ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH: ĐỀ NGHỊ SỚM CÔNG NHẬN 14 LIỆT SỸ

02/01/2019

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã có phiếu chất vấn đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về nội dung sớm công nhận 14 liệt sĩ (đã được Ủy ban nhân dân xã thống nhất và huyện Thường Tín xác nhận từ lâu) nhưng chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Lao dộng - Thương binh và Xã hội công nhận. Ngày 20/12/2018 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 5350/LĐTBXH-VP trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn như sau:

Ngày 02/11/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Công văn số 5536/UBND-VX về việc xác nhận liệt sĩ đối với 14 cán bộ trong khi dự tập huấn ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trên đường về địa phương bị đắm đò dẫn đến tử vong (ngày 29/4/1952).

Theo quy định vào thời điểm đó, cụ thể tại điểm 3 khoản A Mục I Thông tư số 59-TB-SL5 ngày 17/10/1956 của Bộ Thương binh về việc giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ ưu đãi gia đình liệt sĩ ghi rõ: “Những trường hợp chết như sau được coi là hy sinh: chết trận, chết vì địch giết trong khi đấu tranh hay đang làm công tác cách mạng, chết vì tai nạn trong khi làm công tác cách mạng. Các trường hợp chết trận, chết vì địch giết trong khi đấu tranh hay đang làm công tác cách mạng đều đương nhiên là liệt sĩ. Trường hợp chết vì tai nạn trong khi công tác phải là do dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ, phải được nhân dân, đồng đội, đồng sự hay đồng nghiệp nhận xét là xứng đáng, Ủy ban Hành chính tỉnh hay cấp trung đoàn trở lên đề nghị, mới coi là liệt sĩ”.

Hiện nay, Nghị định số 31/2013/NĐ –CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ cũng quy định rõ người được đề nghị công nhận liệt sĩ phải là những người trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá; tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp bảo đảm chiến đấu; hoặc đối với những trường hợp hy sinh khi dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.

Căn cứ các quy định tại thời điểm xảy ra vụ việc cũng như quy định hiện hành về điều kiện xác nhận liệt sĩ (trường hợp tử vong), không đủ cơ sở để đề nghị công nhận liệt sĩ đối với 14 trường hợp nêu trên.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo Cục Người có công phối hợp với địa phương trả lời nhân thân của 14 trường hợp nêu trên theo quy định của pháp luật.

Lê Anh