Bộ Công an trả lời chất vấn như sau:
Hiện nay, cả nước có 4.166 nhà chung cư cao tầng, siêu cao tầng trong đó có 110 công trình đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa đủ điều kiện để nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy,...
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã hoàn thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế chung cư cao tầng tại một số địa phương để đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy. Chỉ đạo Công an các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ấn định thời gian yêu cầu chủ đầu tư, người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp khắc phục những vi phạm, tồn tại để tiến hành nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động đối với những bộ phận chung cư, nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có khả năng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, như: Luật Phòng cháy, chữa cháy; chỉ thị số 47 ngày 25-06-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy...
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia vào công tác giám sát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
- Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên phạm vi toàn quốc, tập trung lực lượng phương tiện sẵn sàng xuất xe chữa cháy ngăn chặn, kiềm chế tình hình cháy, tổ chức kiểm tra các cơ sở có nguy cao về cháy nổ, công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
- Tăng cường các biện pháp quản lý căn hộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá phân loại, điều chuyển cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy gắn với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Chưa thực sự đồng tình cao với nội dung trả lời của Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng cần xác định rõ trách nhệm và xử lý của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vấn đề để xảy ra mất an toàn phòng chống cháy nổ tại nhà cao tầng và điều quan trọng hơn là phải đưa ra được những giải pháp có tính thực tiễn, đột phá cao nhằm hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển.
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu có văn bản chất vấn đối với Bộ Công an. Vậy đại biểu có thể cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tại kỳ họp thứ 5, tôi có gửi câu hỏi chất vấn Bộ Công an liên quan đến vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các nhà chung cư, nhà cao tầng. Như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy, hỏa hoạn rất nghiêm trọng phần lớn đều ở chung cư, nhà cao tầng. Đây là nỗi bất an cho xã hội nhất là trong bối cảnh chúng ta đô thị hóa nhanh, các thành phố hiện đại thì phần lớn người dân đều sống trong các nhà chung cư, khu cao tầng.
Phóng viên: Ngày 02/6/2018, Bộ Công an đã có công văn số 1509 trả lời chất vấn. Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời chất vấn của Bộ Công an?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Bộ Công an đã có văn bản trả lời chất vấn nhưng rất tiếc phần trả lời, tôi chưa thực sự thấy hài lòng. Thông thường khi câu hỏi chất vấn như thế này các đại biểu gửi tới các vị tư lệnh ngành thường chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về hiện trạng như thế nào? Các thông tin ra sao? Do đó, thông thường những vấn đề về thông số, dữ kiện chúng tôi cũng đã nắm được. Vì vậy, mục đích chất vấn ở đây chính là việc xác định rõ trách nhệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vấn đề để xảy ra cháy nổ tại các khu chung cư, nhà cao tầng và xử lý trách nhiệm như thế nào. Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là đưa ra những giải pháp có tính thực tế, đột phá cao để hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng này.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trong nội dung Nghị định số 79 ban hành năm 2014 của Chính phủ đã nêu rõ các công trình phải được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng các khu chung cư, cao tầng trong khi chưa hề nghiệm thu kỹ thuật an toàn phòng cháy hoặc có nghiệm thu nhưng không đạt yêu cầu vẫn diễn ra tràn lan. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì điều đầu tiên có lẽ họ quan tâm là lợi nhuận. Tôi nghĩ rằng, áp lực phải thu hồi vốn đầu tư khiến họ muốn bán được sản phẩm một cách nhanh nhất. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ trước khi bàn giao sản phẩm cho người dân. Mặt khác, điều quan trọng hơn là do nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn phòng cháy dẫn đến gián tiếp coi thường tính mạng con người. Đối với doanh nghiệp lớn có uy tín thì nhận thức rất rõ, và chấp hành nghiêm tuy nhiên ở Việt Nam những doanh nghiệp này lại không nhiều. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của tình trạng này còn do các cơ quan quản lý nhà nước làm không đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm. Chúng ta chỉ thấy nói là sai phạm và xử lý sai phạm nhưng cụ thể xử lý như thế nào thì không rõ, còn nhiều bất cập trong tổ chức thi hành pháp luật.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các nhà chung cư, nhà cao tầng hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Đây là vấn đề rất lớn, trong nội dung trả lời của Bộ Công an cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng còn rất chung chung. Theo quan điểm của tôi, cần ưu tiên một số giải pháp như:
Thứ nhất, chúng ta phải hoàn thiện thể chế. Thể chế ở đây bao gồm không chỉ trực tiếp là Nghị định 79 của Chính phủ mà bao gồm cả Luật phòng cháy, chữa cháy và Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan khác. Có lẽ rằng, đã đến lúc chúng ta phải có một quy định rất là rõ: nếu như công trình không bảo đảm các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì nhất thiết không được phép cho người dân vào sinh sống. Điều này phải mang tính nguyên tắc.
Thứ hai, khi bán sản phẩm phải kèm theo yêu cầu công trình đã được nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Thứ ba, thực tế cho thấy, văn bản có đầy đủ đến mấy nhưng tổ chức thi hành pháp luật không nghiêm thì cũng không hiệu quả. Do đó, đòi hỏi cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm túc thực hiện; ở đây bảo gồm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng cháy chữa cháy; đặc biệt trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có các công trình, cơ quan quản lý chuyên ngành về xây dựng ...
Thứ tư, về phía người dân cần có ý thức tìm hiểu kỹ càng, đầy đủ thông tin về công trình có đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trước khi mua nhà.
Thứ năm, tuyên truyền công khai, rõ ràng những danh mục công trình, nhà đầu tư không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy để người dân được biết.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!