Đại biểu Triệu Thị Thu Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn
Nội dung chất vấn: Cử tri phản ánh, Thông tư liên tịch số 39/TTLT, ngày 19/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên còn nhiều bất cập về chế độ, chính sách đối với giám đốc và giáo viên của trung tâm, cụ thể:
Đối với giám đốc chưa có cơ sở để xếp phụ cấp chức vụ, do chưa có văn bản hướng dẫn xếp hạng đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.
Đối với giáo viên: Cùng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nhưng giáo viên dạy giáo dục thường xuyên có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên, được chuyển mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/09/2015, trong khi đó giáo viên dạy nghề vẫn giữ mã ngạch 15113, 15a202, không có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên. Giáo viên dạy giáo dục thường xuyên có chế độ nghỉ hè 02 tháng, còn giáo viên dạy nghề không có chế độ nghỉ hè mà chỉ có chế độ nghỉ phép.
Cơ chế quản lý còn chồng chéo, nhiều đầu mối quản lý (Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo chuyên môn về dạy nghề). Chưa phân công rõ Bộ nào ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn giám đốc trung tâm.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thì có văn bản hướng dẫn để các địa phương tổ chức thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung thông tư cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Ngày 05/12/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có văn bản só 05966/BNV-TCBC trả lời chất vấn đại biểu.
- Về xếp phụ cấp chức vụ đối với lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện:
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn thực hiện phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện (sau đây gọi tắt là Trung tâm) theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 9 Mục II Thông tư số 83/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có văn bản hướng dẫn xếp hạng với Trung tâm.
- Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp về chế độ, chinh sách đối với giáo viên dạy nghề:
Về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp và Thông ư số 10/2018/TT-BNV ngày 13/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, sau khi ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn và mã số chức danh nghề nghiệp, Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp để ký ban hành.
Về chế độ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện: Theo quy định thì tất cả các đối tượng là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đã được chuyển, xếp lương theo Nghị quyết số 2014/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chỉnh phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tại các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động đều được hưởng phụ cấp ưu đãi (đứng lớp) quy định tại Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và phụ cấp thâm niên đói với nhà giáo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Do vậy, đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.
3. Về cơ chế quản lý, Quy chế tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn giám đốc trung tâm, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục:
Tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH –BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghềnghiệp – Giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV) đã quy đinh: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc quản lý, hướng dẫn chuyên môn đói với Trung tâm (Điều 7); Quy định về xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm (Điều 12); Quy định tiêu chuẩn giám đốc Trung tâm (Điều 16). Theo đó, đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV để chỉ đạo, thực hiện.
Về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, nội dung này không thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Do vậy, đề nghị đại biểu Quốc hội chuyển nội dung kiến nghị này đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để trả lời.