toán môi trường. Do vậy, việc tiết kiệm trong sử dụng sách giáo khoa để sách có thể sử dụng được qua nhiều thế hệ học sinh là một yêu cầu cần phải xem xét vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay phần lớn lại thiết kế phần bài tập vào trong sách nên sau một năm học không thể tái sử dụng được.
Phóng viên: Theo đại biểu cần có những giải pháp như thế nào để vừa tránh lãng phí, học sinh có thể tái sử dựng được nhưng cũng tạo thuận lợi phát triển tư duy của học sinh?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Hiện nay có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất, phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả sách giáo khoa, làm sao để sách có thể sử dụng lại được qua các năm học, qua các thế hệ học sinh. Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc thiết kế bài tập vào sách giáo khoa với việc in ấn đẹp, màu sắc và cách trình bày hấp dẫn có thể tạo ra hứng thú học tập đối với học sinh trong quá trình học và làm bài tập.
Hai luồng ý kiến đều có cơ sở của mình, tuy nhiên, sách giáo khoa thể hiện chương trình đã được thống nhất thì nội dung, kiến thức sẽ được thể hiện ở một phần cụ thể trong sách giáo khoa nhưng phần bài tập có thể có nhiều dạng bài tập khác nhau, có thể tách ra một cuốn sách khác để học sinh làm trực tiếp vào sách bài tập. Những gia đình có điều kiện kinh tế có thể mua sách bài tập cho con em mình sử dụng, còn những gia đình còn khó khăn thì thầy cô có thể hướng dẫn các em làm bài tập vào vở viết. Đây là giải pháp kỹ thuật để có thể sử dụng hiệu quả, tiết kiệm sách giáo khoa nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân với điều kiện kinh tế của mình, phù hợp với các mức thu nhập khác nhau nhưng đồng thời cũng đảm bảo điều kiện học tập tốt cho học sinh.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Đại biểu!